22/02/2012 1:40 AM
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 của nước ta chỉ rõ đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Như vậy, chỉ còn chưa đến 8 năm cho giai đoạn vượt thoát, đây là khoảng thời gian được xem khá ngắn để có thể xây dựng một cơ sở đất đai vững vàng cho thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Điều này càng tạo áp lực lên Luật Đất đai sửa đổi lần này.

Không thể như 10 năm trước

Theo một số chuyên gia về đất đai, thời điểm hiện tại đã khác xa thời điểm 10 năm trước, chúng ta không còn nhiều thời gian để sửa Luật Đất đai theo kiểu “thử nghiệm” các chính sách rồi rút ra bài học.

Chính vì vậy cần phải có một tư duy mới để đón đầu thời kỳ mới. Trên thực tế, Luật Đất đai 1993 và Luật Đất đai sửa đổi 2003 vì nhiều lý do đều chưa chuyển tải hết tư tưởng của Nghị quyết 26, đã dẫn đến những bất cập, lỗ hổng lớn trong quá trình thực thi.

Trải qua giai đoạn 4 năm chuẩn bị cho lần sửa đổi Luật Đất đai lần này (2008-2012), với nhiều lần hội thảo đóng góp ý kiến, những vấn đề nóng bỏng, gai góc và bức xúc nhất vẫn còn nằm nguyên trên giấy. Nếu không giải quyết dứt điểm những khúc mắc này, việc sửa Luật sẽ không có nhiều tác dụng - ngoài chỉnh trang câu chữ - và viễn cảnh về những tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, lãng phí đất đai… vẫn sẽ tiếp diễn.

Những kỳ vọng của xã hội về Luật Đất đai sửa đổi 2013 phải trên nguyên tắc một cơ chế quản trị tốt: minh bạch, có sự tham gia của cộng đồng, giải quyết tận gốc những bất cập.

Nếu chúng ta đặt mục tiêu hoàn thiện chính sách, cơ sở đất đai cho một nước công nghiệp phát triển, chắc chắn phải khác bây giờ. Nếu không, 10 năm nữa chúng ta lại tiếp tục tranh cãi về việc sửa luật. Đất đai là tài sản đặc biệt, đã đến lúc phải chuyển hình thức quản lý từ phân bổ tài nguyên sang quản lý kinh doanh tài sản. Khi nói đến kinh doanh tài sản phải nói đến giá trị, giá cả, vốn… từ đó có những chính sách đền bù, thu hồi hợp l ý, không thiệt thòi cho người dân.

GS. TÔN GIA HUYÊN ,
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất

Theo GS. Tôn Gia Huyên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất, để các văn bản luật và dưới luật có tác dụng, trước hết cần có sự thống nhất, đồng thuận và đúng định hướng với thực tế.

Theo đó, muốn sửa Luật Đất đai hiện nay trước hết phải nghiên cứu và sửa đổi những quy định chung trên cơ sở văn bản luật cao nhất: Hiến pháp về những vấn đề liên quan đến đất đai và quyền sở hữu đất đai để hợp lý hơn, gần hơn với thực tế đời sống và thống nhất với nhau.

TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng muốn sửa đổi thấu đáo Luật Đất đai, cần rà soát lại các văn bản pháp luật liên quan, tránh tình trạng phân tán, chồng chéo, trùng lắp và mâu thuẫn trong các nghị định, thông tư của các bộ, ngành và văn bản pháp quy của các địa phương như hiện nay.

Trong 8 vấn đề được đưa ra sửa đổi, ngoài vấn đề sở hữu, nhiều nhà khoa học kiến nghị cần có sự thay đổi về chính sách hai giá đang gây nhiều phiền phức tới thị trường BĐS.

Theo đó, phải có chính sách định giá thật tiến bộ, độc lập cùng với sự hỗ trợ chặt chẽ của chính sách về thuế. Trên thực tế, TPHCM đã áp dụng một cơ chế tiến bộ trong định giá đất từ 5 năm trước bằng việc đưa ra nghị quyết phải trưng cầu dịch vụ định giá độc lập, sau đó các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới thẩm định và quyết định.

Tuy nhiên, cho đến nay, biện pháp này chưa được áp dụng ở các tỉnh, thành khác, nên thế nào là “giá thị trường” vẫn chưa có câu trả lời chính xác.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, chúng ta có thể áp dụng kinh nghiệm của nước Pháp cho Nhà nước quyền mua trước. Nghĩa là khi người dân chuyển nhượng cho nhau phải thông qua cơ quan thẩm định nhà nước. Nếu cơ quan này thấy giá quá thấp, không phù hợp, Nhà nước sẽ được quyền mua lại theo giá ghi trên hợp đồng.

Hoặc có thể đưa giá đền bù cùng với giá thị trường nhưng sẽ đánh thuế cao. Để tiến hành “cuộc cách mạng giải phẫu” tình trạng sử dụng đất đai hiện nay cần có phương án thật căn bản nhưng đơn giản, công bằng và đúng quy luật, đúng định hướng. Lúc đó sẽ có các văn bản pháp luật đồng thuận và việc thực hiện sẽ đơn giản hơn nhiều.

Xem xét lại hệ thống cán bộ

Cùng với tiến trình sửa đổi Luật Đất đai 2003, việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ được coi là “yếu huyệt” cần phải giải quyết. Thực tế cho thấy, dù luật còn nhiều bất cập, vấn đề thực thi pháp luật hiện nay vẫn nặng nề hơn những khiếm khuyết của luật. Việc chính quyền địa phương tìm cách lách luận, làm trái luật hoặc lạm quyền, mà điển hình là vụ việc ở Tiên Lãng, không phải hiếm.

Những lợi ích đất đai mang lại khiến lĩnh vực này luôn có tỷ lệ tham nhũng cao, khiếu kiện nhiều và số lượng cán bộ vi phạm cũng rất đông. Đã có rất nhiều cán bộ, thậm chí cán bộ lãnh đạo cấp cao phụ trách ngành tài nguyên - môi trường bị bắt về những sai phạm liên quan đến đất đai.

Luật Đất đai 2003 (kỳ3): Phải chặt chẽ, rõ ràng
Một góc Khu đô thị mới Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: LÃ ANH

Quay trở lại với Luật Đất đai 2003, đã có nhiều câu hỏi đặt ra rằng tại sao một bộ luật với hơn 400 văn bản đi kèm vẫn không thể xử lý hết các vấn đề về đất đai?

Đợt kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai ở các địa phương do Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức trước đây đã chỉ ra một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng khiếu kiện đất đai phức tạp: trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ ngành tài nguyên - môi trường quá yếu.

“Không phải Luật Đất đai điều tiết không được, nhưng khi về địa phương, người ta tìm đủ mọi cách để hiểu khác đi, tìm đủ mọi kẽ hở để lách. Do đó nếu sửa luật, trước hết phải sửa về tổ chức cán bộ, không chấn chỉnh gấp điều này, chính sách hay mấy cũng hỏng”- GS. Tôn Gia Huyên lý giải.

Cũng theo GS. Huyên, việc quản lý cán bộ trong lĩnh vực đất đai khi phân cấp của chúng ta đang gặp nhiều vấn đề. Ông nói: “Đáng lẽ xe chạy càng nhanh thì bộ hãm phải càng tốt, càng phân cấp càng phải giám sát chặt, bộ máy giám sát phải tăng lên, trách nhiệm của người quản lý phải lớn. Thanh tra nhà nước, hệ thống tư pháp phải mạnh, hệ thống tòa án, tố tụng phải tăng cường. Vụ Tiên Lãng thể hiện những lỗ hổng hệ thống mà Nhà nước cần xem xét kỹ”.

Nhiều nhà khoa học cũng đã đề xuất đưa vấn đề quản lý cán bộ vào trong Luật Đất đai (phần chế độ quản lý) và ràng buộc bằng những quy định nghiêm ngặt. Hoặc phải có một Nghị định về vấn đề này; đồng thời tăng cường hệ thống quản lý, giám sát, thanh tra. Bởi lẽ nếu cán bộ không tốt thì chính sách luật đưa ra sẽ không có tác dụng.

Theo SGĐTTC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.