07/03/2017 8:56 AM
Trước thông tin Nghị định mới số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, cho phép mở rộng thêm 5 trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng điều này sẽ tạo thuận lợi và bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Hướng dẫn thủ tục cho người dân tại bộ phận một cửa Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội tại tầng 1-2 nhà N1 A-B, khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN)
Theo khảo sát của phóng viên trong ngày 6/3 tại các trung tâm bất động sản, văn phòng nhà đất tại Hà Nội, lượng người đến tìm hiểu và làm các thủ tục liên quan đến những vướng mắc trong 5 trường hợp mở rộng được cấp sổ đỏ vẫn còn thưa thớt.
Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện các trung tâm môi giới và tư vấn thủ tục nhà đất, mặc dù thông tin cụ thể về giấy tờ, thủ tục cấp sổ đỏ cho 5 trường hợp này còn mới nhưng qua đánh giá, những sửa đổi, bổ sung này sẽ là bước mở tạo sự thông thoáng, giảm bớt các thủ tục xin cấp sổ đỏ cả về nghĩa vụ chứng minh, chuẩn bị hồ sơ và cả thời gian...
Theo Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, chi nhánh khu vực Ba Đình-Hoàn Kiếm-Đống Đa, đối với 5 trường hợp được mở rộng cấp sổ đỏ, người dân cần đăng ký quyền sử dụng đất tại các địa phương.
Theo anh Phương, tư vấn viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn môi giới đất đai Ba Đình, những trường hợp đất lấn chiếm hay thuộc 5 trường hợp mở rộng nếu có hồ sơ đầy đủ, đăng ký tại địa phương, có giấy tờ viết tay... thì đều có thể được giải quyết.
Anh Nguyễn Anh Tú, tại Thanh Lương, Hà Nội, có đất theo diện đất sản xuất nông nghiệp đã mua được vài năm trước tại quận Hoàng Mai. Anh cho biết mặc dù chưa biết về thủ tục và các quy định, từng trường hợp, hồ sơ cụ thể để được xét cấp sổ, nhưng với thông tin Chính phủ mở rộng thêm 5 trường hợp cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản, anh rất vui và hy vọng mảnh đất của mình sẽ được nhà nước công nhận quyền sở hữu.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, việc hợp pháp hóa giao dịch viết tay sẽ giúp bảo đảm quyền lợi một cách hợp pháp, tránh tình trạng "treo" giấy tờ sử dụng đất nhiều năm. Khi đất đai được pháp hóa, người dân sẽ được bảo vệ quyền lợi đầy đủ, chính đáng.
"Trước đây, hai nhà cạnh bên cùng điều kiện, diện tích như nhau nhưng anh có sổ đỏ thì giao dịch cao hơn anh không có sổ đỏ từ 20 đến 30%, cá biệt mức chệnh lệch còn cao hơn nữa," ông Châu nêu ví dụ.
Ngoài ra, việc thực hiện cấp sổ đỏ cho các trường hợp lấn chiếm (theo mốc quy định pháp luật về thời gian, thủ tục, giấy tờ) sẽ làm giảm những giao dịch ngầm, giao dịch không chính thức, làm cho thị trường bất động sản minh bạch hơn, góp phần tăng nguồn thu ngân sách.
Bởi lẽ, theo ông Châu, khi làm sổ đỏ, người dân phải đóng tiền sử dụng đất, tiền thuế khi mua bán chuyển nhượng..., từ đó thị trường bất động sản được hưởng lợi. Các sàn giao dịch bất động sản cũng sẽ sôi động hơn vì việc mua bán được dễ dàng, minh bạch.
Người dân sẽ đến các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại các xã phường để đăng ký làm sổ đỏ, chứ không phải lên Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh thành phố như trước đây. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, việc làm thủ tục sẽ mất thời gian vì số lượng hồ sơ lớn, ông Châu nói.
Giáp Dũng (TTXVN/Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.