Có những thời điểm chúng ta phải cân nhắc, thậm chí đánh đổi để xây dựng những công trình quy mô lớn, có khi gây cả đột biến hình thái không gian kiến trúc khu vực. Đó là khi bắt đầu thực hiện chính sách mở cửa với các cơ chế đòi hỏi “thoáng nhất” nhằm tạo điều kiện hết mức để đón, nhận luồng, nguồn đầu tư nước ngoài như các công trình Hanoi Tower, Melia Hotel 18 - 20 tầng trong lõi khu phố cũ Hà Nội mà chủ yếu là công trình thấp 2-5 tầng.
Có những khu vực lại cần xây dựng nhanh để góp phần giãn dân, giảm tải mật độ dân cư trong khu vực các quận nội thành cũ, trong đó có nhiều khu vực trước là ngoại vi của Hà Nội cũ nay lại trở thành nằm giữa đô thị Hà Nội mở rộng như Trung Hòa - Nhân Chính. Lại có những khu vực cần nghiên cứu, tạo lập với quy mô lớn để góp phần tạo thị, làm yếu tố kích thích, biến chuyển sự phát triển của cả khu vực hoặc một phía, vùng của đô thị với hình ảnh văn minh, hiện đại như các khu vực đô thị mới Cầu Giấy, Mỹ Đình - Mễ Trì... Đó sẽ là những khu vực được quy hoạch xác định là các điểm hạt nhân, mang yếu tố kích thích, tạo sức sống cho khu vực mới, đồng thời giảm tải cho khu vực nội đô cũ để tăng chất lượng cuộc sống cho khu vực nội đô lịch sử Hà Nội đã được xác định trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội.
Gần đây, một số khu vực xây dựng các Dự án quy mô lớn như các tòa nhà 40 tầng tại Khu đô thị mới Linh Đàm, Royal City, Times City Minh Khai hay gần nhất là các khu vực đầu tư xây dựng trên đất Triển lãm Giảng Võ, Đào Tấn - Liễu Giai... Tuy đáp ứng được nhu cầu đa cấp của xã hội cho mọi đối tượng, chất lượng riêng của mỗi dự án có thể là cao, tính toán dân số có thể không sai hạn mức quy hoạch, tọa nên hình ảnh mật độ và sức sống khu vực nhưng sự liên kết địa bàn với tổng thể chung lại chưa hẳn đã phù hợp với chất lượng chung của cả đô thị, không đồng bộ với hạ tầng (đường vành đai 2 Minh Khai - Láng chưa kết nối toàn tuyến, tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - 47 Cát Linh chưa hoàn thành). Điều đó đã làm ảnh hưởng, giảm chất lượng sống của cư dân khu đô thị mới đó cũng như của cả đô thị chung.
Vì vậy, dù bất kể ở địa điểm nào thì các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của dự án hay công trình cao tầng xây dựng lại phải được xem xét, cân nhắc trong sự kết nối, đảm bảo phù hợp định hướng Quy hoạch chung, không gian tổng thể, thiết kế đô thị và các yếu tố liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, nhất là giao thông (kết nối với các tuyến đường vành đai, xuyên tâm...) và các dịch vụ tiện ích, chức năng khác, hạ tầng (kỹ thuật, xã hội) thì khu vực, đô thị đó mới có chất lượng - sức sống, không làm gia tăng các vấn đề khác của đô thị phải giải quyết như ách tắc giao thông, cạn kiệt nguồn tài nguyên đất.
Để phát triển đô thị bền vững và đầy sức sống văn mình, việc kiểm soát đô thị sẽ vẫn luôn được quan tâm trong sự liên kết địa bàn với tổng thể chung: Mật độ xây dựng phải được tính chung trong mật độ dân cư và tổng thể quy hoạch. Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội vừa qua đã xác định các khu vực vành đai xanh sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đuống, các đô thị sinh thái, đô thị thông minh... cũng là cách để cải tạo vi khí hậu tốt cho khu vực trung tâm đô thị.
Vậy có thể tóm lược nội dung để giải bài toán hài hòa trong cân bằng tiện nghi đô thị với chiều cao và mật độ xây dựng để các khu vực có đầy đủ sức sống là không chỉ xem xét dự án cân đối với hạ tầng (kỹ thuật, xã hội...) của tổng thể quy hoạch khu vực, các mối liên kết địa bàn mà còn ở việc phải xây dựng chương trình phát triển đô thị cụ thể, phân kỳ đầu tư, hoạch định cấp độ để tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng trước, tránh giàn trải, lãng phí. Có như vậy thì việc lựa chọn thời điểm trúng và đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh các chức năng, hoàn thiện từng khu vực mới theo đúng mục tiêu xây dựng Thủ đô “Xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”.
KTS Nguyễn Phú Đức