31/12/2012 8:27 AM
CafeLand – Trái ngược với năm 2011 các chính sách đối với bất động sản đều theo hướng siết chặt, năm 2012 các chính sách bất động sản đã đảo chiều sang nới lỏng và hỗ trợ. Đặc biệt giờ đây giới đầu tư đang kỳ vọng sẽ có Nghị quyết giải cứu bất động sản ra đời để giải quyết tình trạng đóng băng, nợ xấu bất động sản ngày càng trầm trọng.

Thủ tướng họp chỉ đạo giải cứu bất động sản, Nguồn Internet

Chỉ thị 07 - Ngừng thành lập khu kinh tế, khu công nghiệp

Tháng 3, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Theo đó, Thủ tướng đã yêu cầu tạm dừng việc bổ sung quy hoạch, thành lập mới các khu kinh tế, khu công nghiệp trên cả nước cho đến khi có chỉ đạo của Thủ tướng. Nguyên nhân là do các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển quá nhanh về số lượng, tuy nhiên chất lượng đầu tư còn dàn trải, gây lãng phí đất đai,...

Nghị quyết 13 - Giảm 50% tiền thuê đất

Tháng 5, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP trong đó chính sách liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản là giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong năm 2012 theo quy định tại Quyết định 2093/QĐ-TTg ngày 23/11/2011. Theo đó thì đối tượng được giảm thuế được mở rộng sang cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ thay vì chỉ có doanh nghiệp sản xuất như trước đó.

Một thông tin tích cực khác đối với thị trường bất động sản là có nguồn tin cho biết Thủ tướng đồng ý gia hạn thời gian nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính thêm 12 tháng.

Nghị định 58 - Quỹ đầu tư bất động sản

Tháng 7, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán. Trong Nghị định 58 có quy định chi tiết về hoạt động đầu tư của Quỹ đầu tư bất động sản.

Theo đó, Quỹ đầu tư bất động sản phải đảm bảo giá trị tài sản ròng tối thiếu 65% được đầu tư vào bất động sản. Bất động sản phải ở Việt Nam với mục đích cho thuê hoặc để khai thác thu lợi ổn định. Đảm bảo tối đa 35% giá trị tài sản của Quỹ được đầu tư vào tiền và các công cụ tương đương tiền, giấy tờ có giá, chứng khoán niêm yết, chứng khoán giao dịch, trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, Quỹ đầu tư bất động sản không được triển khai, xây dựng và phát triển dự án bất động sản, không được cho vay và bảo lãnh vay bất kỳ khoản vay nào, chỉ được phép vay không quá 5% giá trị tài sản ròng.

Nghị định 58 có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2012.

Thông tư 123 - Thuế chuyển nhượng bất động sản

Tháng 7, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 123/2012/TT-BTC hướng dẫn thi hành căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản là thu nhập tính thuế và thuế suất.

Theo đó, số thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản = Thu nhập tính thuế (x) thuế suất 25%.

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế (-) các khoản lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản của các năm trước (nếu có).

Thu nhập chịu thuế = Doanh thu thu được từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản (-) giá vốn của bất động sản và các khoản chi phí được trừ liên quan đến hoạt động chuyển nhượng.

Nghị định 64 - Cấp giấy phép xây dựng

Tháng 9, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2012/NĐ-CP về cấp giấy phép xây dựng. Trong đó, các nội dung như: Cấp giấy phép xây dựng theo giai đoạn, Sửa thiết kế trong nhà không phải điều chỉnh GPXD, Quy định mở về cấp phép xây dựng tạm và Thủ tục cấp phép xây dựng “một cửa” được đông đảo được người dân quan tâm.

Nghị định 64 ra đời gây ách tắc trong việc cấp giấy phép xây dựng ở các địa phương khi yêu cầu phải có bản vẻ thiết kế đối với công trình và nhà ở riêng lẻ thì mới được cấp giấy phép xây dựng. Ngoài ra, yêu cầu phải có quy hoạch chi tiết 1/500 khi xin phép xây dựng cũng đem đến bất cập không nhỏ khi hầu hết các địa phương chua có quy hoạch chi tiết.

Nghị định 64 có hiệu lực kể từ ngày 20/10/2012.

Chờ Nghị quyết giải cứu bất động sản

Những ngày cuối năm thị trường bổng nóng lên với hàng loạt đề xuất giải cứu bất động sản được đưa ra. Bộ Tài chính thì đưa ra kiến nghị miễn, giảm, giãn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí sử dụng đất… Mục đích nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn. Trong khi đó Bộ Xây dựng đề nghị mua nhà thương mại làm nhà tái định cư và nhà công vụ.

Đặc biệt NHNN cho biết sẽ bơm ra thị trường 20-40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho người mua nhà với lãi suất thấp. Bên cạnh đó, NHNN cũng cho biết sẽ tung ra 100.000 đến 150.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu cũng nhằm mục đích cứu bất động sản.

Về phía Chính phủ cũng cho biết sẽ ra Nghị quyết cứu bất động sản đồng thời đốc thúc các địa phương tái cấu trúc lại thị trường này.

Giới đầu tư nhà đất, chứng khoán và thậm chí cả toàn xã hội đang lên cơn sốt khi chờ đợi Nghị quyết của Chính phủ.

Đăng Thy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.