17/01/2015 8:08 AM
Thị trường bất động sản được Bộ Xây dựng ghi nhận là vẫn tiếp tục "ấm" dần lên. Tuy vậy, những rủi ro cho người mua nhà không phải là không còn.

Quan chức của Bộ này cho rằng, những rủi ro đó sẽ được "giải quyết" khi Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực vào tháng 7 năm nay.

"Thị trường bất động sản đang hướng tới đa số người mua"

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định thị trường bất động sản tiếp tục chuyển biến tích cực.

"Thị trường bất động sản đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ những tháng cuối năm 2013 và trong năm 2014 tiếp tục đà phục hồi tích cực với lượng giao dịch tăng, giá cả ổn định" - Bộ trưởng Dũng nhận xét.

Bộ trưởng Dũng cũng cho rằng, thị trường bất động sản đã hướng tới bộ phận đa số người mua, cung cấp các hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường. Niềm tin vào thị trường đã được khôi phục.


Thị trường bất động sản tiếp tục "ấm" dần lên. Tuy vậy, những rủi ro cho người mua nhà vẫn còn (ảnh: Thái Linh)

Cũng trong năm 2014, Bộ Xây dựng nhận định, lượng tồn kho bất động sản tiếp tục giảm, cơ cấu hàng hóa bất động sản dịch chuyển theo hướng hợp lý, phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Tăng trưởng tín dụng bất động sản cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, bất động sản vẫn là kênh hấp dẫn vốn khi đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI với 35 dự án kinh doanh sử dụng vốn FDI được cấp mới.

Về giao dịch, tại Hà Nội, có khoảng 11.400 giao dịch thành công, tăng gấp 2 lần so với năm 2013 còn tại TP HCM có khoảng 10.000 giao dịch thành công, tăng 30% so với năm trước.

Tồn kho bất động sản tính đến 15/12/2014 còn khoảng 73.800 tỷ đồng, giảm hơn 20.5000 tỷ đồng so với năm 2013.

Cả nước cũng có 60 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 38.800 căn hộ, 74 dự án đăng ký giảm diện tích cho phù hợp với nhu cầu thị trường.

Riêng gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội, 5 ngân hàng đã cam kết cho vay hơn 9.400 tỷ đồng, đặt hơn 31%.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng trong ba năm đặt ra nhiều vấn đề với người làm chính sách vĩ mô. "Như vậy có phải bài toán ta đặt ra là xử lý cho những người có thu nhập trung bình và thấp mua nhà có đúng hay không, hay là ta thực hiện đúng tinh thần của Hiến pháp: đảm bảo quyền có nhà ở của công dân" - ông Nguyễn Đức Kiên phân tích.

Ông Kiên cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước, hành chính địa phương phải có trách nhiệm cung ứng nhà ở phù hợp với mức thu nhập của người lao động hiện nay để cho họ thuê sẽ hợp lý hơn. Bởi vì, ai cũng sở hữu nhà thì đây là bài toán không có lời giải trên thế giới.

"Bán nhà trong tương lai còn tiềm ẩn nhiều rủi ro"

Thời gian qua, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản còn diễn ra nhiều trong thị trường bất động sản mà một trong những nguyên nhân là do việc bán nhà hình thành trong tương.

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, việc huy động vốn trong thời gian dài khiến nhiều doanh nghiệp không lường trước được giá cả trong tương lai, các tác động của thị trường... ảnh hưởng khả năng hoàn thành dự án bàn giao cho khách hàng đúng hạn, đúng giá cả, chất lượng đã cam kết trước đó.

"Để khắc phục tình trạng rủi ro cho người mua, chống lừa đảo, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở đã quy định, muốn bán nhà hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải đáp ứng một loạt điều kiện. Ví dụ như: nhà liền kề phải hoàn thành hạ tầng của dự án theo tiến độ đã cam kết, nhà ở chung cư, hỗn hợp thì phải hoàn thành xong móng mới được mở bán…" - ông Hà cho biết.

Ngoài ra, trước khi huy động vốn, chủ đầu tư phải báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước, để cơ quan quản lý nhà ở tại địa phương xác nhận chủ đầu tư được phép bán hay chưa.

Cùng đó, chủ đầu tư phải được ngân hàng đảm bảo việc hình thành nhà ở trong tương lai trước người huy động vốn. Việc này nhằm trường hợp có rủi ro, dự án không hoàn thành được đúng tiến độ cam kết thì ngân hàng bảo lãnh có trách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng đã nộp cho chủ đầu tư.

Một vấn đề nữa, việc lừa đảo vẫn diễn ra là do khách hàng thiếu thông tin về chủ đầu tư, dự án. Trong khi, trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 đã yêu cầu chủ đầu tư bắt buộc công bố thông tin về dự án qua các sàn giao dịch bất động sản.

Tuy nhiên, theo ông Hà, người mua cũng chưa tìm hiểu kỹ những quy định về công khai, minh bạch thông tin. Doanh nghiệp thì chưa thực hiện nghiêm túc các quy định này nên vẫn còn xảy ra những hiện tượng lừa đảo.

Để khắc phục tình trạng đó, ông Hà cho hay, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã yêu cầu phải có bảo lãnh, phải có trả lời của cơ quan quản lý nhà nước rằng dự án đó đã đủ điểu kiện bán nhà hay chưa. Như vậy, việc mua nhà trong tương lai sẽ được đảm bảo an toàn hơn, bởi khi đó, bảo đảm cho rủi ro sẽ được nâng cao lên./.

Song Đào (Tổ quốc)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.