Chính quyền địa phương làm... “trọng tài”
Theo người dân khu 3 thị trấn Yên Định, cuối tháng 3.2008 họ được UBND thị trấn mời đến trụ sở họp. Tại buổi họp này, ông Phạm Ngọc Diệp – Chủ tịch UBND thị trấn - thông báo với dân rằng ruộng được lấy làm KCN cấp cho 3 DN (Cty TNHH thương mại Mạnh Tân, Cty CP thương mại Hồng Quảng, chi nhánh Cty TNHH Đại Thanh) với giá 35.000đ/m2.
Đến nay, nhà máy cán thép trên 22 tỉ đồng của Cty Mạnh Tân chả thấy đâu, thay vào đó là cây xăng, một hồ lớn nuôi cá và đất để bày cây cảnh.
Theo ông Mai Văn Toàn – một trong 54 hộ dân mất đất: “Chúng tôi đã không nhất trí với việc chính quyền thị trấn lấy ruộng làm KCN vì đây là chân ruộng sản xuất tốt, dễ làm”. Bà Phạm Thị Dậu – cũng bị mất đất - cho biết: “Tôi là em gái ông chủ tịch thị trấn mà cũng bị ông ấy lừa mất ruộng. Trong khi chưa hề có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh cho từng hộ dân chúng tôi; đồng thời không có dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt, ông chủ tịch thị trấn đã cho cấp dưới bắt chúng tôi nhận tiền từ tháng 4.2008”.
PV đã có buổi làm việc với ông Phạm Ngọc Diệp - Chủ tịch UBND thị trấn Yên Định. Ông Diệp cho biết: “Các DN trình dự án với các cấp có thẩm quyền. Sau đó các DN đã về thỏa thuận mua đất của dân, rồi là Sở TNMT, UBND tỉnh cho DN thuê đất”.
Về câu hỏi chính quyền thị trấn đứng ra giúp DN mua đất ruộng của dân có khách quan hay không khi dư luận phản ánh chủ DN Mạnh Tân là em vợ của ông Diệp? Ông Diệp khẳng định: “3 DN đó của nhà tôi là không có. Cty Mạnh Tân đó là Cty của cậu em vợ. Việc dân bán đất cho DN đấy là tự nguyện của dân, chúng tôi không ép. Trong các hợp đồng (chuyển quyền sử dụng đất) cũng thể hiện sự tự nguyện của dân. Chúng tôi mời các DN về đây bàn với dân, chúng tôi chỉ là người trọng tài thôi” (?!).
Tuy nhiên, người dân ở đây lại kể vanh vách tên cán bộ dưới quyền của ông Diệp đi ép dân cầm tiền bán đất, ký giấy tờ. Đặc biệt, quá trình chuyển QSD đất “tự nguyện” này lại được lên “danh sách thu hồi đất canh tác hộ gia đình phục vụ GPMB xây dựng xưởng sản xuất...”, “Tổng hợp diện tích thu hồi đất phục vụ GPMB xây dựng xưởng sản xuất...” của 3 Cty trên với đầy đủ chữ ký, con dấu của Văn phòng ĐKQSD đất (thuộc Sở TNMT tỉnh Nam Định), UBND thị trấn Yên Định... Chính những yếu tố này mà người dân khẳng định họ đã bị lừa.
“Chiêu lạ”
Để thấy được đường đi biến hóa ruộng hai vụ lúa thành đất SXKD của các DN trên, chúng tôi xin trích ra đây CV số 40/TB-UB ngày 27.4.2010 của UBND huyện Hải Hậu thông báo kết quả giải quyết đơn tố cáo của công dân: “Cty TNHH thương mại Mạnh Tân đã xây dựng dự án đầu tư xưởng nấu, cán thép với tổng kinh phí dự án 22,2 tỉ đồng và được các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt: Phòng ĐKKD, Sở KHĐT tỉnh Nam Định đã cấp giấy phép, UBND tỉnh Nam Định có QĐ số 3017/QĐUBND ngày 31.12.2008 về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và cho Cty Mạnh Tân thuê đất...Ngày 13.1.2009, Sở TNMT tỉnh Nam Định ký hợp đồng cho thuê đất; ngày 19.1.2009 UBND tỉnh cấp giấy CNQSD đất số AK 920747 cho Cty TNHH thương mại Mạnh Tân”.
Thông báo của huyện như vậy, nhưng ngay tại trụ sở UBND thị trấn Yên Định lại treo công khai tấm “bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 thị trấn Yên Định”, theo đó 5ha đất ruộng được quy hoạch thành đất SXKD phi nông nghiệp và được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt vào đầu năm 2009.
Trước câu hỏi của PV: “Khi chưa có QĐ của UBND tỉnh về chuyển đổi mục đích sử dụng đất - cho các Cty, Văn phòng ĐKQSD đất tham gia đo đạc, thu hồi ruộng canh tác của người dân thị trấn Yên Định với tư cách gì?”.
Ông Đoàn Thanh Sơn – Giám đốc Văn phòng ĐKQSD đất - cho biết: “Bọn tôi đi làm thuê, hiện trạng thế nào, của ai thì tôi ký vậy. Văn phòng đi đo đạc theo hợp đồng với các Cty, làm thuê, không có chức năng gì cả”.
Về trách nhiệm của UBND thị trấn trong việc để DN mua ruộng của dân
trong khi chưa có quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ông Diệp
cho biết: “Cái đấy các anh phải nắm thêm ý kiến ở tỉnh, ở huyện. Về thẩm
quyền địa phương thì chúng tôi chỉ triển khai thông báo cho các DN gặp
dân để người ta tự thỏa thuận”.
PV đã đề nghị GĐ Sở TNMT tỉnh Nam Định cho biết quan điểm về vụ việc, tuy nhiên ông Đặng Văn Tác – GĐ sở - cho biết: “Tôi mới nhận công tác từ năm 2010, tôi sẽ hỏi lại anh em và thông tin đến báo. Về nguyên tắc, để thu hồi đất của dân thì phải có quy hoạch của cấp có thẩm quyền phê chuẩn chứ. Làm sao tự ý được!”.
Ngay khi có thông tin từ cơ quản quản lý nhà nước về đất đai của tỉnh Nam Định, Báo Lao Động sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.