22/07/2014 8:31 PM
Hiện cả nước có 8.955 dự án quy hoạch thuộc mọi lĩnh vực, từ cấp trung ương tới địa phương, với kinh phí hơn 6.720 tỷ đồng. Theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt, tới năm 2020, cả nước sẽ có 19.285 quy hoạch được lập, với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng.

Ông Vũ Quang Các - Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết, công tác quy hoạch còn rất nhiều tồn tại. Số lượng quy hoạch lập quá nhiều và ngày càng gia tăng, nhưng không đồng bộ. Điển hình là quy hoạch tổng thể vùng Đông Nam bộ (quy hoạch cấp cao) được phê duyệt theo Quyết định số 943/QĐ-TTg ngày 20/7/2013, trong khi đó, quy hoạch tổng thể tỉnh Tây Ninh (quy hoạch cấp thấp) lại được phê duyệt trước đó tại Quyết định 2044/QĐ- TTg vào ngày 9/11/2010. Theo quy định, quy hoạch tỉnh phải căn cứ vào quy hoạch vùng và các quy hoạch ngành cấp quốc gia, nhưng thực tế, quy hoạch vùng đang trong quá trình xây dựng và chưa được phê duyệt thì quy hoạch tỉnh đã được thực hiện. Hiện tượng này có ở cả 6 vùng và là quy trình ngược.

Hiện nay có tới 51 văn bản luật, 7 pháp lệnh của Quốc hội, 53 văn bản nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành, 25 nghị định của cơ quan chức năng; cùng hệ thống các thông tư, quyết định của trung ương, địa phương điều chỉnh hoạt động của quy hoạch.

Bên cạnh đó, chất lượng và hiệu lực quy hoạch thấp, điều chỉnh bổ sung nhiều, không gắn với nhu cầu sử dụng và nguồn lực thực hiện, dẫn đến kém hiệu quả, không khả thi. Việc phân cấp quản lý quy hoạch không thống nhất và đồng bộ, do nhiều cơ quan quản lý, không bảo đảm tính tập trung, nhiều khâu bị buông lỏng nhất là trong khâu thẩm định. Sự thiếu khách quan thể hiện qua quy hoạch phát triển ngành bia - rượu - nước giải khát. Nghị định 94/2012/NĐ- CP quy định việc cấp đăng ký sản xuất - kinh doanh bia - rượu - nước giải khát phải căn cứ vào quy hoạch. Đây là điều không thực tế, vì tại địa phương chỉ có 1 - 2 cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, nên thay vì lập quy hoạch thì chỉ cần quy định điều kiện cấp đăng ký là đủ. Việc này gây lãng phí, tốn kém và cản trở hoạt động kinh doanh, kéo dài thời gian cấp phép.

Theo bà Nguyễn Hồng Thục - Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu định cư, thực tế hiện nay, quy hoạch nhiều ngành thiếu chất lượng, chậm phê duyệt, chưa gắn kết chặt chẽ phát triển vùng, miền với địa phương, quy hoạch không sát với thực tế, chồng chéo, thiếu tầm nhìn dài hạn… “Đó là bức tranh quy hoạch hỗn loạn”- bà Thục nói.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hỗn loạn trên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là do việc ban hành văn bản pháp luật quá nhiều, thiếu hợp lý và thống nhất. Bên cạnh đó, tư duy nhận thức về quy hoạch hạn chế, phương pháp và nội dung quy hoạch chưa đổi mới cho phù hợp với nền kinh tế thị trường…

Nguyễn Hạnh (Báo Công thương)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.