19/11/2012 8:48 PM
Tại phiên trả lời chất vấn kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XIII mới đây, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết sắp tới Nhà nước sẽ áp dụng một số chính sách từ “thành công bước đầu của TP.HCM” khi dùng tiền ngân sách mua lại một số chung cư trong các dự án đang tồn kho để làm nhà ở xã hội, nhà tái định cư, ký túc xá sinh viên…

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra là cơ chế mua bán như thế nào để tránh tình trạng xin cho, hiệu quả của chính sách tới đâu... và nhất là giá mua bán bao nhiêu?

Mua thì khỏi xây

Nhà nước mua lại một số bất động sản thì những dự án nào sẽ được mua và mua với giá nào? Ảnh mang tính minh họa

Trao đổi với báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Mạnh Hà, cục trưởng cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết các địa phương tuỳ theo nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà tái định cư mà quyết định. Hiện hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đang áp dụng chính sách mua nhà kinh doanh làm nhà tái định cư. Bộ Xây dựng cũng đang xem xét mua lại một số dự án có giá bán từ 15 – 17 triệu đồng/m2 nhằm phục vụ mục đích an sinh xã hội và phục vụ các nhu cầu nhà ở của cơ quan nhà nước… Chính phủ cũng giao cho bộ Xây dựng xây dựng các tiêu chí bất động sản thuộc diện Nhà nước mua lại.

Theo sở Xây dựng TP.HCM, chủ trương mua lại một số dự án chung cư làm quỹ nhà tái định cư đã được thành phố thực hiện từ lâu. Mới đây nhất, thành phố đã giao cho ban quản lý dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm mua lại hơn 1.000 căn hộ chung cư tại dự án tái định cư Rạch Chiếc của công ty Đức Khải để làm quỹ nhà tái định cư. Tháng 6.2012, thành phố cũng đã mua lại 470 căn hộ Era Town (quận 7) để làm nhà tái định cư. Hàng loạt dự án cũng đã được thành phố “đặt hàng” như dự án của công ty Thế kỷ 21, dự án của tổng công ty địa ốc Sài Gòn, dự án Nam Rạch Chiếc của Keepel Land…

Khi đặt vấn đề: Nhà nước mua lại một số bất động sản thì những dự án nào sẽ được mua và mua với giá nào, quá trình mua bán có nảy sinh cơ chế xin cho hay không v.v một lãnh đạo bộ Xây dựng yêu cầu “nhà báo đừng nên suy diễn”, “việc Nhà nước mua lại một số quỹ nhà ở của các doanh nghiệp để phục vụ cho các mục đích nêu trên là việc làm hết sức bình thường”. Hiện nay, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đang rất thiếu quỹ nhà công vụ, nhà an sinh xã hội và nhà tái định cư. Do vậy, việc nhà nước – thay vì đầu tư xây dựng – có thể mua, miễn sao sản phẩm phù hợp với các nhu cầu của Nhà nước, địa phương và với giá cả phù hợp.

Thực hiện minh bạch

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cũng cho biết việc mua bán nêu trên tại TP.HCM thời gian qua được thực hiện theo chính sách nhà nước đặt hàng còn giá căn hộ như thế nào sẽ có bộ phận kiểm toán tính toán cho phù hợp; điều chắc chắn là những căn hộ mà Nhà nước mua đều là những căn hộ có giá trung bình và thấp.

Theo ông Châu, cái khó nhất hiện nay đối với việc Nhà nước mua lại căn hộ là cơ chế tài chính. Tại TP.HCM đã có nhiều dự án thành phố đặt hàng rồi phải trả lại hoặc chậm thanh toán tiền cho doanh nghiệp khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như tại dự án chung cư Good House (quận 8), thành phố đặt hàng mua lại của dự án này 75 căn hộ, tuy nhiên, theo chủ đầu tư cho biết, vì thành phố chậm ký hợp đồng và ứng tiền nên công ty lâm vào tình cảnh dự án thiếu vốn để triển khai. Trước đó, cũng tại quận 8, thành phố đăng ký mua 159 căn hộ tại dự án Carina để làm nhà tái định cư. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Quyết, giám đốc công ty cổ phần 577 – chủ đầu tư dự án, dù đăng ký nhưng sau đó bên mua đã trả lại số căn hộ này vì không có tiền thanh toán!

Ông Nguyễn Văn Thanh, giám đốc công ty địa ốc An Cư, cho rằng, chủ trương của Nhà nước mua lại căn hộ làm nhà tái định cư là tốt. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là thực hiện sao cho cạnh tranh, minh bạch. Do đây là chính sách mới của Nhà nước (ngoài TP.HCM đã “thí điểm” trước) nên cần phải có nhiều bộ ngành liên quan tham gia và phải làm chặt chẽ từ khâu đánh giá nợ, tài sản, giá bán..., mục tiêu là làm sao để đồng vốn của dân được dùng đúng mục đích, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa khơi thông được đồng vốn đang bị tắc. Ông Thanh cũng cho rằng khi xây dựng các tiêu chí bất động sản thuộc diện Nhà nước mua lại phải chọn lọc và chú ý đến những dự án bất động sản có thể thay đổi công năng để có thể phù hợp với mục đích an sinh xã hội hoặc hoạt động của cơ quan nhà nước.

Về nguồn vốn, ông Thanh cho biết, ông đồng tình với ý kiến của TS Trần Hoàng Ngân khi cho rằng Nhà nước phải cân nhắc, có thể lấy từ trái phiếu chính phủ hoặc những khoản dùng cho các dự án từ vốn vay viện trợ phát triển ODA. Thay vì phát hành trái phiếu chính phủ để xây ký túc xá cho sinh viên, nhà ở cho công nhân thì dùng khoản này mua lại dự án có công năng tương tự hoặc thay vì xây nhà tái định cư do giải toả để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng từ vốn ODA thì dùng tiền này mua lại nhà ở để tái định cư...

TS Phạm Sĩ Liêm, phó chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam, cũng hiến kế: với nhà tái định cư hay nhà thu nhập thấp thì không thể nói ngân sách bỏ ra mua mà các chủ đầu tư của dự án cần đến loại nhà này phải bỏ chi phí ra, chỉ có điều nếu Nhà nước tạm ứng ngân sách cho doanh nghiệp vay mua rồi trả sau thì cũng là cái lợi vì có thể giúp giảm căng thẳng, tạo không khí hoà hoãn đối với các nhà kinh doanh.

Theo Tùng Quang (SGTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.