CafeLand - Bộ Tài chính đề xuất thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngay từ 1/7/2020.

Mức thuế suất dự kiến áp dụng là 15-17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của doanh nghiệp.

Đó là một trong những thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 10/4.

Cụ thể, Bộ đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới đây quyết định thực hiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngay từ 1/7/2020 thay vì theo lộ trình ban đầu dự kiến áp dụng từ đầu năm 2021.

Mức thuế suất dự kiến áp dụng là 15-17% tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của doanh nghiệp. Đồng thời, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 02 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.

Bộ Tài Chính ước tính, nếu được thực hiện từ tháng 7/2020, sẽ có khoảng 700.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 93% tổng số doanh nghiệp trong cả nước được hưởng lợi, qua đó giảm nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng (cả năm là 15,6 nghìn tỷ đồng).

Ngoài đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính còn đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; trong đó dự kiến điều chỉnh tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 09 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng.

Việc điều chỉnh sẽ có khoảng 6,8 triệu người được hưởng lợi, trong đó có khoảng 1 triệu đối tượng sẽ không phát sinh thuế thu nhập cá nhân phải nộp năm 2020.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự kiến với phương án tích cực nhất (dịch kết thúc trong quý II/2020), tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,3%, giá dầu bình quân cả năm khoảng 35 USD/thùng, thu từ cổ phần hoá và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước không thực hiện được, thì thu ngân sách nhà nước ước giảm khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng.

Trường hợp tăng trưởng GDP không đạt mức dự kiến nêu trên (dưới 5% như dự báo của các tổ chức quốc tế), thu NSNN sẽ giảm lớn hơn, nhất là số thu ngân sách ở các khu vực kinh tế trọng điểm đang chịu rất nhiều tác động từ sự đình trệ của các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại, logistics… như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng,…

Trong bối cảnh dự báo thu ngân sách nhà nước có thể giảm lớn, trong khi nhu cầu chi tăng cao, Bộ Tài chính đã kiến nghị các giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi ngân sách.

Cụ thể, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài (riêng các cơ quan Trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600-700 tỷ đồng).

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.