Hàng loạt giải pháp đề xuất nhằm hỗ trợ địa ốc đã và đang được thực hiện. Tuy nhiên, cần triển khai ra sao để các giải pháp này không dừng ở mức độ “thò thụt” như hình ảnh mà có lần Thủ tướng Chính phủ đã ví von về cách thức triển khai quản lí kinh tế của năm qua.

Khép lại 2013, theo số liệu của Bộ Xây Dựng, số lượng hàng tồn kho địa ốc đã giảm xuống đáng kể. Nhằm đẩy mạnh tốc độ giải ngân, trong một cuộc trao đổi, Bộ Xây Dựng cho biết sẽ đưa ra thêm biện pháp để hỗ trợ thị trường…

Tín hiệu mừng

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2013, giá trị bất động sản tồn kho là 94.500 tỷ đồng, giảm 7,3% so với Quý 3/2013 và 26,5% so với Quý 1/2013. Trong đó, hình thức căn hộ chiếm 31%, nhà phố/biệt thự chiếm 26%, đất nền chiếm 37% và đất thương mại chiếm 7%. Thống kê của Bộ Xây dựng cũng cho thấy giao dịch tích cực ở phân khúc căn hộ cho người thu nhập thấp (diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2) đã đóng vai trò chủ đạo trong việc giảm BĐS tồn kho. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định đây là một trong những dấu hiệu cho thấy thị trường địa ốc đã ấm dần lên.

Nếu như Bộ Xây dựng cho rằng giá địa ốc đã giảm trung bình 20-30% và giao dịch mua bán tăng lên rõ rệt, thì đánh giá của Savills Việt Nam cũng cho biết ở phân khúc căn hộ, nhu cầu giao dịch tới 46% so với quý III/2013 tại Hà Nội. Tình hình đó diễn ra tương tự ở TP HCM với với khoảng 1.660 căn được giao dịch, tăng 48% so với cùng kỳ quý IV/2012 và có khoảng 5.800 căn được hấp thụ trong toàn năm 2013, tăng 46% so với năm trước. Trong tổng cầu, phân khúc hạng C dẫn dắt thị trường, chiếm 70% tổng lượng giao dịch trong khi hai hạng A và B đạt tăng trưởng 133%. “Các yếu tố chính đóng góp giúp thị trường hoạt động tốt bao gồm cam kết tiến độ xây dựng, danh tiếng chủ đầu tư, các kênh phân phối hiệu quả và hỗ trợ tài chính từ các chủ đầu tư và đối tác ngân hàng”, đại diện Savills VN nhận xét.

Không chủ quan rằng, căn hộ vẫn là phân khúc trọng tâm của thị trường địa ốc năm qua và cũng là tâm điểm cho triển vọng thị trường trong năm 2014, khi nguồn tiền dành cho phân khúc này đang khá dồi dào với gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng (một phần cho cả những dự án thương mại đáp ứng điều kiện dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng…), và cũng nhận được quan tâm của luồng tiền ngoại hối, đặc biệt là dòng tiền của người có nhu cầu sở hữu căn hộ thứ nhất để ở.

Nói riêng về phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp, dù số liệu của Bộ Xây dựng đã phản ánh tỷ lệ giải ngân thực vẫn còn khiêm tốn so với tổng giá trị gói hỗ trơ. Kết thúc năm, gói hỗ trợ giải ngân đạt 723.500 tỷ đồng, khoảng 2,5% tổng giá trị của gói trong đó có 304 tỷ đồng được giải ngân cho 7 chủ đầu tư và 429 tỷ đồng cho các cá nhân, song với động thái nhanh chóng của NHNN khi cập nhật phản ánh thị trường và đã điều điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trong khuôn khổ gói hỗ trợ này 1% xuống còn 5%, gói hỗ trợ lãi suất cho vay đã có động lực để giải ngân thêm được khoảng 130 tỷ đồng trong tháng 1/2014, nâng tỷ lệ giải ngân lên 2,8%.

Từ nhiều đề xuất mới

Trong khi mãi lực, cầu của các phân khúc địa ốc như bán lẻ, văn phòng, căn hộ dịch vụ, đất nền biệt thực, khách sạn du lịch đều không thực sáng sủa, cơ hội giảm hàng tồn kho tiếp tục phụ thuộc vào sự chuyển động của phân khúc nhà ở, căn hộ trung bình và trung bình thấp. Do đó, các giải pháp hỗ trợ thị trường cơ bản cũng tập trung cho phân khúc này.

“Mở hàng” đầu năm, tiếp nhận đề xuất của Hiệp hội bất động sản TP HCM cuối năm, Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết đang nghiên cứu để đề xuất tăng thời gian cho người mua nhà vay lãi suất ưu đãi trong gói hỗ trợ nhà ở lên 15 năm thay vì 10 năm theo quy định hiện hành. Nếu nghiên cứu này nhanh chóng áp dụng, khả năng người đăng kí nộp hồ sơ vay vốn của gói giải ngân sẽ đông thêm khi áp lực trả nợ được kéo giãn thêm 5 năm, giúp họ có thời gian tích vốn sở hữu nhà ở.

Tỷ lệ 30% tổng giá trị gói hỗ trợ dành cho DN được biết cũng đang được NHNN xem xét lại. Trong trường hợp số DN được tham gia hưởng gói hỗ trợ nhiều hơn, đặc biệt tập trung ưu tiên cho những DN có dự án đã triển khai và đang còn dở dang, sắp đi vào hoàn tất thì dòng vốn hỗ trợ sẽ hỗ trợ được cả hai mục tiêu: Giúp DN có vốn hoàn thiện dự án, tránh ách tắc dự án dẫn đến tồn kho; Giúp nguồn cung nhà ở xã hội được nâng lên, đáp ứng nhu cầu và sự lựa chọn cho người mua nhà.

Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Trần Nam cũng khẳng định ngay sau Tết sẽ có 2 Thông tư hướng dẫn mới, một là Thông tư hướng dẫn Nghị định 188 để tạo điều kiện đơn giản cho cho người làm thủ tục vay mua nhà trong gói hỗ trợ, cùng với đó là dự thảo Thông tư hướng dẫn tài sản thế chấp hình thành trong tương lai cho phép người dân được sử dụng nhà ở xã hội và nhà thu nhập để làm tài sản thế chấp.

Bên cạnh đó, một đề xuất đang được giới địa ốc hoan nghênh là nghiên cứu, mở rộng số lượng các nhà băng tham gia giải ngân gói hỗ trợ. “Thực tế hiện nay, nhân viên ngân hàng đang không mặn mà với khách tìm hiểu vay vốn mua nhà từ gói hỗ trợ. Tuy không phải chủ trương nhưng nếu khách hàng vay vốn của nhà băng, nhân viên ngân hàng thường được ưu tiên và nhiệt tình hơn bởi có thể ở một số ngân hàng, việc cho vay trong gói hỗ trợ không được tính “định mức” cho nhân viên”, một cán bộ nhà băng tiết lộ.

Khó khăn khắc phục, cải thiện được những rào cản, ách tắc còn tồn tại, khả năng gói giải ngân 30.000 tỷ đồng nói riêng và các dòng vốn nằm chờ thị trường địa ốc nói chung được gia tăng động lực từ nhằm thu hút dòng vốn mạnh hơn, phát huy lực đẩy giúp thị trường địa ốc nhúc nhích ở mọi phân khúc, đang trông cả vào các đề xuất mới.

Hi vọng năm mới, các giải pháp đề xuất nhằm hỗ trợ địa ốc cũng sẽ không dừng ở mức độ “thò thụt” như hình ảnh mà có lần Thủ tướng Chính phủ đã ví von về cách thức triển khai quản lí kinh tế của năm qua.

Một số các nội dung, theo Bộ Xây dựng, sẽ có thhêm trong thông tư hướng dẫn Nghị định 188 dành cho nhà ở xã hội, theo đó quy trình nộp đơn tham gia gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ đơn giản hơn như:

- Đối với nhân viên hưởng lương nhà nước, sĩ quan bộ đội, v.v, chỉ cần xác nhận về điều kiện nhà ở bởi tổ chức mà họ đang công tác; không cần xác nhận về mức thu nhập. Không bắt buộc phải có xác nhận về điều kiện nhà ở của UBND.

- Đối với những người nộp đơn khác: chỉ cần xác nhận về điều kiện nhà ở của UBND về hộ khẩu thường trú. Không cần xác nhận về mức thu nhập, hay về việc người nộp đơn có nhà tại các tỉnh thành khác.

- Dự kiến ban hành thông tư hướng dẫn việc thế chấp BĐS đang thi công. Về việc điều chỉnh luật sở hữu BĐS tại Việt Nam cho người nước ngoài, đề xuất gần đây nhất sẽ được trình Quốc hội vào tháng năm và dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 11/ 2014

Thuận Hóa (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.