Nhằm bảo đảm điều kiện hạ tầng cho khu dân cư (nhu cầu giao thông, thoát hiểm, phòng chống cháy nổ, môi trường…), năm 2007, UBND TPHCM ban hành Quyết định 88 quy định lộ giới và quản lý đường hẻm trong các khu dân cư hiện hữu. Theo đó, quy định hẻm là các tuyến đường có chiều rộng dưới 12 m nhưng phải lớn hơn 3,5 m.
Chằng chịt hẻm “mini”
Ảnh: Minh Khanh
Trở lại hẻm 68 Trần Quang Khải (phường Tân Định, quận 1), chúng tôi không khỏi giật mình vì nhiều hẻm nhánh chưa đầy 1 m nhưng có quá nhiều căn nhà đã xuống cấp và tập trung đông dân cư, từng bó dây điện, cáp viễn thông to chạy sát nhà dân. Năm 2007, hẻm 68 Trần Quang Khải từng bị cháy.Do hẻm nhỏ và quá sâu, lực lượng chữa cháy khó tiếp cận và mất nhiều thời gian để dập tắt. Năm 2005, con hẻm này cũng từng xảy ra hỏa hoạn thiêu rụi 24 căn nhà, làm 2 người bị thương.
Quận Bình Thạnh có lẽ là nơi quy tụ nhiều và cũng đa dạng thể loại hẻm nhất. Bùi Đình Túy, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Xí, Vũ Tùng, Bạch Đằng, Phan Văn Trị…, tuyến đường nào cũng chằng chịt vài chục con hẻm nhỏ chưa đến 2 m, thậm chí có những con hẻm chỉ vừa cho một chiếc xe máy lưu thông, nối nhau chạy lòng vòng như mê cung. Bà Nguyễn Thị Đông (ngụ nhà 325/28/2 Bạch Đằng, quận Bình Thạnh) cho biết đa số những ngôi nhà trong khu bà ở đều được xây dựng cách đây khá lâu, riêng bà xây từ năm 1936. Nhà cũ đến mức bàn thờ nhiều lần sụp lên, đổ xuống nhưng vẫn chưa thấy hẻm được quy hoạch như thông báo. Nhiều lần lên phường xin xây lại nhà nhưng phường chỉ cho tân trang, sửa chữa, không được phép xây mới.
“Treo” quyền lợi theo hẻm
Bà Đoàn Thị Kim Liên (ngụ nhà 485/3 Nhật Tảo, quận 10) vừa mới sửa lại nhà và phải lùi vào 1 m so với hiện trạng theo quy định lộ giới hẻm của quận 10. Bà Liên vui vẻ thực hiện và cho biết sẵn sàng hiến phần đất đó, không đòi bồi thường khi quận thực hiện mở rộng hẻm. Bà Nguyễn Thị Chuyển (ngụ 103/5 Ngô Gia Tự, quận 10) lại mang nhiều tâm trạng mâu thuẫn trước thông tin mở rộng hẻm. Bà ý thức được con hẻm nhỉnh hơn 0,5 m của mình quá chật chội, khó khăn lưu thông nhưng nếu mở rộng hẻm, chiều dài căn nhà bà chỉ còn khoảng 3 m, “vừa không ở được vừa dị dạng so với nhà hàng xóm” - bà Chuyển tự nhận xét. Ông Nguyễn Đình Đào (nhà 46/13 Thạch Thị Thanh, quận 1) cho biết nhà ông có diện tích 32,1 m2 và là nhà cấp 4 trong khi có đến 8 người ở nên rất chật chội. Năm 2011, ông Đào có đơn xin quận 1 cấp phép xây dựng nhưng bị từ chối với lý do nhà nằm trong lộ giới hẻm. “Nếu xây nhà thì khi giải tỏa không được đền bù. Mà để vậy thì không thể ở được. Không biết quy hoạch có lợi gì nhưng trước tiên người dân như tôi bị thiệt thòi” - ông Đào than vãn. Gần đó, một con hẻm khác cũng làm không ít hộ dân “ăn ngủ không yên” vì nằm trong quy hoạch là hẻm 18 Lý Văn Phức, phường Tân Định. Hẻm này hiện rộng 3,5 m nhưng theo quy hoạch do quận 1 công bố năm 1999 thì lộ giới hẻm rộng 6 m. Ông Trần Văn Hy, một người dân ở đây, lo lắng: “Chiều ngang nhà tôi chỉ 3 m. Nếu thực hiện quy hoạch, nhà tôi phải thụt vào 1,5 m. Vậy phần còn lại nếu xây dựng lên sẽ trông như cái hộp diêm thì làm sao gọi là cái nhà!”.
Quy hoạch không hợp lý Bà Hồ Dứng (ngụ nhà 186/38 Trần Quang Khải, quận 1) kể: Năm 1999, cùng với việc phường Tân Định công bố quy hoạch hẻm là quận 1 treo bảng hẻm 186 có lộ giới 5 m. Thông tin này làm người dân ở đây sửng sốt vì thực tế hẻm này nơi rộng nhất chỉ là 1 m, có đoạn chưa được 0,5 m. Nhà cửa thì hầu hết là cấp 4, người dân là lao động nghèo thì làm sao có tiền bỏ ra làm hẻm. Căn nhà của bà Dứng chỉ vỏn vẹn Từ kiến nghị của người dân hẻm 186 Trần Quang Khải, năm 2009, UBND quận 1 đã phải ra quyết định bỏ quy hoạch của con hẻm này. |