Hiện nay, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang chuẩn bị tiến hành đánh giá lại tình hình thị trường và cho vay vốn đối với thị trường bất động sản (BĐS), trên cơ sở đó sẽ có kiến nghị điều chỉnh với Chính phủ.

Nhiều khả năng kiến nghị này sẽ theo hướng tiếp tục siết về cho vay tích tụ và đầu cơ đất đai, nhưng mở ra cho vay các hoạt động sản xuất kinh doanh BĐS khác theo một mức độ tỷ lệ nhất định.

Một số phân khúc bất động sản sẽ được cứu?
Khu chế xuất, nơi cung cấp hạ tầng dịch vụ cho sản xuất cũng bị xếp vào lĩnh vực hạn chế cho vay xây dựng. Trong ảnh: công nhân lắp ráp linh kiện tại một doanh nghiệp tại khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM. Ảnh: Lê Quang Nhật

Cách gom tất cả những hoạt động liên quan đến nhà, đất, xây dựng cơ sở hạ tầng vào hoạt động phi sản xuất đã bị dư luận coi là bất cập.

Theo ông Nguyễn Phước Thanh – tổng giám đốc ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần Ngoại thương Việt Nam, nền kinh tế là một cơ thể thống nhất, các ngành có mối liên hệ qua lại rất chặt chẽ. Ví dụ, cho vay xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn bị tính vào cho vay phi sản xuất, trong khi đó khu này là để cho các doanh nghiệp thuê sản xuất kinh doanh (khác với khu nghỉ dưỡng, tiêu dùng). Hay như việc xây khách sạn hiện được quy định là cho vay BĐS, nhưng theo phân ngành quốc tế khách sạn thuộc ngành dịch vụ lưu trú...

Theo thông báo từ NHNN, tám tháng đầu năm dư nợ cho vay để đầu tư kinh doanh BĐS giảm 10,1% so cuối năm trước. Chủ tịch HĐQT của một NHTM quốc doanh nói: “Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi đồng ý vẫn phải duy trì các tỷ lệ cho vay phi sản xuất. Tuy nhiên, trong tỷ lệ đó cần xem lại danh mục và những phân khúc của thị trường BĐS. Phân khúc BĐS nhà thu nhập thấp, nhà ở cho công chức viên chức, nhà ở tái định cư, khu công nghiệp, khu chế xuất... cần phải được coi là hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo thực hiện mục tiêu an sinh xã hội. BĐS trì trệ đã làm ảnh hưởng đình đốn đến thị trường lao động, thị trường vật liệu xây dựng, hoạt động tư vấn... Nếu cứ để tình trạng thị trường BĐS thế này mà không có biện pháp hỗ trợ thì e rằng chỉ mấy tháng nữa thôi sẽ đổ bể”.

Do thị trường vốn chưa phát triển nên ở Việt Nam đa phần vốn hoạt động của doanh nghiệp là vốn vay ngân hàng. Điều này cũng đúng với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Vì vậy, tình hình thị trường BĐS đã và đang làm ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng và cơ cấu tín dụng của các NHTM. Nhiều ngân hàng không thể cơ cấu lại tín dụng vì không xử lý được nợ cho vay BĐS do thanh khoản thị trường trầm lắng. Hàng loạt các giải pháp để khơi thông nguồn vốn, giảm lãi suất, đảm bảo thanh khoản, giảm nợ xấu... của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới có thành công hay không cũng phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến tình hình BĐS.

Ngoài ra, do bị khống chế mức tăng trưởng tín dụng chung là 20%, thậm chí sẽ thấp hơn (chỉ khoảng 18%) thì dù NHNN có mở rộng đối tượng cho vay BĐS, dư nợ cho vay BĐS cũng không cải thiện được nhiều. Đó là chưa kể bản thân các ngân hàng đang đau đầu với những khoản nợ cho vay BĐS hay được đảm bảo bằng BĐS chưa thu hồi, chưa xử lý được cũng không thiết tha đổ thêm vốn vào lĩnh vực này.

Một cơ sở nữa để thấy từ giờ đến cuối năm thị trường BĐS khó hồi phục vì nới cho lĩnh vực BĐS chủ yếu làm tăng nguồn cung. Trong khi vấn đề còn là cầu BĐS. Đa phần người dân vẫn không có khả năng mua nhà nếu “cửa” cho vay tiêu dùng của các NHTM vẫn đóng. Cũng trong tám tháng đầu năm, dư nợ cho vay tiêu dùng giảm 23,1% và khó có thể tăng vì hạn mức tín dụng của nhiều ngân hàng không còn. Việc điều chỉnh đối tượng cho vay BĐS (nếu có) chỉ chặn đà giảm sâu thêm của thị trường BĐS trong năm nay, và tạo ra kỳ vọng cho sự hồi phục thị trường trong năm 2012.

Theo Trí Dũng (SGTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.