14/11/2012 8:39 AM
Dự thảo Luật Thủ đô đang được các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Đa số các ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng một số nội dung trong dự thảo luật cần phải được cân nhắc kỹ. PV Báo Xây dựng đã phỏng vấn KTS Trần Ngọc Chính - Ủy viên Ban chỉ đạo, Chủ nhiệm Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội; Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển Đô thị Việt Nam.

KTS Trần Ngọc Chính

Thưa ông, Dự kiến Luật Thủ đô sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Vậy theo ông việc ban hành Luật Thủ đô vào thời điểm này có phù hợp không?

- Luật Thủ đô là 1 trong những luật rất quan trọng. Chúng ta có 2 đô thị đặc biệt, trong đó Hà Nội không những đặc biệt mà là Thủ đô của cả nước, Hà Nội là đô thị đa chức năng là trung tâm về hành chính trị sự của cả nước, là trung tâm khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, thương mại và giao lưu kinh tế với quốc tế. Cho nên cần phải có 1 Bộ Luật để tạo nên hành lang pháp lý trong quá trình đầu tư xây dựng và phát triển Thủ đô theo đúng hướng. Nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng, các đại biểu rất quan tâm đến Luật Thủ đô, chúng ta đã đưa Luật Thủ đô ra bàn rất nhiều lần nhưng chưa thông qua được. Tôi nghĩ thông qua Luật Thủ đô tại kỳ họp này là một cơ hội rất tốt và phù hợp với phát triển chung của Thủ đô và tiến trình đô thị hóa của Việt Nam. Tôi muốn nói thêm, có Luật Thủ đô là thể hiện sự tôn vinh cho Thủ đô của 1 quốc gia. Hà Nội là của cả nước, và cả nước vì Hà Nội cho nên Hà Nội có được Luật Thủ đô thì sẽ có 1 hành lang pháp lý tốt trong quá trình quản lý và phát triển.

Có đại biểu cho rằng để giảm dân cư, quan trọng nhất là di chuyển trường học, bệnh viện ra ngoại thành, xây dựng giao thông đồng bộ giữa nội thành và ngoại thành để kéo giãn dân thay vì hạn chế như trong dự thảo Luật. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Giãn các trường ĐH, bệnh viện, viện nghiên cứu và các cơ quan công sở ra khỏi khu vực nội thành là 1 trong những giải pháp rất quan trọng. Trong quy hoạch chung Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7/2011 cũng đã đề xuất những giải pháp rất quan trọng đối với việc phát triển Hà Nội. Thủ đô có sức hút rất lớn cho nên xây dựng hạ tầng trong quá trình phát triển đô thị không theo kịp với tốc độ tăng trưởng kinh tế đô thị. Thủ đô Hà Nội có rất nhiều các trường ĐH, rất nhiều bệnh viện và các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến Hà Nội đều nằm trong nội thành, do đó tác động rất lớn đến hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Như chúng ta đã thấy, sự tăng qúa nhanh, quá nhiều của các trường ĐH, bệnh viện nằm trong nội đô đã dẫn đến kẹt xe, phát triển hạ tầng không đồng bộ, thiếu nước sinh hoạt, vấn đề xử lý nước thải… Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu về đô thị đã đề nghị cần phải tạo sự phát triển đồng đều trong Thủ đô cũng như tạo dựng một cơ sở tốt để chúng ta xây dựng các trường ĐH, các bệnh viện, các công sở… Đây là một giải pháp quan trọng và cũng là duy nhất đối với việc tạo nên một sự không nén quá với nội thành. Tôi rất đồng tình với quan điểm này.

Thưa ông, nhiều nội dung trong Luật Thủ đô liên quan đến đô thị. Một số ý kiến cho rằng, nên chăng chờ Luật Đô thị ra đời thì khi đó các quy định của Luật Thủ đô sẽ rõ nét hơn. Cá nhân ông cảm nhận như thế nào về những ý kiến đó?

- Tôi nghĩ rằng Luật Thủ đô thì là một Luật rất đặc thù, đặc biệt chỉ cho Thủ đô. Còn Luật Đô thị đang tiến hành nghiên cứu, soạn thảo là luật chung cho toàn quốc gia. Nếu chờ có Luật Đô thị để xem xét Luật Thủ đô theo tôi không cần thiết. Có thể, thông qua Luật Thủ đô và trên cơ sở đó nghiên cứu Luật Đô thị để các điều khoản của Luật Đô thị phù hợp với Luật Thủ đô.

Do đó, luật nào đi trước thì có giá trị pháp lý đối với xã hội, còn luật nào đi sau thì phải soạn thảo phù hợp với những luật được ban hành. Giữa Luật Đô thị và Luật Thủ đô có mối quan hệ hết sức gắn kết, mỗi điều luật trong Luật Đô thị đều có quan hệ với tất cả đô thị trong đó có đô thị đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Cho nên việc ban hành luật trước, luật sau phải có mối quan hệ với nhau.

Tôi cũng có nhiều lần tham gia những Hội nghị bàn về nội dung của Luật Đô thị cũng như nội dung của Luật Thủ đô. Có nhiều ý kiến cho rằng chỉ làm Luật Đô thị thôi vì trong Luật Đô thị có một chương dành riêng cho Luật Thủ đô. Tôi nghĩ như thế cũng không sai nhưng tôi lại ủng hộ quan điểm nên có Luật Thủ đô riêng.

Tôi nghĩ rằng nếu có Luật Thủ đô, chúng ta tạo dựng cho Thủ đô có cơ hội để phát triển hơn bởi vì Luật riêng sẽ đầy đủ. Nếu để trong Luật Đô thị và chỉ dành 1 chương cũng được nhưng như thế độ tôn vinh và độ quan trọng cũng như hàm ý nói về Hà Nội sẽ không đầy đủ.

Tôi muốn bình luận thêm, nhiều chuyên gia cho rằng đặt ra Luật Thủ đô có vẻ là đặc thù đặc lợi cho Thủ đô quá. Nếu đặt một Luật Thủ đô riêng thì các TP khác như Đà Lạt, Huế cũng có đặc thù, mỗi TP lại đặt cho mình luật riêng thì sao? Cái đó thì Quốc hội và nhân dân xem xét, nhưng tôi nghĩ cả nước có 1 Thủ đô, các đô thị khác cũng có đặc thù riêng nhưng không thể so với Thủ đô được. Chúng ta tôn vinh Thủ đô nhưng quan trọng là xây dựng một bộ luật sao cho hoàn chỉnh nhưng tính dân chủ, tính pháp lý trong Luật cần phải xem xét, bàn luận kỹ chứ không nên là tạo cho Hà Nội một luật riêng mà có 18, 19 cơ chế hết sức đặc thù cho riêng mình. Cần phải xem xét, không nên có những nội dung trong Luật mà chỉ dành riêng cho Luật Thủ đô một cách đặc thù đặc lợi quá.

Vâng, nếu Luật Thủ đô được thông qua thì ông đánh giá như thế nào về sự tác động Luật này với sự phát triển của xã hội đặc biệt là hạ tầng đô thị?

- Nếu Luật Thủ đô được thông qua thì tôi nghĩ đây là cơ hội để cho Hà Nội phát triển. Trước hết là người làm công tác quản lý của TP, họ hết sức vui mừng và cũng đầy trách nhiệm bởi vì Luật Thủ đô ra đời sẽ là 1 gánh nặng làm cho các đồng chí lãnh đạo, những người quản lý Hà Nội thấy trách nhiệm hơn đối với Thủ đô. Luật Thủ đô ra đời chính là điều kiện và là cơ hội tốt để Hà Nội phát triển theo đúng hướng. Hà Nội phát triển thì hạ tầng, trong đó là hạ tầng kỹ thuật, giao thông sẽ tốt lên và sẽ giải quyết tốt các vấn đề như: Ách tắc giao thông, rác thải, ô nhiễm môi trường… và những vấn đề về hạ tầng khác. Luật Thủ đô tạo dựng điều kiện quản lý tốt hơn.

Mặt khác đối với hạ tầng về xã hội thì trường học, bệnh viện rồi các khu vui chơi giải trí… tất cả về các yêu cầu hạ tầng cho Thủ đô cũng sẽ được đáp ứng. Còn các trường ĐH, bệnh viện, công sở… như tôi nói lúc nãy cần phải làm theo các quy hoạch được phê duyệt. Có Luật Thủ đô sẽ phát triển về quy hoạch nhanh hơn, có sự phát triển về hạ tầng tốt hơn và những vấn đề khác tạo nên cho người dân cuộc sống đô thị hay nói cách khác là nhận thức của người dân đối với Hà Nội thông qua Luật về Thủ đô cũng có trách nhiệm hơn. Chính vì vậy sẽ nâng cao nhận thức của người dân đối với Thủ đô. Như thế thủ đô sẽ có cơ hội phát triển và những nhà quản lý hoạch định chiến lược cho Thủ đô cũng đầy trách nhiệm và họ cũng phải cố gắng hơn nhiều khi mà Luật Thủ đô được ban hành. Tôi mong muốn Luật Thủ đô sẽ được Quốc hội ban hành sớm.

Trân trọng cám ơn ông!

Theo Hà Hiền (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.