27/06/2013 8:19 AM
Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng việc đặt thêm điều kiện gây khó cho người bán nhà, đất là trái Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Luật sư TRẦN THÁI BÌNH (luật sư thành viên Công ty Luật LNT & Partners):

Không có thực tế, không khả thi

Bộ Tài chính cho rằng Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có giao cho Chính phủ và giao cho Bộ Tài chính quyền hướng dẫn nên Bộ có quyền đưa thêm điều kiện miễn thuế TNCN trong trường hợp chuyển nhượng nhà, đất duy nhất. Song phải lưu ý rằng: Điều kiện mà Bộ đưa ra phải đáp ứng tính hợp lý, khả thi thì mới có thể tồn tại, còn không thì phải bỏ.

Theo Bộ, có tình trạng lợi dụng chính sách để lách thuế. Vậy Bộ nên yêu cầu các cơ quan thuế địa phương thống kê xem từ khi thực hiện Luật Thuế TNCN đến nay, có bao nhiêu trường hợp cá nhân vừa được tặng cho nhà xong lại chuyển nhượng ngay trong vòng một tháng, ba tháng, sáu tháng mà Bộ nghi ngờ là lách thuế? Có bao nhiêu trường hợp chuyển nhượng một phần của nhà, đất duy nhất mà Bộ nghi ngờ có lách thuế? Số tiền thuế mà Bộ nghi ngờ bị lách, bị thất thoát đó là bao nhiêu?... Nếu thực sự có quá nhiều trường hợp đáng nghi ngờ thì mới cần có biện pháp điều chỉnh. Còn hiện nay Bộ chỉ đưa ra biện pháp, điều kiện, trong tờ trình thì chỉ nói “có trường hợp” mà không có số liệu cụ thể nên không thể thuyết phục được!

Tư vấn thuế TNCN tại Cục thuế TP.HCM. Ảnh: HTD

Nếu thực tế cho thấy đến lúc cần chấn chỉnh việc lách thuế thì biện pháp chấn chỉnh phải hợp lý, khả thi. Đáng nói là biện pháp hiện tại của Bộ Tài chính không khả thi. Bởi lẽ nếu thực sự muốn lách thuế, người ta hoàn toàn có thể chờ qua 183 ngày (tương đương sáu tháng). Như vậy điều kiện Bộ đặt ra bị vô hiệu hóa. Điều kiện này cũng không hợp lý vì nó mâu thuẫn với quyền tự do chuyển nhượng của người dân.

Phải thấy rằng quy định chỉ mang tính tương đối chứ không thể hoàn hảo. Quy định về thuế sẽ có những kẽ hở lách thuế nên không tránh khỏi chuyện thất thoát thuế. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận có một ít thất thoát nhưng thuận lợi cho số đông chứ không nên ráo riết thu thuế số ít mà gây khó khăn cho số đông. Tôi thấy điều kiện mà Bộ Tài chính đưa ra mang màu sắc “tận thu”, không nên áp dụng.

ThS NGUYỄN THỊ CAM (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đất Luật), nguyên Trưởng khoa Luật Thương mại ĐH Luật TP.HCM:

Nên tìm cách khác để quản lý

Luật Thuế TNCN không quy định thời hạn sở hữu mà nghị định và thông tư hướng dẫn lại quy định thêm có thể “hợp lý” theo cách lý giải của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, quy định này không hợp pháp bởi trái quy định của luật.

Tôi không ủng hộ việc quy định về thời hạn, dù là thời hạn nào, một ngày, một tháng, ba tháng hay 183 ngày. Bởi lẽ việc lợi dụng chính sách miễn thuế cho việc chuyển nhượng nhà, đất duy nhất không phải ở thời hạn sở hữu mà ở tầm vĩ mô hơn, đó là việc quản lý bất động sản cá nhân của Nhà nước.

Việc một số người dân lợi dụng chính sách của Nhà nước để phục vụ cho lợi ích riêng của họ là điều không thể tránh khỏi trên thực tế, không chỉ riêng việc chuyển nhượng nhà, đất duy nhất được miễn thuế TNCN.

Theo tôi, biện pháp tốt nhất vừa tránh thất thu thuế vừa không làm khó cho người dân trong trường hợp này là Nhà nước phải hoàn thành việc nối mạng thông tin và quản lý được toàn bộ tài sản là bất động sản của cá nhân trên phạm vi toàn quốc. Việc trốn thuế từ thời hạn sở hữu không nhiều bằng việc Nhà nước không thể xác định được thực chất cá nhân đó có bao nhiêu nhà, đất trên đất nước để tính thuế hay miễn thuế mà phải căn cứ vào cam kết của họ.

Bên cạnh đó, việc đánh thuế TNCN trong giao dịch ủy quyền một lần hay hai lần đều vô lý, trừ trường hợp người nhận ủy quyền có nhận thù lao - có thu nhập thực tế. Trong thực tế đúng là có một số trường hợp người dân mua bán nhưng làm thủ tục ủy quyền với lý do nhanh về mặt thủ tục và trốn thuế. Nhưng không thể vì thế mà Nhà nước đánh thuế trên tất cả giao dịch ủy quyền có chuyển nhượng bất động sản để tận thu thuế. Bởi vì bản chất của loại giao dịch này theo quy định của pháp luật hoàn toàn khác với mua bán chuyển nhượng. Mặt khác, khi người dân mua bán nhưng vì mục đích trốn thuế mà làm thủ tục ủy quyền thì họ đã tự chuốc lấy rủi ro cho mình qua việc bỏ một khoản tiền lớn để mua tài sản nhưng tài sản đó lại không thuộc quyền sở hữu của mình.

Bà ĐỖ THỊ LOAN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM:

Quy định làm khó dân

Nghị định hướng dẫn luật thì trước tiên phải tôn trọng luật. Luật Thuế TNCN trước và nay đều quy định: Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, đất ở tại Việt Nam sẽ được miễn thuế TNCN. Luật “mẹ” đã nói rõ như vậy sao luật “con” làm rối thêm? Sở hữu của người dân thì một ngày cũng là sở hữu, tại sao phải 183 ngày mà không 10 ngày, 90 ngày… chẳng hạn? Tôi thấy cơ quan soạn thảo quy định như thế là làm khó cho dân, trong khi xu hướng của luật là làm sao để người dân dễ thực hiện nhất.

Tôi đề nghị Bộ Tài chính chỉnh sửa lại dự thảo. Đừng làm việc chuyển nhượng nhà, đất trở nên quá khó khăn và nhiêu khê bởi khi đó thị trường bất động sản có thể tê liệt.

Bà UNG THỊ XUÂN HƯƠNG, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM:

Nghị định và thông tư không được trái luật

Về nguyên tắc thì nghị định phải phù hợp với luật, thông tư phải theo nghị định. Ở đây, luật không quy định thì nghị định và thông tư không được phép “đẻ” ra thêm.

Lâu nay Luật Thuế TNCN quy định rõ việc chuyển nhượng nhà ở, đất ở duy nhất của cá nhân được miễn thuế TNCN. Vậy mà nay Bộ Tài chính chỉ đồng ý miễn thuế cho người bán căn nhà duy nhất với điều kiện đã sở hữu 183 ngày và phải bán nguyên căn. Điều này trái với luật và như vậy văn bản đó sẽ không có hiệu lực.

Trong công tác xây dựng pháp luật, ngoài việc phải quan tâm đến tính pháp quy, hiệu lực của văn bản, những nhà làm luật còn phải tính đến tính hợp lý khi áp dụng trên thực tiễn. Bởi suy cho cùng văn bản phải “sống” được trên thực tế, phải phản ánh đúng thực tế.

Luật thuế đã quy định rõ hành vi trốn thuế thì sẽ bị xử lý hành chính lẫn hình sự. Cái chính là muốn xử lý được hành vi này thì cơ quan thuế phải tự kiểm tra, xác minh hành vi vi phạm chứ không thể ngồi đó quy chụp, suy đoán.

Riêng việc ủy quyền bán nhà mà người ủy quyền và được ủy quyền đều phải nộp thuế TNCN là cực kỳ vô lý. Năm 2011, Sở Tư pháp TP.HCM từng gửi công văn kiến nghị Bộ Tư pháp kiểm tra, xử lý công văn về việc thu thuế ủy quyền của cả hai bên vì nó có dấu hiệu trái pháp luật. Sau đó, Tổng cục Thuế cũng có công văn trả lời là cá nhân nhận ủy quyền có thù lao thì mới nộp thuế TNCN. Còn các trường hợp khác thì cơ quan thuế phải xác minh làm rõ rồi mới thu thuế.

Đồng ý là thu thuế thì phải thu đủ cho ngân sách nhưng phải thu đúng. Cơ quan thuế không thể đồng nhất hợp đồng ủy quyền và hợp đồng mua bán nhà, đất để thu thuế ủy quyền của cả hai bên. Người được ủy quyền không thể xem là người có thu nhập phải chịu thuế theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Thuế TNCN. Còn việc xác định giao dịch ủy quyền này là giả tạo để trốn thuế thì phải do các bên trong giao dịch đó thừa nhận hoặc theo quyết định, bản án của tòa án. Vậy nên việc cơ quan thuế bắt buộc người được ủy quyền phải có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế TNCN là không phù hợp với các quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về thuế.

Quỳnh Như - Kim Phụng - B.Nhơn (Pháp luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.