Dự thảo luật Quy hoạch đã 1 lần phải rút khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa 13 do các bộ không tìm được tiếng nói chung.
Ảnh minh họa.
Nay, khi trình trở lại, tại phiên họp hôm 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục yêu cầu phải làm lại, do còn quá nhiều điểm “vênh” nhau giữa cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ KH-ĐT với cơ quan quản lý chuyên ngành là Bộ Xây dựng.
Quy hoạch xây dựng phải có tính liên thông
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ sau phiên họp Thường vụ Quốc hội hôm 18.3, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng quy hoạch xây dựng (QHXD) có tính liên thông, thống nhất giữa các cấp độ khác nhau (QHXD vùng, QHXD đô thị, QHXD nông thôn và QHXD khu chức năng đặc thù). QHXD là công cụ pháp lý, công cụ quản lý nhà nước cơ bản để kiểm soát quá trình phát triển, quá trình xây dựng đô thị và nông thôn theo quy hoạch và có kế hoạch.
Tuy nhiên, trong dự thảo luật Quy hoạch, các quy định về lĩnh vực QHXD chưa được quy định rõ và còn thiếu. Cụ thể, không quy định về QHXD trong hệ thống quy hoạch tại VN mà chỉ được nêu, xác định bằng quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là chưa đầy đủ.
“Việc tổ chức lập, hình thành một bản quy hoạch tổng thể trong thời điểm hiện nay là chưa khả thi vì không dễ dàng thực hiện đồng loạt, tất cả các nội dung lĩnh vực trong cùng một thời gian. Do đó, dẫn đến thời gian để hoàn thành việc lập một bản quy hoạch sẽ kéo dài hoặc chất lượng nội dung của quy hoạch không đảm bảo các yêu cầu về mặt kỹ thuật đặc thù của từng ngành, đặc biệt là đối với QHXD.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, ngay trong việc tổ chức lập QHXD, chỉ khi nào các nội dung nghiên cứu, đề xuất về không gian, kiến trúc cảnh quan cơ bản ổn định thì việc nghiên cứu, đề xuất về các nội dung hạ tầng kỹ thuật và môi trường mới đủ điều kiện để tiến hành”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhìn nhận.
Cẩn trọng khi tích hợp
Kiến trúc sư (KTS) Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, phân tích: Dự luật Quy hoạch còn rất nhiều vấn đề không ổn, nếu theo dự thảo sẽ vướng rất nhiều các luật khác dẫn đến giậm chân tại chỗ. Đặc biệt là về công tác quy hoạch, QHXD vùng, QHXD nông thôn sẽ ảnh hưởng rất lớn. Rất nhiều bộ luật khác phải điều chỉnh, phải thay đổi. Nếu chúng ta làm không đến nơi đến chốn thì rõ ràng sẽ giẫm chân nhau, ảnh hưởng đến quá trình quản lý xã hội thông qua các luật.
“Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, dự thảo luật Quy hoạch ảnh hưởng đến 32 luật, nhiều nghị định. Nhưng theo nghiên cứu của tôi, dự thảo này ảnh hưởng đến khoảng 70 luật và 85 nghị định. Nếu mà như thế thì luật nào cũng bị ảnh hưởng, tôi chỉ nói đến phạm vi điều chỉnh đã không ổn rồi”, KTS Trần Ngọc Chính nói.
Cũng theo KTS Trần Ngọc Chính, dự thảo luật quy hoạch lấy QHXD vùng tích hợp với quy hoạch kinh tế xã hội, sẽ rất khó thực hiện. Đơn giản như đồ án xây dựng vùng thủ đô Hà Nội phải mất 2 - 3 năm, có chuyên gia quốc tế mới làm được. Nếu tích hợp vào QHXD như dự thảo luật Quy hoạch thì làm 7 - 8 năm chưa chắc đã xong, phản biện, thẩm định cũng rất khó. Đơn giản như ai làm chủ nhiệm đồ án? “Chúng ta chưa đào tạo ai là người đứng ra để làm quy hoạch tích hợp như luật này.
Như vậy, người làm đã khó khăn, rồi làm cũng khó khăn, cuối cùng kéo dài ra. Tích hợp vào không biết khi nào chúng ta có quy hoạch. Để tích hợp vào đồ án chung cần rất nhiều chuyên gia, trong khi người đứng đầu đồ án dạng tích hợp này lại chưa được đào tạo, rồi phê duyệt cũng khó, tổ chức thực hiện rất dài. Nếu luật Quy hoạch không nhìn nhận thực tế khách quan của bao nhiêu năm qua, mà cái gì cũng ôm vào thì chúng ta sẽ trả giá, rất khó khăn. Đưa ra luật mà để khó khăn ra thì có nên không?”, KTS Trần Ngọc Chính nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thẳng thắn cho rằng: “Nếu giải thích tích hợp là đồ án Bộ Xây dựng làm rồi đưa sang Bộ KH-ĐT thẩm định thì không ổn. Bản chất đồ án được làm thế nào, được đi vào cuộc sống hay không, tác động thế nào đến người dân chứ không phải quy hoạch ấy chưa được tích hợp, bây giờ phải đưa Bộ KH-ĐT thẩm định hoặc phê duyệt lại. Trong dự thảo luật Quy hoạch không có điều khoản nào giải thích về tích hợp”.
Bà Đào Tú Lan, nguyên Phó viện trưởng Viện Quy hoạch phát triển đô thị nông thôn, cho rằng: “Việc đưa ra một quy hoạch tích hợp cũng có thể là hợp lý để đạt mục tiêu đồng bộ. Nhưng việc ghép tất cả các bản quy hoạch thiết kế cho một vùng hay một tỉnh với đầy đủ nội dung cần thiết như hiện nay vào một bản vẽ là không thể, hoặc chỉ có thể có rất sơ sài như vậy dẫn đến tình trạng quy hoạch không dùng được. Có thể dẫn đến quy hoạch như một “nồi lẩu thập cẩm”.
Bà Lan nhận xét: Dự thảo luật Quy hoạch đang được xây dựng chưa có thực nghiệm, chưa lường hết được những hệ quả của việc áp dụng theo dạng thức như dự thảo luật đã nêu. “Việc đưa ra một luật chưa có chứng minh đầy đủ khoa học và thực tiễn có thể dẫn đến những hệ quả khôn lường. Do đó nên có đề án thí điểm trước khi ban hành luật”, bà Lan nói.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đề xuất phương án chỉnh sửa cụ thể trong dự thảo luật Quy hoạch: Chỉnh sửa khoản 4 điều 12 (về hệ thống quy hoạch) thành“QHXD gồm QHXD vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và QHXD khu chức năng đặc thù”; Chỉnh sửa khoản 6 điều 13 (về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch): QHXD phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Việc lập, thẩm định, phê duyệt QHXD thực hiện theo quy định pháp luật về xây dựng và quy hoạch đô thị”.
Lê Quân (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.