22/08/2012 7:42 AM
Việc định vị chỗ đến của trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ đã được thống nhất, nhưng hiện vẫn chưa có chỉ đạo rõ ràng việc xử lý quỹ đất bỏ lại.

Theo yêu cầu của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, trước tháng 9/2012, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã có báo cáo gửi Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội, nhưng vấn đề được dư luận quan tâm là quan điểm, phương án xử lý quỹ đất của các trụ sở cũ thì vẫn chưa rõ ràng.

Định vị chỗ đến

Theo báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội về công tác triển khai di dời một số trụ sở các cơ quan, bộ, ngành Trung ương ra ngoài nội đô, thì đến nay đã có 8 trên tổng số 28 cơ quan thực hiện chủ trương di dời, đang xây dựng hoặc đã hoàn thành xây dựng trụ sở mới nằm ngoài nội đô Thành phố.

Đối với các cơ quan đang ở nội đô, có 11 cơ quan được đề xuất di dời do không phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch phân khu được duyệt. Thêm vào đó, cơ sở vật chất cũ đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển và đã được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương.

Theo dự tính của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, tổng quỹ đất để thực hiện bố trí di dời các cơ quan bộ, ngang bộ là khoảng 97,21 ha.

Làm gì với quỹ đất cũ?

Theo báo cáo này, đối với định hướng sử dụng quỹ đất ở nội thành của các bộ sau khi di dời, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chỉ ghi chung chung: “Sẽ được bố trí chức năng sử dụng đất phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (kèm quy định quản lý), quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được duyệt”.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cũng đề nghị, cần ưu tiên đáp ứng nhu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của khu vực, bố trí chức năng công cộng, tiện ích phục vụ đô thị...

Hiện phương án xử lý quỹ đất cũ đang “mạnh ai nấy làm”. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn muốn được tiếp tục sử dụng trụ sở ở đường Nguyễn Chí Thanh cho một số cơ quan hành chính sự nghiệp trực thuộc Bộ đang phải đi thuê trụ sở; Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất thanh lý trụ sở cũ để lấy tiền xây trụ sở mới, Thanh tra Chính phủ xin lại quỹ đất để xây chung cư cho cán bộ, công nhân viên…

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc xử lý trụ sở các bộ cần phải là công việc của Chính phủ, chứ không phải để riêng từng bộ lo.

Còn GS.TSKH Đặng Hùng Võ đã cảnh báo: “Các phương án xử lý những khu đất trụ sở cũ là khác nhau. Song nếu mỗi đơn vị tự đưa ra một ý tưởng xây dựng, một phương án kiến trúc, một cách thức xử lý không gian đô thị riêng thì sẽ phá vỡ quy hoạch của Thủ đô”.

Theo Hữu Tuấn (Báo đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.