Gần đây, việc còn khá nhiều nhà thu nhập thấp đã được mua nhưng chưa có người dọn đến ở khiến nảy sinh nhiều góc nhìn tiêu cực của dư luận. Để làm rõ hơn vấn đề này, Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hà Nội.
- Thưa ông, dư luận đang rất xôn xao về việc dự án nhà thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm còn nhiều căn hộ đã có chủ nhưng lại bị bỏ trống, chưa có ai dọn vào ở. Ông nói gì về điều này?

- Sau ba tháng, chủ nhà không dọn vào ở, tức là họ không có nhu cầu ở thực, Sở sẽ yêu cầu chủ đầu tư hủy hợp đồng và trả lại tiền cho khách. Đối tượng mua nhà sau 3 tháng không đến ở sẽ bị cưỡng chế thu hồi căn hộ và nhường lại cơ hội cho những người dân khác có đủ điều kiện đã bốc thăm mà không trúng thưởng trước đây.

Khi ký biên bản bàn giao nhà kèm theo quy chế chủ hộ và kèm theo ảnh các thành viên trong gia đình. Liên ngành sẽ đi hậu kiểm phối hợp cùng công an. Để tránh những người có ý định bán, chuyển nhượng cho người khác.

- Cụ thể, sau 3 tháng ra văn bản mà các chủ hộ không vào ở, Sở có hình thức xử lý như thế nào?

- Sau ba tháng, nếu chủ nhà không dọn vào ở, chủ đầu tư sẽ ra thông báo lần thứ nhất, rồi lần thứ hai… Sau đó, phối hợp với địa phương cưỡng chế thu hồi căn hộ của hộ dân.

- Để xảy ra hiện tượng bán nhà thu nhập thấp không đúng đối tượng, theo ông là do đâu?

- Theo quyết định 34, chính quyền địa phương xác nhận không đúng đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Còn trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư cần phải công khai dự án, số căn hộ là bao nhiêu, địa điểm ở vị trí nào. Bên cạnh đó, chính quyền sở tại phải mở sổ theo dõi cư dân để xác nhận.

- Tại sao lại có sự chênh lệch về giá giữa các vùng miền?

- Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: Xây dựng nhà thu nhập thấp đều giống nhau trên toàn quốc nhưng tiền phí giải phóng mặt bằng không giống nhau như TP HCM khác so với Hà Nội. Hoặc là xây 5- 6 tầng không phải xử lý móng, không có thang máy, dịch vụ ... thì tiền lại khác. Chính điều này dẫn tới giá nhà thu nhập thấp chênh lệch giữa các địa phương, giá ở TP HCM còn cao hơn Hà Nội.

- Sở có thường xuyên “can thiệp” vào các dự án nhà thu nhập thấp hay không?

- Chúng tôi kiểm tra và hậu kiểm liên tục, đồng thời ra văn bản ngay gửi các chủ đầu tư thực hiện, do Sở Xây dựng là cơ quan tham mưu thực hiện chương trình nhà ở này. Ví dụ: Phường nhận được thông báo của Thành phố và công khai dự án nhà thu nhập thấp tại phường. Khi xác nhận điều kiện nhà ở của người dân kết hợp với việc mở sổ theo dõi tránh xác nhận cùng một đối tượng lại được xác nhận hai lần.

- Cảm ơn ông!

Sau quy định mới của Sở Xây dựng Hà Nội về việc xử lý những trường hợp nhà thu nhập thấp bị bỏ trống, đến ngày 22/6, đã có 2 trường hợp bị yêu cầu hủy hợp đồng, thu hồi lại nhà và 3 trường hợp khác mới bị phát hiện đang được xác minh, làm rõ.

Theo ông Nguyễn Văn Đa, Phó giám đốc Công ty CP Vinaconex Xuân Mai, chủ đầu tư khu nhà thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm, tính đến ngày 28/6, còn 15/328 hộ dân chưa dọn vào ở. Hiện chủ đầu tư đang đốc thúc và gửi thông báo tới các hộ dân chưa dọn vào ở.

Theo Văn Trường (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.