09/04/2014 7:57 PM
Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng trao đổi với ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Liên minh đất đai (Landa), người vừa cùng với Oxfam (liên minh quốc tế gồm 17 tổ chức) đánh giá về công tác giải tỏa, đền bù, tái định cư (TĐC) ở Đà Nẵng và các vấn đề liên quan.

P.V: Ông đánh giá như thế nào về việc chính sách thu hồi, bồi thường và TĐC cho người dân của TP Đà Nẵng?

Ông Phạm Văn Thành: Để “mổ xẻ” thành công của TP Đà Nẵng, Landa đã phối hợp với Oxfam cử một nhóm tư vấn vào làm việc tại TP Đà Nẵng. Từ đó, tổ chức này đã có báo cáo về kinh nghiệm của Đà Nẵng và đánh giá công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và TĐC đã được TP Đà Nẵng triển khai thực hiện đạt kết quả tốt, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Điểm nổi bật của Đà Nẵng có thể khái quát trong 3 cơ chế: “Thu hồi đất theo quy hoạch”; “Góp đất và điều chỉnh lại đất đai”, “Đối thoại - Đồng thuận”. Với việc áp dụng linh hoạt sáng tạo các cơ chế này, Đà Nẵng đã thực hiện tốt công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ TĐC với sự đồng thuận cao của người dân TP.

P.V: Theo ông đâu là nguyên nhân chính để Đà Nẵng làm được điều này?

Ông Phạm Văn Thành: Đà Nẵng có một vị trí thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án. Các nhà đầu tư lớn đều sẵn sàng ứng trước vốn để chính quyền địa phương triển khai công tác thu hồi đất theo quy hoạch dễ dàng. Bên cạnh đó, chính quyền TP đã đưa ra một loạt các chủ trương, chính sách hợp lý trên cơ sở vận dụng một cách sáng tạo các chính sách chung của Đảng và Nhà nước.

Cụ thể, đối với cơ chế “Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch”, mức giá đền bù và TĐC đối với tất cả các dự án được áp dụng theo biểu giá chung và thống nhất do TP duyệt. Điều này đã giúp tạo sự công bằng trong xã hội và hạn chế các biến động về giá đất một cách bất thường. Công tác quy hoạch, kiểm đếm, đền bù, áp giá, chi trả, bố trí TĐC và giải phóng mặt bằng đều do các Hội đồng giải phóng mặt bằng của TP thực hiện.

Nhà đầu tư không tham gia vào quá trình này, tránh được những khó khăn nảy sinh từ giá đền bù khác nhau trên cùng một khu vực và cùng thời điểm do "năng lực khác nhau của các nhà đầu tư tạo ra các thỏa thuận khác biệt với người dân". Từ đó dẫn tới đất giao cho nhà đầu tư là quỹ đất sạch sau khi đã giải phóng mặt bằng.

Thực hiện bồi thường bằng đất cho các hộ TĐC có quy định cụ thể về giá trị quy đổi. TP ban hành tiêu chuẩn quy đổi theo tỷ lệ đất thu hồi và TĐC (không áp dụng theo giá thị trường) phù hợp với quy định và tham khảo nguyện vọng của nhân dân. Điều này đảm bảo người dân trong diện di dời luôn có đất TĐC, ổn định cuộc sống.

Đối với cơ chế “Góp đất và điều chỉnh lại đất đai”: Cơ chế này áp dụng trong việc chỉnh trang đô thị và cải tạo nâng cấp đường giao thông đô thị. Cụ thể là: Chính sách với việc chỉnh trang đô thị và mở rộng đường nội thị. Các hộ bị thu hồi một phần đất, phần diện tích đất còn lại vẫn đủ điều kiện xây nhà theo quy định thì sẽ chỉ được bồi thường giá trị tài sản trên đất, không được bồi thường về giá trị đất bị thu hồi. Nhưng giá trị phần đất còn lại được tăng cao rất nhiều vì các hộ được "ra mặt đường".

Với một số tuyến đường chính ở nội đô: Thu hồi đất dọc theo 2 bên đường tạo ra quỹ đất lớn thu hút nhà đầu tư, tạo sự công bằng trong sử dụng mặt tiền của lộ giới. Thu hồi đất dọc 2 bên đường giúp chính quyền có điều kiện chỉnh trang TP, hạn chế bất công khi những hộ gia đình ở phía sau mặt tiền, khi quy hoạch được ra mặt tiền một cách tự nhiên.

Đồng thời Quy hoạch mở rộng vệt giải tỏa tạo ra quỹ đất vàng trong kêu gọi đầu tư, bán đấu giá xây dựng các khu thương mại, dịch vụ, khu phức hợp,... với giá cao giúp TP có nguồn thu lớn cho ngân sách, tạo điều kiện đầu tư các công trình phúc lợi xã hội khác trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Đối với cơ chế “Đối thoại” và “Đồng thuận”: Đà Nẵng luôn thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch và các dự án; đồng thời tổ chức tốt công tác đối thoại giữa chính quyền và người dân về công tác thu hồi, bồi thường hỗ trợ TĐC. Trong các cuộc đối thoại luôn có mặt trực tiếp của lãnh đạo cao nhất của địa phương. Nhiều cuộc đối thoại do đích thân lãnh đạo cao nhất của TP chủ trì.

Với việc thường xuyên tổ chức các hoạt động đối thoại này, người dân được giải quyết trực tiếp các băn khoăn bức xúc, từ đó giảm được các khiếu kiện không cần thiết. Tất cả các dự án có thu hồi, bồi thường, TĐC đều được UBND TP giao trách nhiệm cho các cấp chính quyền lấy ý kiến nhân dân thông qua các cuộc họp toàn thể các hộ trong diện giải tỏa. Khi có trên 80% nhân dân đồng tình ủng hộ (đồng thuận) mới triển khai thực hiện. 20% số hộ còn lại sẽ được tiếp tục vận động, tuyên truyền và đối thoại trực tiếp với lãnh đạo cao nhất...

Lãnh đạo TP Đà Nẵng luôn có mặt tại các khu vực giải tỏa để tiếp xúc với dân. Trong ảnh: Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của bà con tại dự án đường Vành đai phía Nam.

P.V: Có thể chỉ ra một số kinh nghiệm cụ thể của Đà Nẵng trong thực tiễn và có nên nhân rộng ra đối với các địa phương khác không?

Ông Phạm Văn Thành: Việc nghiên cứu các cơ chế đã triển khai ở Đà Nẵng là rất cần thiết để từ đó tìm ra được những ưu điểm trong mô hình này. Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào tình hình thực tế của mỗi địa phương, việc áp dụng các kinh nghiệm của Đà Nẵng cần phải linh hoạt, vận dụng sáng tạo.

P.V: Xin chân thành cảm ơn ông.

Xuân Đương (Công an Đà Nẵng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.