Như vậy, sau nhiều năm dốc sức triển khai, cùng với sự thất bại thảm hại của chợ-TTTM Cửa Nam, Hàng Da, chợ Hôm-Đức Viên…, “cái chết” của chợ-TTTM Ngã Tư Sở có thể là hồi chuông cuối cho mô hình “tân cổ giao duyên” không hợp thời này.
Theo UBND TP Hà Nội, dự án cải tạo chợ Ngã Tư Sở đã mất cả “thiên thời địa lợi” để triển khai do chậm hơn 2 năm so với kế hoạch. Vị trí của dự án cũng nằm trong khu vực nội đô, thuộc đối tượng dự án, công trình cao tầng cần kiểm soát theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Mặt khác, đến thời điểm này, Bộ Xây dựng vẫn chưa ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng và chưa có hướng dẫn về mô hình công trình hỗn hợp TTTM kết hợp chợ. Về phương hướng triển khai, UBND TP Hà Nội chỉ đạo tiếp tục duy trì chợ Ngã Tư Sở là chợ dân sinh và phải cải tạo, xây dựng lại.
Các nhà đầu tư trong liên danh cần sớm thống nhất về khả năng tham gia đầu tư xây dựng chợ theo mô hình chợ dân sinh, báo cáo UBND TP trước 20-8. Trường hợp các nhà đầu tư trong liên danh không tham gia đầu tư chợ dân sinh Ngã Tư Sở, UBND TP sẽ tạo điều kiện để nhà đầu tư khác thay thế thực hiện dự án. TP Hà Nội cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành hủy gần 800 gian hàng tại khu vực chợ tạm Ngã Tư Sở sau 3 năm xây dựng nhưng bỏ hoang, không sử dụng.
Có hẳn một kế hoạch chuyển toàn bộ chợ dân sinh Hà Nội thành các siêu thị hoành tráng, nhưng thực tế cho thấy sau nhiều năm triển khai, chỉ có một số chợ được “lột xác” và ngay lập tức nhận được những quả đắng, thậm chí đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Việc dừng xây dựng công trình chợ-TTTM Ngã Tư Sở có thể coi là một dấu chấm buồn cho chủ trương từng một thời rất rầm rộ này của TP Hà Nội, nhưng cũng là một tín hiệu đáng mừng. Và theo nhiều chuyên gia, chắc chắn sẽ có nhiều dự án cải tạo chợ dân sinh khác sẽ phải dừng, bởi trước đó, từ đầu năm 2013, TP Hà Nội đã quyết định giãn tiến độ để rà soát 9 dự án chợ-TTTM.
Theo ông Vũ Vinh Phú-Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cùng với việc đi ngược với thói quen của người Việt, sự mâu thuẫn lợi ích sẽ khiến các chợ-TTTM chết yểu. Các chủ đầu tư khi vào cải tạo chợ, mục đích chính là xây cho thuê văn phòng, bán hàng cao cấp, chợ truyền thống chỉ là yếu tố phụ nhằm thỏa hiệp với tiểu thương khi chuyển đổi. Chính vì chợ nhưng lại không phải là chợ nên mới nảy sinh tình trạng 40% TTTM cải tạo từ chợ không kéo được người vào kinh doanh.
Một chủ trương sai, phải dừng lại là đúng đắn. Tuy nhiên, TP Hà Nội cũng cần có những bước đi thích hợp cho những chợ đã được chuyển đổi. Bởi lẽ, nếu không có sự tiếp sức kịp thời, nhiều chợ-TTTM sẽ đứng trước nguy cơ biến thành “pháo đài chết”, trong khi tiểu thương và người dân phải tràn ra đường để buôn bán quanh nền chợ cũ.