Rất nhiều cụ già khi được hỏi, đều nói muốn giữ nhà cổ, làng cổ và những nếp sống bình yên, nhưng con cái họ thì ngược lại. Những ngôi làng nổi tiếng của Hà Nội như Đường Lâm, Cự Đà, Tả Thanh Oai, Tây Mỗ… rơi vào tình trạng nửa phố nửa quê. Khi làng hóa phố, có nghĩa là mọi sinh hoạt sẽ thay đổi, kể cả cách nghĩ, cách con người sống với nhau cũng khác...
 Đô thị hóa ở Tả Thanh Oai
Đô thị hóa ở Tả Thanh Oai

Khi làng hóa phố

Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) đã thay da đổi thịt nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Khoảng 6 năm lại đây, nhiều ngôi nhà cao tầng sơn xanh sơn đỏ mọc lên, xen lẫn những nếp nhà còn loang lổ rêu phong. Đặc biệt, xóm Cầu Bươu án ngữ ngay đầu xã đã trở thành xóm dịch vụ với muôn hình muôn vẻ, cũng có nhà nghỉ, nhà hàng, quán bi-da…, phương tiện chen chúc tắc đường, bụi bặm. Không còn một dấu tích gì của làng xã nữa, mà đã bị “phố hóa”.

Dọc con đường chính ven sông dẫn vào trung tâm xã khá dài, khách đến dễ bị ngộp thở bởi nhiều con ngõ hình xương cá, sâu hun hút lô xô các quán cà phê, các salon chăm sóc sắc đẹp, những tấm biển quảng cáo rực rỡ... Nhiều người cho biết, dân Tả Thanh Oai bán đất nên có tiền xây nhà cao, nhà nọ đua nhà kia, chẳng có một kiến trúc quy chuẩn nào. Thêm nữa, với áp lực dân số, đất đai sẽ thu hẹp, mô hình nhà ống tầng cao là một tất yếu.

Ông Nguyễn Xuân Mai, cán bộ văn hóa xã Tả Thanh Oai cho biết: “Theo xu thế chung của thời đại mới, dân số tăng nên địa phương cũng phát triển nhà cao tầng, nhiều hộ đất không rộng nhưng có đến năm con nên phải chia ra vài khoảnh, mỗi con lại dựng lên ở đó một cái nhà hộp”.

Ngay bên kia sông, đối diện Tả Thanh Oai là làng Cự Đà, xã Cự Khê, thuộc huyện Thanh Oai - Một ngôi làng có nghề làm tương truyền thống qua 300 - 400 năm. Chục năm về trước, khi đến đây tôi thấy một Cự Đà u tịch, với mái ngói thâm nâu trên những ngôi nhà đã hàng trăm năm tuổi. Nhưng giờ, trước tốc độ đô thi hóa nên dù nhiều người muốn giữ nếp nhà cổ, cũng phải nhắm mắt “đập cũ xây mới”.

Cự Đà bây giờ trở thành đại công trường xây dựng, tấp nập những quán hàng mới mở phục vụ nhu cầu của nhân dân. Dịch vụ tư vấn nhà đất cũng xuất hiện, các quán internet mọc lên. Nhiều ngôi nhà cổ trên dưới 300 năm tuổi lặng lẽ bị dìm chết bởi thời gian, hoặc bị bỏ rơi. Chẳng bao lâu nữa, những chiếc còn lại sẽ bị đốn ngã, xóa sổ để dựng xây những ngôi nhà đời mới.

Ông Nguyễn Hữu Hòa vẫn giữ nguyên được nếp nhà xưa, quyết không để con cái phá dỡ, tâm sự: “Tôi thấy không thể phá nhà cũ được. Nhưng chẳng biết khi tôi chết đi, con tôi có giữ không. Nghĩ mà buồn lắm chứ. Làng tôi giờ, nhiều ngôi nhà theo kiến trúc Pháp độc đáo đã bị bỏ phế, xuống cấp nặng vì người dân không có tiền tu sửa, phần do dân buôn bán phát đạt tự đập đi xây mới cho hợp thời thượng. Khó tránh được cảnh không gian này bị phá vỡ”.

Nỗi buồn không của riêng ai

Rất nhiều cụ già khi được hỏi, đều nói muốn giữ nhà cổ, làng cổ và những nếp sống bình yên, nhưng con cái họ thì ngược lại. Khi làng hóa phố, có nghĩa là mọi sinh hoạt sẽ thay đổi, kể cả cách nghĩ, cách con người sống với nhau cũng khác.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng công an xã Tả Thanh Oai cho biết: “Sự thay đổi của nếp sống, của làng quê theo chiều hướng tiêu cực là nỗi lo không của riêng ai. Xưa Tả Thanh Oai thuộc vùng sâu vùng xa, những năm gần đây tốc đô thị hóa nhanh, bà con chuyển sang buôn bán, kinh doanh nhiều. Đời sống nhìn chung phát triển hơn, lại có trường cao đẳng trên địa bàn, có sinh viên thuê trọ.

Tuy nhiên, cũng kéo theo đời sống có nhiều phức tạp, công an xã phải cố gắng để ổn định tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để xảy ra trọng án”.

Còn ông Vũ Văn Thắng (làng Cự Đà) thì ái ngại: “Sống trong ngôi nhà cổ mà mình gắn bó nhiều năm, nếu chứng kiến cảnh đập đổ nó thì còn gì buồn bằng. Nhưng nhà của tôi đã xuống cấp lắm rồi, các cửa kính trong nhà đã vỡ hết. Cửa sổ bị xây bịt kín bằng vôi vữa.

Trần nhà mục nát thi thoảng lại cả đống vữa trộn rơm rơi ụp xuống nền nhà. Sống mà lo, chúng tôi chỉ sợ cả trần nó đổ xuống. Xây mới cũng chưa có tiền mà sửa chữa như kiểu cổ cũng chẳng kham được. Và nếu mất nhà cổ, làng cổ, sự lộn xộn đổ về thì càng xót xa, lo lắng hơn”.

Theo Sơn Bình (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.