Luật Đất đai sửa đổi cũng được hy vọng sẽ giải quyết những tồn tại trong thu hồi đất, bồi thường và tái định cư.

Luật đất đai sửa đổi năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Vấn đề đặt ra là khi thực thi Luật này, liệu có xảy ra tình trạng Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư hướng dẫn như những năm qua hay không? Hoạt động thuê đất, giao đất, đền bù giải phóng mặt bằng có những thay đổi gì so với trước?

Chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang sẽ giải đáp những thắc mắc của người dân xoay quanh vấn đề trên.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang (Ảnh: KT)

PV: Thưa ông, nhiều chủ dự án ở các tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Long An có thắc mắc là hồ sơ đăng ký thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất của họ đã bị dừng lại nhiều tháng nay để chờ hướng dẫn thực thi Luật Đất đai sửa đổi. Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ về quản lý đất đai, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp gì để Luật đi vào cuộc sống?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Để chuẩn bị triển khai thi hành luật, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ trình ra Chỉ thị, trong đó giao cho các Bộ ngành địa phương các công việc để triển khai. Thứ hai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác phổ biến pháp luật làm thế nào để người dân và doanh nghiệp hiểu và thực hiện tốt Luật này. Đồng thời, phối hợp với các Bộ ngành liên quan để xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành hướng dẫn 5 Nghị định, 2 Nghị định còn lại sẽ có hướng dẫn sau vì liên quan đến Nghị định xử lý vi phạm hành chính và Nghị định về khung giá. Về Thông tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao soạn thảo 10 Thông tư , về cơ bản đã được hoàn thành và sẽ được ban hành trong thời gian tới.

Luật Đất đai sửa đổi được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề chậm trễ trong thu hồi đất, bồi thường,... (Ảnh: KT)

PV: Một trong những vấn đề được người dân hết sức quan tâm là vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Thưa ông, ông có nêu rõ những thay đổi trong quy định về thu hồi đất, cũng như là đền bù giải phóng mặt bằng?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Luật Đất đai sửa đổi lần này kế thừa các quy định phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của người dân và doanh nghiệp, đồng thời giải quyết những tồn tại trong thu hồi đất, bồi thường và tái định cư.

Luật Đất đai sửa đổi có nhiều thay đổi so với Luật cũ, song vẫn bao gồm một số điều cơ bản sau: Thứ nhất, Luật quy định về những quy định Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh quy định tại Điều 61 của Luật hoặc thu hồi đất vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng tại Điều 62 và thu hẹp hơn đối tượng thu hồi khắc phục tình trạng thu hồi đất tràn lan trong thời gian vừa qua.

Thứ hai là quy định cụ thể về điều kiện bồi thường về đất, chi phí đầu tư, bồi thường tài sản gắn liền với đất hỗ trợ cho từng đối tượng từng loại đất cụ thể, tách bạch các khoản bồi thường và hỗ trợ.

Thứ ba là áp dụng giá đất cụ thể do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo quy định bồi thường, tất nhiên có sự tham gia của các bên tư vấn sẽ đảm bảo tính khách quan hơn.

Thứ tư là quan tâm đến việc tái định cư. Luật quy định việc tái định cư phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền.

PV: Giá đất là một trong những nội dung mà cử tri và nhân dân hết sức quan tâm. Nhiều hộ dân ở thành phố Hồ Chí Minh phản ánh, Uỷ ban Nhân dân Quận vừa ra quyết định thu hồi đất, vừa xác định giá đất liệu có đảm bảo tính khách quan không khi giá đền bù quá thấp so với giá thị trường? Đề nghị Bộ trưởng lý giải kỹ vấn đề này trong Luật đất đai năm 2013?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Việc Ủy ban Nhân dân Quận vừa ra quyết định thu hồi đất, vừa xác định giá đất là chưa đúng với quy trình, hơn nữa giá đất là nội dung quan trọng về quản lý sử dụng đất đai. Do đó, Luật Đất đai sửa đổi lần này đã quy định rõ hơn về cách định lượng giá đất để sát với giá thị trường, khung giá, bảng giá được xây dựng định kỳ 5 năm 1 lần.

Luật Đất đai sửa đổi cũng quy định cách sử dụng bảng giá đất cụ thể, riêng phần bồi thường cũng áp dụng giá cụ thể do Ủy ban Nhân dân quyết định nhưng phải dựa trên cơ sở bảng giá, vì bảng giá lần này được quy định trên khung giá sát với giá thị trường.

PV: Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may băn khoăn: “Nguồn nhân lực của ngành dệt may ở các thành phố lớn hiện đang rất khan hiếm, nhiều doanh nghiệp phải tính đến việc đưa nhà máy về các vùng nông thôn nơi có sẵn nguồn nhân lực. Tuy nhiên, việc đền bù giải phóng mặt bằng lại gặp khó khăn hơn nhiều do Luật Đất đai sửa đổi quy định chủ đầu tư phải tự thỏa thuận với người dân để chuyển quyền sử dụng đất.” Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Về mặt thu hồi đất, Nhà nước không thể làm dễ dãi như thời gian trước đây được, đây là một bài học chúng ta phải khắc phục. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ được an tâm do Luật Đất đai sửa đổi quy định rõ cơ chế về đất sạch để các nhà đầu tư tham gia đấu thầu với thủ tục đơn giản hơn. Luật cũng quy định nhận chuyển nhượng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, và thuê quyền sử dụng đất của người sử dụng đất có mặt bằng để thực hiện dự án.

Hiện nay cả nước có 102.000 ha đất ở trong các Khu công nghiệp nhưng chỉ mới được lấp đầy 60%, và trong quy hoạch đến năm 2020 chúng ta còn khoảng 200.000 ha nữa; đây là cơ hội để các nhà đầu tư tiến hành các dự án.

PV: Lãng phí trong các hoạt động đầu tư, lãng phí đất đai đang là vấn đề được cử tri cả nước quan tâm. Vậy, vấn đề này sẽ được giải quyết thế nào? Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có các giải pháp gì để xử lý vấn đề này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị nhằm đôn đốc tiến hành việc kiểm tra thu hồi xử lý đối với các Dự án chậm đưa vào sử dụng, kết quả cả nước đã thu hồi xử lý gần 20.000 ha. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn rất khiêm tốn vì diện tích cần thu hồi do chậm tiến độ khá lớn. Nguyên nhân là một số địa phương làm chưa kiên quyết vì sợ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Ngoài ra, trong quá trình xử lý bị vướng mắc ở khâu tính toán giá trị đất khiến ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Để khắc phục tình trạng trên, Luật Đất đai sửa đổi đã có một chế tài mạnh buộc các nhà đầu tư trong quá trình xem xét thuê đất rất cụ thể: Nếu các nhà đầu tư chậm tiến độ so với quy định là 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp khoản tiền tương ứng tiền thuê đất trong thời hạn đó. Nếu hết 24 tháng cho phép, nhà đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, Nhà nước sẽ thu hồi đất. Luật Đất đai sửa đổi cũng đưa ra các quy định ngăn ngừa phát sinh chậm đưa đất vào sử dụng và quy định các điều kiện để các doanh nghiệp giao và thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư, để các nhà đầu tư có trách nhiệm. Đồng thời, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra để tránh vi phạm.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

PV (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.