Giải quyết nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp tại khu vực đô thị vẫn luôn là vẫn đề cần thiết, công tác này sẽ được Bộ Xây dựng "thúc" các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2012.

Bộ Xây dựng cho rằng, các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm như: nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; nhà ở cho học sinh, sinh viên; nhà ở cho các hộ nghèo ở nông thôn cần tiếp tục đẩy mạnh nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, các Bộ, ngành và các địa phương tạo điều kiện, đơn giản về thủ tục, tập trung nguồn lực và giải quyết các vướng mắc về tín dụng ưu đãi và miễn, giảm thuế để đẩy mạnh các chương trình xây dựng nhà ở xã hội đang được triển khai.


Năm 2012 sẽ tập trung xây dựng nhà ở xã hội

Cùng với đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, Bộ Xây dựng sẽ sớm giải quyết các vướng mắc về xác định giá đất, nộp thuế thu nhập cá nhân trong kinh doanh bất động sản (BĐS) trong năm 2012.


Giải quyết vướng mắc về xác định giá đất sát giá thị trường theo quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo hướng chủ đầu tư được nộp tiền sử dụng đất theo bảng giá đất mà UBND cấp tỉnh ban hành có hệ số điều chỉnh theo hệ số sử dụng đất của khu đất (yếu tố quy hoạch). Vì việc xác định tiền sử dụng đất theo quy định hiện nay (Nghị định số 120/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010, Thông tư số 93/2011/TT-BTC ngày 29/6/2011 của Bộ Tài chính) còn nhiều bất cập.


Bên cạnh đó, Bộ sẽ nghiên cứu, sửa đổi quy định về nộp thuế thu nhập cá nhân trong giao dịch BĐS, theo hướng người nộp thuế được nộp thuế theo thuế suất 2% trên giá trị BĐS giao dịch, trường hợp người nộp thuế chứng minh được thu nhập và chi phí thì được nộp thuế theo thuế suất 25% trên thu nhập.


Đồng thời, để chấn chỉnh thị trường BĐS, Bộ Xây dựng khẳng định, không để thị trường này trở thành nhân tố tác động gây ra lạm phát cao và nền kinh tế “bong bóng”, kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS để chống đầu cơ, nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường BĐS, gây tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội.


Báo cáo của Bộ này cho thấy, trong tổng dư nợ cho vay BĐS thì vay ngắn hạn là 40.890 tỷ đồng chiếm 20,08%, vay trung và dài hạn là 162.708 tỷ đồng chiếm 79,92%. Dư nợ có đảm bảo bằng tài sản chiếm khoảng 97%, dư nợ cho vay không có tài sản đảm bảo chiếm 3%. Dư nợ xấu khoảng 4,14%.


Điều này cho thấy, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực BĐS giảm số tuyệt đối so với cuối năm 2010 (giảm hơn 31.000 tỷ đồng), chứ không phải giảm tốc độ tăng trưởng như Nghị quyết 11 và các Nghị quyết phiên họp khác của Chính phủ.


Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với từng khoản mục tín dụng BĐS có sự tăng, giảm bất thường. Tín dụng cho vay đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đặc biệt là cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán, cho thuê (đầu cung) tăng cao tới 76,60%, trong khi cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở (đầu cầu) lại giảm nhiều tới 26,97%.


Dư nợ có đảm bảo bằng tài sản chiếm tới 97%, trong đó dư nợ cho vay không có tài sản đảm bảo chỉ chiếm khoảng 3% tổng dư nợ cho vay BĐS, về lý thuyết, độ an toàn đối với các khoản vay BĐS hiện nay là khá cao.


Tuy nhiên, cũng có mặt hạn chế là việc cho vay tín dụng có thế chấp cho cá nhân mà các tổ chức tín dụng đang thực hiện hiện nay sẽ dễ dẫn đến việc chỉ những người có tài sản thế chấp mới được vay và vay nhiều lần với mục đích đầu tư, đầu cơ, những người không có tài sản thế chấp thì không được vay, kể cả đối với những người có nhu cầu thực sự.

Theo Lê Thảo (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.