Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký, đóng dấu của các cơ quan chức năng trên địa bàn.
“Số phận” của 15 sổ đỏ về nguyên tắc đã được định đoạt, đang trong giai đoạn phát mại nhằm thu hồi tài sản cho phía ngân hàng và 10 sổ đỏ khác cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Lý do: ngoài sự thiếu hiểu biết về mặt pháp luật, dễ dãi, cả tin của người dân vào tình làng nghĩa xóm khiến cho họ đứng trước nguy cơ mất nhà thì vấn đề đặt ra liệu chính quyền địa phương có làm ngơ cho các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình chứng nhận sang tên, chuyển nhượng sổ đỏ giữa người vay và người cho vay vốn?
Nguy cơ mất nhà là rõ
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký, đóng dấu của các cơ quan chức năng trên địa bàn. |
Theo phản ánh của đa số người dân, phóng viên được biết, chỉ với “chiêu” cho vay tiền dễ dàng, lãi suất ưu đãi đưa ra làm mồi nhử, Công ty Thanh An đã thu gom và sang tên, đổi chủ được 25 sổ đỏ của người dân xã Cần Kiệm rồi đem thế chấp vay vốn của ngân hàng với số tiền gần 5 tỷ đồng (gấp 10 lần số tiền mà công ty này cho các hộ dân vay – PV). Khi ngân hàng tiến hành thu hồi vốn thì doanh nghiệp này đã “lặn” khiến ngân hàng phải khởi kiện ra tòa và phát mại tài sản. Hiện tại, có 15 sổ đỏ mà Công ty Thanh An thế chấp vay vốn của Ngân hàng Công Thương Việt Nam đã có thông báo thi hành án của Cục Thi hành án Dân sự Hà Nội đến từng hộ và còn khoảng hơn 10 sổ đỏ nữa vẫn nằm trong các ngân hàng khác.
Cần câu trả lời từ phía xã Cần Kiệm
Giải thích về tình trạng người dân đứng trước nguy cơ mất nhà xảy ra tại địa phương mình quản lý, ông Kiều Văn Lương - Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm cho biết: Những giao dịch của người dân trong xã đều là giao dịch dân sự và chính quyền xã không biết. Đến khi Cục Thi hành án Dân sự Hà Nội có thông báo thi hành án gửi về địa phương thì xã mới biết sự việc.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, thực tế lại khác hoàn toàn những điều ông Lương nói. Theo phản ánh của người dân, không ít lần phía Công ty Thanh An đã mượn, thuê trụ sở của UBNX xã Cần Kiệm làm nơi họp, thông báo mức lãi suất cho vay đối với người dân. Sự việc xảy ra ở ngay trụ sở UBND xã Cần Kiệm mà lãnh đạo xã lại không hề hay biết? Thật lạ lùng! Tiếp đến, sau khi Công ty Thanh An cho người dân vay vốn, thế chấp sổ đỏ cho công ty, ngay lập tức công ty này đã tiến hành làm thủ tục sang tên từ đất của người dân sang tên Công ty Thanh An rồi làm tài sản thế chấp để vay tiền của các ngân hàng. Tất cả hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất này đều được lãnh đạo UBND xã Cần Kiệm chứng thực, có xác nhận của ông Vũ Đức Bảo - Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thạch Thất.
Trao đổi với PV về tính hợp pháp của hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bà Nguyễn Thị Chỉnh - Phó phòng Tài nguyên-Môi trường, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thạch Thất, Hà Nội khẳng định, thời điểm đó bà chưa làm nên không biết cụ thể nội dung vụ việc. Hiện tại, vụ việc đã được toà án giải quyết và ra quyết định, mọi thứ đều không thể làm gì bởi xuất phát từ chỗ không hiểu biết về pháp luật nên người dân mới bị mắc lừa như vậy. Sự việc kể trên của những người dân ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội là một tiếng chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với nhiều người dân, chỉ vì cần tiền để làm ăn, phát triển kinh tế nhưng không tìm đến các cơ sở tín dụng được Nhà nước cấp phép nên hậu quả thật nặng nề. Nhà, đất là những tài sản rất giá trị, “một nắng hai sương” dành dụm nhiều thế hệ mới có được, nay sẽ mất trắng. Biết trách ai?