Thị trường bất động sản (BĐS) đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là nguyên nhân thắt chặt tín dụng, lệch pha do cơ cấu đầu tư, thủ tục hành chính. Nhiều dự án bất động sản rơi vào cảnh ế ẩm. Điều này khiến các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này đang phải loay hoay tìm cách tháo gỡ khó khăn.

Giá BĐS tại Việt Nam đang giảm mạnh, có nơi giảm đến 40% so với hồi đầu năm 2011. Hiện các doanh nghiệp phải cố gắng tự tìm cho mình lối thoát, nhiều doanh nghiệp đang chào bán dự án tung nhiều chiêu khuyến mãi như: chiết khấu giá bán, hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, thậm chí chấp nhận bán các sản phẩm của mình với giá cực thấp để chạy hàng. Một số doanh nghiệp nhỏ lại chọn cách chuyển nhượng các dự án của mình lại cho những doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính hơn. Những dự án thuộc phân khúc căn hộ cao cấp hiện đang đứng yên vì dòng sản phẩm này hầu như không bán được.


Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, hiện nay nhu cầu về nhà ở rất lớn nhưng hầu hết đều nằm ở phân khúc nhà ở trung bình và thấp, trong khi đó thời gian qua hầu hết các doanh nghiệp đều đầu tư vào lĩnh vực phân khúc cao cấp nên dẫn đến nguồn cung và cầu chưa gặp được nhau. Ngoài ra, giá thành sản phẩm hiện đang ở mức cao do chủ đầu tư phải chịu nhiều khoản chi phí quá cao như tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chi phí nguyên vật liệu, nhân công cao…


Giải pháp hàng đầu hiện nay để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS đó là giải quyết những vấn đề về tái chính cho các doanh nghiệp BĐS. Theo đó, cần có những chính sách giảm dần lãi suất, tính tiền sử dụng đất, phương án thu tiền sử dụng đất.


Theo Bộ Xây dựng, cần sớm ban hành hệ thống tiêu chí cho vay BĐS đối với các tổ chức tín dụng. Hiện dư nợ cho vay BĐS chiếm trung bình khoảng 10% tổng dư nợ của toàn hệ thống. Tính đến 31-12-2010, tổng dư nợ cho vay BĐS khoảng 228 nghìn tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2009. Tuy đã phân định được tỷ lệ vay của các loại hình BĐS, nhưng không phân biệt được loại hàng hóa thiết yếu và không thiết yếu (nhà ở cao cấp hay nhà ở bình dân hoặc nhà nghỉ dưỡng...) dễ dẫn đến vốn tập trung nhiều vào các dự án nhà ở cao cấp, BĐS du lịch, khi thị trường bão hòa sẽ dẫn đến đổ vỡ, thị trường BĐS “bong bóng” thường xuất phát từ phát triển quá nóng các BĐS cao cấp. Việc cho vay tín dụng có thế chấp cho các cá nhân của các tổ chức tín dụng đang thực hiện sẽ dễ dẫn tới việc chỉ những người có tài sản thế chấp mới được vay và vay nhiều lần với mục đích đầu tư, đầu cơ.


Do vậy, cần phải có tiêu chí cho vay và ưu tiên cho vay đối với những dự án có tính thanh khoản cao, hạn chế cho vay các dự án BĐS cao cấp. Hạn chế, tiến tới chấm dứt việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch BĐS, nhất là đối với các hợp đồng huy động vốn, mua bán nhà hình thành trong tương lai, giao dịch thuê nhà ở để giảm áp lực tiền mặt và hạn chế rủi ro cho các bên tham gia; sớm nghiên cứu thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà; nghiên cứu thí điểm mô hình Quỹ đầu tư tín thác BĐS để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường BĐS; c ó quy định để đảm bảo vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực BĐS được đầu tư theo số vốn đăng ký, như quy định tỷ lệ hình thành công trình cao hơn mới được huy động vốn.


Ngoài ra, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp BĐS không thể ngồi chờ, tự bản thân phải thực hiện một số giải pháp như: tái cấu trúc doanh nghiệp, điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư; đình hoãn hoặc giãn tiến độ triển khai một số công trình, dự án; thực hiện nhiều biện pháp như giảm giá bán hàng, tăng tỷ lệ chiết khấu, hỗ trợ lãi vay cho người mua…thậm chí giảm lỗ ít để tồn tại; áp dụng khoa học kỹ thuật trong thiết kế, thi công để tiết kiệm chi phí, cho ra sản phẩm giá rẻ, phù hợp với khả năng của người mua.


Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tập trung nguồn lực, nguồn vốn để hoàn thiện các dự án để có sản phẩm đưa ra thị trường, tạo mức thanh khoản cao. Các doanh nghiệp có thể tăng cường liên doanh, liên kết, mua bán dự án, bán hàng để tăng tính thanh khoản cho sản phẩm.


Đặc biệt, các cơ quan quản lý Nhà nước về nhà ở và thị trường BĐS tại các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về trình tự thủ tục đầu tư, huy động vốn và mua bán, chuyển nhượng của các chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở để quản lý tốt thị trường BĐS; kiên quyết xử lý những sàn giao dịch BĐS cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về giao dịch BĐS và những hành vi gian dối “làm giá” gây mất ổn định thị trường BĐS.

Theo MP (ĐCSVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.