Cảng Kê Gà (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đã được Chính phủ phê duyệt xây dựng phục vụ việc xuất khẩu bau-xít. UBND tỉnh Bình Thuận cũng vừa có quyết định thu hồi đất của 11 dự án du lịch và một bưu điện văn hóa (khoảng 26 ha) nhằm giao mặt bằng cho chủ đầu tư là Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV).
Nhưng hiện việc tính toán đền bù cho các dự án du lịch vẫn rối, dù dự kiến đến cuối tháng 9, cảng Kê Gà sẽ khởi công.

Việc nan giải bắt đầu từ năm 2007, khi có phương án đầu tư cảng, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ ra thông báo yêu cầu các chủ đầu tư dự án du lịch tại khu vực này không tiến hành tiếp việc xây dựng dự án mà không xác định giá trị thiệt hại phù hợp tại thời điểm đó. Trong khi đã có nhiều dự án trong quá trình hoàn chỉnh với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng.


Nan giải đền bù giải tỏa cảng Kê Gà
Nhiều dự án du lịch tiền tỷ bỏ hoang từ năm 2007 đến nay xuống cấp trầm trọng nhưng rất khó xác định giá trị thiệt hại. Ảnh : Anh Tuấn.

Hiện giá đất, giá vật liệu và nhiều chi phí khác của cách đây 5 năm so với hiện tại chênh lệch quá lớn; rất khó cho việc kê khai chi tiết. Thậm chí trong quá trình đầu tư, có rất nhiều khoản chi phí không được tính vào dự án, nên thiệt thòi của các chủ dự án rất lớn. Điển hình là dự án Đồi Phong Lan (3,4 ha), dự án Thế Giới Xanh đã xây dựng gần như hoàn thiện với hàng trăm căn biệt thự, phòng nghỉ cao cấp và nộp đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Tuy nhiên, chỉ thông báo mà không làm các thủ tục nghiệm thu để lên phương án đền bù nên thời điểm này, việc kê khai đền bù hết sức phức tạp. Trong khi phải bỏ hoang từ năm 2007, đến nay các căn biệt thự của Đồi Phong Lan đã xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Ngọc Vinh, chủ dự án Đồi Phong Lan bức xúc: “Chúng tôi chấp nhận đi chỗ khác đầu tư. Nhưng chủ đầu tư cảng Kê Gà là TKV và tỉnh Bình Thuận phải khẩn trương xác định thiệt hại của dự án để có kế hoạch đền bù sớm. Càng kéo dài, thiệt hại của các doanh nghiệp càng lớn thêm”.

Trong khi đó, phương án đổi vị trí đầu tư cho những doanh nghiệp có dự án nằm trong vùng quy hoạch cảng cũng chưa được doanh nghiệp đồng tình. Bà Tạ Thị Phương Lý, đại diện hai dự án Phương Bắc và Thảo My (gần 5ha) cho biết: “Chúng tôi chấp nhận nhường đất cho cảng. Nhưng để có được đất sạch như bây giờ chúng tôi phải bỏ ra nhiều tỷ đồng bồi thường. Bây giờ tỉnh đưa chúng tôi sang làm dự án ở chỗ khác nhưng lại không nói gì đến chính sách bồi thường là bất hợp lý. Tiền đâu nhà đầu tư bỏ ra đền bù lần thứ hai?”.

Ông Hồ Lâm - Phó giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận, cũng nhìn nhận: “Làm sao cho các nhà đầu tư tránh thiệt thòi, đồng thời bảo đảm tính hợp lí các qui định của Nhà nước là rất khó. Ngoài ra, cũng theo Sở TN-MT, các chủ dự án phải tự trình phương án đền bù chi tiết. Sau đó sẽ có một đơn vị độc lập thẩm định giá trước khi trình UBND tỉnh. Tuy nhiên, hiện phương án các chủ đầu tư đã trình, nhưng vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra thẩm định.

Ngoài cảng Kê Gà, hai tuyến đường tỉnh lộ 714 khoảng 5 km và Qlộ 55 khoảng 22 km đoạn đi qua huyện Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận cũng là hai tuyến đường được Tập đoàn TKV đưa vào làm đường vận chuyển bauxit từ Tây Nguyên xuống Bình Thuận khi có cảng nước sâu Kê Gà.Nhiều dự án du lịch tiền tỷ bỏ hoang từ năm 2007 đến nay xuống cấp trầm trọng nhưng rất khó xác định giá trị thiệt hại. Ảnh : Anh Tuấn.

Theo Anh Tuấn (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.