Phải bình đẳng giữa các chủ thể sử dụng
Quyền
sử dụng đất là một thứ quyền tài sản nên đó là hàng hóa, dù là hàng hóa
đặc biệt, phải được tự do trao đổi trên thị trường theo pháp luật. Vì
thế, bất kỳ ai, kể cả Nhà nước, không có quyền “thu hồi đất” của người
dân vì bất cứ mục đích nào mà phải mua quyền sử dụng đất.
Khu Công nghiệp Hưng Phú 2B, quận Cái Răng - TP Cần Thơ được quy hoạch trên đất ruộng vườn của người dân,
sau nhiều năm triển khai nay vẫn giẫm chân tại chỗ. Ảnh: CA LINH
Tại sao đất đai cho
nhà đầu tư thuê để xây dựng khu công nghiệp hay sân golf, đến khi Nhà
nước cần để xây dựng đường sá thì phải thương lượng mua lại quyền sử
dụng đất của chủ đầu tư theo giá thị trường, còn đối với nông dân thì
lại “thu hồi đất nông nghiệp” của họ và áp đặt “giá đền bù” sát giá thị
trường mà không phải là mua theo giá thị trường?
Mặt
khác, vì là hàng hóa nên giá đất do Nhà nước quy định chỉ có ý nghĩa
làm cơ sở để tính thuế thổ trạch, thuế trước bạ. Giá đất do Nhà nước quy
định nhất thiết không thể là cơ sở để Nhà nước cấp kinh phí cho các tổ
chức công có nhu cầu tăng quy mô sử dụng đất đai vì với mức giá đó, các
tổ chức này không thể mua được quyền sử dụng đất của người dân.
Luật
pháp không được phân biệt đối xử giữa các chủ thể (cá nhân và tổ chức)
trong cùng một hành vi. Cùng sử dụng đất nông nghiệp nhưng tại sao hộ
nông dân bị hạn điền khi giao đất và khi nhận chuyển nhượng quyền sử
dụng đất, còn tổ chức thì không? Các doanh nghiệp chỉ cần lập dự án
trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nếu xét thấy khả thi, Nhà nước có thể
cho họ thuê, giao quyền sử dụng đất với diện tích hàng ngàn hecta.
Đó
là điều phi lý. Một cặp vợ chồng được tính là 1 hộ gia đình thì chỉ
được nhận chuyển quyền sử dụng đất tối đa 2 ha ở đồng bằng sông Hồng
nhưng nếu họ lập công ty TNHH thì không bị hạn điền 2 ha mà có thể có cả
trăm, cả ngàn hecta trong trường hợp dự án đầu tư của họ được cấp có
thẩm quyền phê duyệt.
Xem lại quy định về “tích tụ”, “trực canh”…
Đặc
biệt, Nhà nước phải quản lý chặt chẽ đất lâm nghiệp, trước hết là đất
rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vườn quốc gia để bảo đảm
môi trường sống của cả dân tộc. Không ai có quyền phá rừng, chuyển đất
rừng sang các loại đất khác như khai mỏ, xây dựng khu công nghiệp, dẫn
đến hủy hoại môi trường sinh thái.
Bên
cạnh đó, Nhà nước quản lý chặt chẽ đất “bờ xôi ruộng mật” đang trồng
lúa nước có hiệu quả để bảo đảm an ninh lương thực. Nhưng dù sao, giả sử
không có gạo thì còn có thể nhập khẩu, có thể ăn bánh mì, mì sợi thay
cơm nhưng không còn môi trường sống do phá rừng thì nguy hiểm vô cùng.
Đối
với các loại đất nông nghiệp khác, người sử dụng có quyền tự do chuyển
đổi loại cây trồng, vật nuôi theo yêu cầu của thị trường và luật bảo vệ
của môi trường sinh thái như tất cả các chủ thể khác trong xã hội. Do
đó, không cần có quy định “chỉ cho tích tụ ruộng đất để sản xuất nông
nghiệp”. Thử hỏi, xây dựng khu công nghiệp, sân golf không phải là tích
tụ ruộng đất hay sao?
Luật
không thể quy định chỉ giao đất nông nghiệp cho người “trực canh”,
trong khi đó luật lại quy định người có chủ quyền sử dụng đất có quyền
cho người khác thuê lại ruộng đất của mình. Khi đó, người có quyền sử
dụng đất không còn là người trực canh nữa.
Hơn
nữa, thế nào là “trực canh”? Chủ trang trại đầu tư vốn phát triển sản
xuất nông nghiệp phải lao động trí óc căng thẳng để quản lý kinh doanh
thì mới đạt hiệu quả, họ không thể và không cần đích thân đi cày bừa,
gieo sạ, cạo mủ cao su, cho gia súc ăn… Vậy họ có “trực canh” hay không?
Quy định về hạn điền phải có mục đích
Muốn
đặt quy định hạn điền hay hạn chế thời gian sử dụng đất, phải trả lời
được câu hỏi “để làm gì?” và “vì sao?”. Nếu để hạn chế tình trạng nông
dân mất kế sinh nhai thì tại sao khi các chủ đầu tư xây dựng các khu
công nghiệp, sân golf… lấy đi hàng ngàn hecta đất nông nghiệp “bờ xôi
ruộng mật” người ta lại không sợ những điều trên xảy ra?
Thực
tế cho thấy nếu nông dân bán quyền sử dụng đất nông nghiệp cho những
nhà đầu tư kinh doanh nông nghiệp thì họ còn có cơ may kiếm việc làm hơn
khi họ bị thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp, sân golf. Bởi các
nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ thuê hay khoán lại cho chính những hộ nông
dân ấy sản xuất trên mảnh đất trước đây thuộc về họ. Còn muốn kiếm việc ở
khu công nghiệp hay sân golf, nông dân phải là người trẻ, khỏe, có tay
nghề với trình độ thích hợp.
Năm
2013, thời hạn 20 năm có “quyền sử dụng đất” của đại đa số nông dân sẽ
hết. Điều gì sẽ xảy ra nếu không sửa “thời hạn” và cả “hạn điền”?
Hạn
điền 3 ha là cấp đất không thu tiền, còn chứng nhận việc sang nhượng,
mua sắm mà cũng hạn điền là không lên sản xuất lớn, không cạnh tranh.
Nông dân Sáu Đức ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn - An Giang phải nhờ
người đứng tên giùm để mua lại cả trăm hecta sản xuất theo mô hình trang
trại. Vậy ai dám chắc là sẽ không có chuyện lôi thôi giữa những người
đứng tên giùm với Sáu Đức? Bởi vì thực tế đã từng xảy ra rồi. Còn quy
định thời gian (20 năm) và cả 4 cấp chính quyền đều có quyền về đất như
hiện nay là kẽ hở cho tham nhũng.
Thừa kế trang trại: Không được chia nhỏ Luật
Đất đai nên có quy định việc thừa kế không được chia nhỏ trang trại.
Chỉ có người thừa kế có năng lực quản lý nông nghiệp mới là thành viên
hợp danh có quyền quản lý kinh doanh trang trại, còn những người thừa kế
khác chỉ là thành viên góp vốn (không có quyền quản lý) của trang trại
hợp danh vừa thoát thai từ trang trại gia đình hoặc trang trại cá nhân
của người chủ vừa qua đời hay tự nguyện từ bỏ quyền làm chủ và quản lý
trang trại của mình. Trang
trại là một đơn vị sản xuất nông nghiệp tự chủ, không thể quy định đơn
vị sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, ví dụ 3 ha hay 100 triệu đồng
doanh thu/năm mới là trang trại. Định lượng rồi mới định tính là phương
pháp tư duy sai lầm. V.T.Khải |