Mới đây, sau khi Chính phủ yêu cầu dừng DA cảng Kê Gà của TKV, 12 DA resort ở mũi Kê Gà đang nhen nhóm hy vọng hồi sinh, song xem ra khó khả thi vì quy hoạch DA vẫn còn “treo”. Tuy nhiên, vấn đề được dư luận quan tâm là TKV, tỉnh Bình Thuận, cũng như các cơ quan ban ngành liên quan sẽ có chính sách bồi thường, hỗ trợ ra sao.
Tan tác giấc mơ “xanh” của chủ đầu tư
Nằm sát bên ngọn Hải đăng Kê Gà, resort Thế Giới Xanh do ông Nguyễn Đức Hiếu làm chủ đầu tư được xem là khu du lịch nghỉ dưỡng có vị trí đẹp nhất và được đầu tư bài bản. Thời điểm năm 2001-2004, ông Hiếu đầu tư khoảng 25 tỷ đồng vào DA bao gồm nhiều hạng mục nhà nghỉ, nhà hàng, quầy bar, hồ bơi, tạo cảnh quan… trên khu đất rộng 27.000m2.
Ông Hiếu kể: “Thời gian khởi đầu cho DA vô cùng khó khăn trên vùng đất 4 không (không điện, không nước, không giao thông, không thông tin liên lạc). Nhiều người nói tôi quá mạo hiểm và đó cũng chính là lý do nhiều DA du lịch được cấp phép nhưng không ai dám làm.
Để xây dựng resort, ngày đó tôi phải mướn mấy chục chiếc xe honda chở nước, điện phải câu cách mấy cây số (riêng tiền mua dây điện cũng đã mất 5-6 lượng vàng). Giao thông cách trở phải chuyên chở vật liệu bằng xe bò. Điện thoại cũng không có, cần liên lạc với ai phải đi hàng chục cây số”.
Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng đang chờ Bộ Công Thương, TKV xem xét cụ thể mức độ thiệt hại của các DA du lịch bị ảnh hưởng để có hướng giải quyết. Trong số 12 resort thiệt hại trong DA cảng Kê Gà, thực tế chỉ có vài resort thiệt hại nặng do đã hoàn thiện, ít nhiều có kinh doanh khai thác thời gian ngắn, còn phần nhiều resort mới dừng lại ở khâu hoàn thành thủ tục pháp lý. Cái khó hiện nay trong công tác bồi thường là các chủ DA không chứng minh các khoản đầu tư bằng chứng từ hợp lệ, chi phí cơ hội và vô hình khác… Ông Nguyễn Thành Tâm, |
Năm 2004, ông Hiếu hoàn thiện khu du lịch Thế Giới Xanh đạt chuẩn 2 sao. Khu du lịch thu hút khách ngày càng nhiều, con trai cả của ông Hiếu đang làm việc tại một ngân hàng ở TPHCM chấp nhận rút về phụ cha.
Tại TPHCM, ông Hiếu mở một văn phòng đại diện, mục đích để quảng bá thương hiệu đến khách du lịch trong nước và quốc tế. Ông Hiếu còn đầu tư cho đứa con trai kế sang Thụy Sĩ học thạc sĩ ngành du lịch để sau này về giúp ông quản lý khu resort.
Sau 3 năm, resort hoạt động bắt đầu hiệu quả và đang trong giai đoạn quảng bá, Thế Giới Xanh được tỉnh thông báo dừng lại vì nằm trong khu vực Chính phủ chỉ đạo quy hoạch cho DA cảng Kê Gà.
Vậy mà gần 6 năm qua, không thấy cảng Kê Gà thành hình, khu du lịch Thế Giới Xanh theo thời gian đã bị xuống cấp, tan hoang, “giấc mơ xanh” của ông Hiếu giờ cũng héo mòn theo năm tháng.
“Biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và tiền của tôi đầu tư vào DA bỗng nhiên tỉnh Bình Thuận bảo dừng để nhường đất cho DA cảng Kê Gà của TKV làm chúng tôi hụt hẫng vô cùng. Gần 6 năm trời chứng kiến tài sản của mình hủy hoại, xuống cấp xót lắm chứ. Vì thất bại, kiệt quệ trong đầu tư, tôi đau buồn rồi đổ bệnh và hiện ung thư giai đoạn cuối.
Dù vậy, ngày ngày tôi vẫn hy vọng có một phép màu nào đó giúp tôi thoát bệnh hiểm nghèo để tiếp tục sống và đóng góp cho quê hương. Tôi rất mừng vì nay Chính phủ đã yêu cầu dừng cảng Kê Gà.
Mong rằng TKV và các cơ quan liên quan cần sớm đền bù thiệt hại cho Thế Giới Xanh và các dự án khác để hàng trăm tỷ đồng và công sức của chúng tôi không trôi xuống biển” - ông Nguyễn Đức Hiếu tâm sự với ĐTTC khi đang điều trị tại nhà riêng ở TPHCM mới đây.
Bồi thường phải có chứng từ hợp lệ!
Ông Hiếu cho biết, khi có quyết định thu hồi DA Thế Giới Xanh, tỉnh đã tiến hành kiểm kê tài sản, song đến nay vẫn chưa định giá và đền bù thỏa đáng vì lý do: “Muốn đền bù phải có hóa đơn chứng từ”.
Đây là một yêu cầu “hóc búa” vì thật ra chẳng ai đầu tư bạc tỷ để mong nhận được tiền đền bù mà phải giữ hóa đơn. Do đó, niềm mong mỏi của ông Hiếu là lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cần chỉ đạo, “kêu cứu” TKV phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại vật chất lẫn tinh thần cho những nhà đầu tư chân chính. Nếu không, sau này tỉnh có kêu gọi làm lại du lịch cũng chẳng nhà đầu tư nào tái đầu tư.
Một resort bị bỏ hoang gần 5 năm nay tại Thế Giới Xanh. Ảnh: MINH TUẤN
Tương tự ông Hiếu, từ năm 2003, ông Vũ Chí Công, chủ DA resort Đức Hạnh, cũng đã dốc hàng chục tỷ đồng vào DA, đầu tư hoàn thiện 50 nhà nghỉ, nhà hàng, quán bar, cây xanh… Đang làm dang dở, resort Đức Hạnh phải tạm ngưng và “trùm mền” từ đó đến nay.
Trao đổi với ĐTTC, ông Vũ Chí Công khẳng định: “Nếu tỉnh cho đầu tư tiếp, tôi sẽ bỏ ra khoảng 3 tỷ đồng nữa để hoàn thiện DA đưa vào khai thác. Để tránh làm mất niềm tin và giảm bớt thiệt hại cho nhà đầu tư, điều quan trọng là sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dừng cảng Kê Gà, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cần hỗ trợ DN đi vào hoạt động sớm. Cụ thể là hủy bỏ quyết định thu hồi đất trước đây, tiếp tục giao đất lâu dài cho chúng tôi khai thác tiềm năng du lịch địa phương. Tôi tin nếu được các ban ngành quan tâm, những resort trên mũi Kê Gà sẽ sớm hồi sinh”.
Mới đây, ngày 25-3, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đã thống nhất với TKV lên phương án giải quyết đền bù thiệt hại cho 12 DA du lịch bị ảnh hưởng bởi DA cảng Kê Gà.
Theo đó, nếu DA được hội đồng đánh giá thiệt hại của tỉnh xác định hư hỏng, xuống cấp chỉ còn lại giá trị sử dụng dưới 30% được bồi thường 100% giá trị. Những trường hợp khác sẽ do hội đồng đánh giá thiệt hại xem xét cụ thể. Toàn bộ chi phí bồi thường sẽ do TKV chịu trách nhiệm.
UBND tỉnh cũng sẵn sàng cấp lại giấy phép cho chủ đầu tư DA nào muốn tiếp tục xây dựng, mở rộng resort. Tuy nhiên, theo các chủ đầu tư, DA cảng Kê Gà của TKV bị ngưng nhưng quy hoạch còn treo lơ lửng, nên chẳng ai dám mạo hiểm đầu tư vào resort một lần nữa.