Phó tổng thư ký Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân từ 9 lên 11 triệu đồng.

Tại họp báo chiều 18/5, ông Nguyễn Trường Giang - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật kiêm Phó tổng thư ký Quốc hội cho biết, tuần trước, phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và quyết định tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng theo tờ trình của Chính phủ.

Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh nâng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng một tháng, người phụ thuộc từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng một tháng. Chính phủ cho biết sẽ có khoảng 1 triệu người không phải nộp thuế thu nhập cá nhân với mức giảm trừ mới.

Ông Giang nói thêm, theo uỷ quyền của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không có quyền quyết định đối tượng nào chịu thuế, mà chỉ quyết định điều chỉnh mức tăng giảm trừ gia cảnh nếu CPI biến động vượt 20% trên cơ sở đề xuất của Chính phủ. Thực tế, từ năm 2013 đến nay CPI đã tăng 23,2%.

"Đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng của Chính phủ là phù hợp với biến động tăng của CPI", ông Trường Giang khẳng định.

Ông Nguyễn Trường Giang trả lời tại họp báo chiều 18/5. Ảnh: Trần Vũ.

Mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020, do theo quy định hiện hành kỳ tính thuế tiền công, tiền lương của doanh nghiệp được tính theo năm, từ ngày 1/1. Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng một tháng, 3,6 triệu đồng với mỗi người phụ thuộc sẽ được xác định lại khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020.

Đồng tình với mức giảm trừ gia cảnh do Chính phủ đề xuất nhưng Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị thời gian tới Chính phủ tổng kết, đánh giá tổng thể việc thực hiện Luật thuế Thu nhập cá nhân giai đoạn 2011-2020 để sửa đổi một cách căn bản, toàn diện.

Góp ý trước đó, nhiều chuyên gia đánh giá, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng là "lạc hậu", vô cảm, nhất là trong bối cảnh, kinh tế vừa qua đã tăng trưởng nhiều so với mức điều chỉnh từ 9 triệu lên 11 triệu đồng.

Cũng tại cuộc họp báo, ông Đỗ Văn Sinh - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế cho biết, cơ quan này nhận thấy 8 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đều có thể đầu tư theo hình thức công tư (PPP) hoặc đầu tư công. Nhưng theo Nghị quyết 52 của Quốc hội, chỉ những dự án nào không triển khai được mới báo cáo Quốc hội xin chuyển đổi hình thức đầu tư. Và hiện chỉ có một đoạn dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư, còn lại 7 dự án thành phần khác đã sơ tuyển nhà đầu tư.

"Tinh thần là chỉ chuyển hình thức đầu tư một số đoạn, chứ không chuyển hết cả 8 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam sang đầu tư công", ông Sinh khẳng định.

Chính phủ sẽ làm rõ thêm sự cần thiết chuyển đổi hình thức đầu tư. Dự kiến, báo cáo bổ sung của Chính phủ sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 45 đợt hai (dự kiến diễn ra đầu tháng 6, giữa hai đợt của kỳ họp thứ 9).

Anh Minh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.