Thực trạng sử dụng và quy hoạch đất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vựa lúa lớn nhất nước còn nhiều bất cập. Từ năm 2000 đến nay, đất trồng lúa tại ĐBSCL đã giảm 210.000 ha, chiếm 58% diện tích đất lúa giảm trên cả nước. Trước phản ứng của dư luận và chỉ đạo của Chính phủ, một số tỉnh đã trả lại đất cho nông dân, nhưng còn không ít địa phương vẫn giữ quy hoạch treo chờ doanh nghiệp...

Thu hồi đất của dân lập KCN để cỏ dại mọc đầy

Đời sống người dân “treo” theo quy hoạch

Đưa chúng tôi xấp hồ sơ, bà Nguyễn Thị Lệ (ngụ khu vực 1, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) chua xót: “Đất gia đình để lại nhằm an cư lạc nghiệp, tui có biết đất vàng đất bạc gì đâu. Mang tiếng hộ khẩu ở trung tâm thành phố nhưng người dân khổ trăm bề vì dự án treo”. Chúng tôi rất bất ngờ khi người dân nơi đây phải chịu quy hoạch treo đến 33 năm. Năm 1979, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (cũ) ký quyết định số 887 quy hoạch khu vực cồn Cái Khế xây dựng sân vận động lớn nhất Đông Nam Á. Việc thực hiện dự án đâu chẳng thấy, người dân phải sống tạm bợ trong vòng lẩn quẩn: nhà xuống cấp không được sửa chữa, xây mới; muốn vay tiền ngân hàng cũng chẳng giải quyết vì tài sản thế chấp thuộc diện quy hoạch. Người dân thắc mắc thì nhận được câu trả lời: cồn Cái Khế đã quy hoạch từ lâu.

Dự án sân vận động trong mơ không thực hiện, ngày 28-12-1996 UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 khu vực cồn Cái Khế. Đến ngày 3-7-1999, địa phương ra tiếp quyết định điều chỉnh quy hoạch. Chín năm sau, tháng 11-2008, UBND TP.Cần Thơ tiếp tục ra quyết định điều chỉnh quy mô hơn 126 ha, dân số dự kiến khoảng 10.000 người. Theo đó, cồn Cái Khế trở thành khu đất “vàng” với các trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí... Hầu hết là dự án treo, làm 600 hộ dân đang sống trong khu vực cồn lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Hiện nay cồn có hơn 10 dự án treo, trong đó, nhiều dự án treo nối tiếp. Điển hình, dự án xây tòa tháp 25 tầng và biểu tượng TP.Cần Thơ tại vòng xoay trung tâm cồn với diện tích khoảng 2ha. Tháng 11-2005, UBND TP.Cần Thơ giao cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hoàng Anh Gia Lai thuê đất. Hai năm sau, công ty vẫn không triển khai dự án. Ngày 19-7-2007, UBND TP.Cần Thơ hủy bỏ quyết định trên và điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 thành quảng trường - tháp biểu tượng cao 170m. Nhưng đã 5 năm trôi qua, dự án trên vẫn trong tình trạng... treo, nơi thực hiện chỉ là bãi đất trống.

Đừng để người dân ăn “bánh vẽ”

Trái với một số địa phương thu hồi ngay dự án treo để dân đỡ khổ, một số nơi vận động bà con “tiếp tục hy sinh” vì sự phát triển của quê hương. Nghe câu này, không ít người phản ứng. Trường hợp người dân phường Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên, An Giang cũng trong tình trạng dở khóc dở cười. Hàng chục năm trước, chính quyền địa phương quy hoạch KCN Vàm Cống ven bờ sông Hậu nhưng không thực hiện. Quy hoạch treo thời gian dài, tỉnh không xóa, đề nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch thành lập KCN Vàm Cống với quy mô hơn 200ha. Quyết định triển khai, đơn vị tư vấn khảo sát thiệt hại của dân nhưng chưa đền bù giải tỏa. Người dân thấp thỏm lo âu khi quyền lợi không được thực hiện. Họ tìm đến Ban quản lý khu kinh tế tỉnh An Giang thì được biết điều kiện ngân sách khó khăn nên tỉnh chưa thực hiện được và đã kêu gọi đầu tư nhưng chưa có ai đăng ký. “Nếu đến năm 2015 mà KCN chưa có doanh nghiệp đăng ký đầu tư cơ sở hạ tầng, chúng tôi sẽ đề nghị UBND tỉnh xóa quy hoạch”, một cán bộ Ban quản lý khu kinh tế tỉnh An Giang cho biết. Nghe vậy, người dân lại thắc thỏm chờ.

Tại Tiền Giang còn nhiều dự án KCN treo hành dân. KCN Bình Đông (TX.Gò Công) và KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp (huyện Gò Công Đông) tổng diện tích trên 500ha trong tình trạng trống huơ trống hoác. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết nhà đầu tư đến các KCN này đều một đi không trở lại là do cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh. Thời gian dài, 500 hộ dân có đất vào quy hoạch KCN khó khăn. Đối với dự án KCN Long Giang (huyện Tân Phước, Tiền Giang) quy mô 540ha, nhà đầu tư là Tổng công ty xây dựng Trung Quốc (CSCEC) được chính quyền tỉnh cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2007, đến nay vẫn được triển khai với tốc độ... rùa bò! Hiện gần 450ha đất thuộc dự án này bị bỏ hoang, trong khi nhiều nông dân từng là chủ đất phải tha hương kiếm sống. Địa bàn xã Tân Lập 1 có khoảng 400ha đất lâm vào tình trạng tương tự do dính vào KCN Tân Phước 1. Chính quyền địa phương thừa nhận quy hoạch treo làm tỉ lệ hộ nghèo tăng thêm.

Tại Cà Mau, dự kiến quy hoạch thành phố trở thành đô thị loại I vào năm 2020 nên dành 1.200ha phát triển khu dân cư, khu đô thị mới. Từ năm 2000 đến nay, thành phố có 27 dự án được cấp phép đầu tư, 3.000 hộ dân trong diện giải tỏa để nhường đất cho chủ đầu tư. Thế nhưng, các dự án đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại chỉ nhận rồi để đó. Ngoài doanh nghiệp tư nhân còn có Công ty kinh doanh phát triển nhà Minh Hải chiếm đất của nhiều dự án nhưng không thực hiện, hiện đang trong tình trạng mất khả năng tài chánh nên việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng như hợp đồng cam kết không biết đến bao giờ mới thực hiện...

Theo Thiện Bảo (Báo Công An)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.