09/11/2016 10:08 AM
Trong Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 vừa được Quốc hội thông qua, có nhắc đến 3 đột phá chiến lược, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Nhìn vào mục tiêu ngắn hạn này, dễ nhận thấy, sẽ còn nhiều thách thức để hướng tới việc phát triển các đô thị bền vững. Theo một đánh giá mới đây, từ nay đến năm 2040, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 20 triệu người chuyển đến sinh sống tại các đô thị.
Việt Nam là nước có tốc độ đô thị hóa cao nhất Đông Nam Á, hàng năm có trên 1 triệu dân trở thành dân cư đô thị, tỷ lệ đô thị hóa hiện nay khoảng 31%, dự báo đến năm 2025 dân số đô thị của Việt Nam khoảng 52 triệu người, chiếm khoảng 50% dân số cả nước. Xu hướng di cư từ nông thôn ra thành thị đang đặt ra những thách thức về quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm, tổ chức tốt cuộc sống xã hội.
Thách thức lớn nhất là trong thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hầu hết các quy hoạch phát triển của Việt Nam đều bị phá vỡ chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện đã gây lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn lực của đất nước. Thiếu cơ sở dữ liệu khoa học, tầm nhìn ngắn hạn là nguyên nhân của thực trạng này.
Do quy hoạch chắp vá, tầm nhìn ngắn hạn với mong muốn khai thác nhanh, hàng ngàn dự án bao quanh các TP cũng đã được chuyển đổi mục đích cho hàng trăm công ty kinh doanh đất trên giấy với hạ tầng chắp vá, tạm bợ. Thế là đô thị lên cơn sốt đất. Đô thị trở thành “thỏi nam châm” hút dân đến ở. Nhưng, khi mà hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội chưa được chuẩn bị chu đáo, tất yếu, sự hỗn loạn sẽ diễn ra. Mà nhãn tiền ở nhiều đô thị là tình trạng ngập úng, tắc đường, ô nhiễm…
Sự manh mún càng thể hiện rõ khi đô thị phát triển lan nhanh theo chiều rộng. Thiếu thiết kế đô thị, chắp vá trong quy hoạch đã khiến mặt tiền nhiều TP bị băm nát bởi tình trạng chia lô, nhà ống dày đặc. Từ đô thị lớn, nhân bản tới các đô thị nhỏ khiến giờ đây tìm đất xây trường học, bệnh viện, công viên… trở nên nan giải. Hàng trăm nghìn tỷ đồng ngân sách - nguồn lực của quốc gia - đã bị ném vào cho việc giải tỏa xây dựng cầu, mở đường, làm các công trình thoát nước, trạm xe buýt, metro, chợ…
Đã có nhà nghiên cứu chỉ ra rằng: Xu hướng tương lai của người tiêu dùng toàn cầu là chăm sóc sức khỏe, ăn sạch, ở sạch, được sống trong môi trường trong lành và an ninh. Xu hướng tiêu dùng cũng chính là xu hướng của nền kinh tế vì phát triển kinh tế để phục vụ nhu cầu của con người. Điều đó trùng với quan điểm phát triển nền kinh tế xanh dựa trên rất nhiều lợi thế của Việt Nam, chúng ta không nên tốn tiền lao vào cuộc tranh giành lợi thế với ai, chỉ cần đầu tư đúng các lợi thế riêng sẽ tạo được thay đổi rất lớn cho đất nước.
Gia tăng di dân, đô thị hóa ồ ạt - tiến trình này đang là thách thức lớn đối với các cấp chính quyền đô thị, đòi hỏi một bộ máy quản lý năng động và có tầm nhìn xa. Trên bản đồ kinh tế thế giới, Việt Nam đang đứng ở thứ hạng quá khiêm tốn. Lựa chọn nào đây trước sự phát triển như vũ bão của các nền kinh tế trên thế giới. Đó là điều không dễ trong thời điểm này, mặc dù tiềm năng và thế mạnh đã có.
Ngọc Lý (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.