Chiều 20.3, PV Thanh Niên đã chất vấn ông Huỳnh Phú Kiệt, Chủ tịch HĐQT Công ty Toàn Thịnh Phát - chủ đầu tư dự án khu đô thị 8,4 ha lấp sông Đồng Nai.
Ông Huỳnh Phú Kiệt - Ảnh: D.Đ.Minh
Ông Kiệt cho rằng: “Chúng tôi làm dự án không phải vì lợi nhuận, đầu tiên là vì mục tiêu cải tạo cảnh quan dòng sông. Báo cáo tác động môi trường do Sở TN-MT thực hiện cho thấy không ảnh hưởng đáng kể đến dòng chảy”.
“Chúng tôi có những cái làm chưa đúng”
Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đã tổ chức nhiều hội thảo để lấy ý kiến của các chuyên gia, gặp nhiều chuyên gia, kiến trúc sư để xin ý kiến. Đến nỗi trạm bơm phải vẽ, lên phương án thiết kế 18 lần. Dự án rộng 8,4 ha, trong đó chỉ hơn 30% là khai thác thương phẩm, còn lại hơn 60% là cây xanh, hạ tầng. Hồi nhỏ tôi hay tắm con sông này. Nên tôi muốn tạo trạm bơm như một điểm nhấn, là một khán đài xem bơi thuyền, lễ hội ven sông. Tôi muốn làm dự án cho nó đẹp hơn.
Nếu muốn đẹp hơn sao công ty không làm hết khu quy hoạch hơn 15 ha, chỉnh trang, giải tỏa luôn những căn nhà ven sông dọc đường Cách Mạng Tháng Tám khoảng hơn 7 ha mà chỉ chọn khu đất trên sông?
Người dân mong mỏi được tái định cư tại chỗ, không muốn bị giải tỏa. Nhà nước định thu hồi khu đất này nhưng tính ra kinh phí quá lớn để đền bù giải tỏa. Tỉnh cũng bắt làm hết dự án chỉnh trang hơn 15 ha, để nghĩ đến ngày mai quản lý đẹp hơn nhưng công ty chỉ đề xuất làm 8,4 ha.
Nhưng nếu giải tỏa khu vực này với mức giá thỏa đáng dân sẵn sàng đi, phần đất thu được có thể đấu giá vì khi đó đất sẽ hóa vàng với hai mặt tiền sông và đường Cách Mạng Tháng Tám. Thậm chí nhà nước có thể dùng cơ chế đổi đất lấy hạ tầng, nghĩa là yêu cầu doanh nghiệp thực hiện giải tỏa cả khu vực đổi lại sẽ được cả khu đất vàng hơn 15 ha, bán lại giá cao hơn?
Đầu tiên tỉnh cũng muốn làm sạch khu này luôn để làm công viên, nhưng tính lại phải mất hơn 1.000 tỉ đồng và làm xáo trộn người dân. Đó là chuyện vĩ mô, tôi không dám nói, mình lấy sức mình làm khả năng chỉ đến 8,4 ha.
Nhưng làm như vậy đâu đã tròn trách nhiệm vì đồ án quy hoạch 1/500 thể hiện dự án rộng hơn 15 ha để chỉnh trang làm công viên, hạ tầng?
Cái này là chuyện lớn, không phải của chúng tôi nữa.
Trước đây chủ đầu tư có hình dung việc dư luận phản ứng khi lấp sông làm khu đô thị?
Cái này tôi không thể trả lời được, nó quá sức mình. Mình chỉ là một doanh nghiệp nhỏ bé thôi.
Trước khi làm, tỉnh và công ty có họp dân để lấy ý kiến không?
Chúng tôi nhận có những cái làm chưa đúng vì chưa tiếp dân, gặp dân để trao đổi, bàn bạc. Nhưng hình như chính quyền đã gặp dân rồi.
Trạm bơm nước cho Nhà máy nước Đồng Nai bị bao vây bởi dự án. Hiện đã có kế hoạch di dời trạm bơm nước này ra ngoài sông, với chi phí khoảng 60 tỉ đồng do ngân sách nhà nước bỏ ra
“Ở Đồng Nai không giống như TP.HCM”
Dự án này công ty đóng góp cho ngân sách bao nhiêu về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất?
Hiện nay chúng tôi mới đang làm nên chưa biết số tiền là bao nhiêu, nhưng chắc chắn sẽ có đóng góp.
Theo chúng tôi được biết công ty đặt mục tiêu lợi nhuận của dự án này mấy trăm tỉ, vậy cụ thể thế nào thưa ông?
Chúng tôi cũng không biết vì rủi ro nhất là tiền sử dụng đất.
Được biết công ty đã bán căn nhà phố, biệt thự cho khách hàng từ 8 - 10 tỉ đồng/căn?
Thật ra chúng tôi không phải bán mà cho khách hàng đặt cọc giữ chỗ. Hiện dự án đang phải vay ngân hàng. Trong khi đó, ở giai đoạn đầu lượng nhà ít, có một số người nói cho họ đặt chỗ, chứ không có hợp đồng bán. Nhưng giá bán chỉ từ 6 - 8 tỉ đồng/căn.
Vậy đã có bao nhiêu người đặt giữ chỗ và số tiền đặt cọc giữ chỗ là bao nhiêu một căn?
Cho phép tôi không tiết lộ điều này. Đại khái là khách hàng muốn giữ chỗ do số lượng nhà rất ít. Bỏ mấy trăm tỉ làm hạ tầng thì số tiền này không đủ thu hồi đâu. Nhưng nếu ngân hàng không giải ngân nữa thì cũng là vấn đề cho công ty.
Ông nói dự án chỉnh trang, nhưng trong quyết định chấp thuận đầu tư cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai của UBND tỉnh thì phần đất dành cho công viên, giao thông chỉ hơn 56%, trong đó công viên chỉ chiếm 9,17% diện tích đất, phần còn lại là làm nhà, chung cư, văn phòng, khách sạn…?
Đúng là như vậy, nhưng trong một căn nhà, công trình cũng có mảng xanh chứ không thể xây hết được. Nên phần này cũng phải tính là cây xanh cho cả dự án. Chúng tôi chỉ khai thác đất thương phẩm hơn 30%.
Ở TP.HCM khi chỉnh trang một con sông như kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Rạch Ụ Cây… TP sẽ giải tỏa hết dân, đất hai bên bờ sông sẽ làm hạ tầng, công viên, chứ không phải cách làm như Đồng Nai là lấp sông. Ông nghĩ sao?
Có một điều là ở TP.HCM giàu, nhưng Đồng Nai mỗi năm thu ngân sách chỉ có hơn 1.000 tỉ đồng mà còn phải chia cho các huyện hết rồi. Nếu như đổi đất lấy hạ tầng được thì tốt nhưng ở Đồng Nai không giống như TP.HCM, bởi đất Đồng Nai không “hot”. Như vậy để làm cho đẹp khúc đường này tỉnh phải làm mất 10 năm.
Nếu UBND tỉnh yêu cầu phục hồi lại nguyên trạng cho dòng sông Đồng Nai ông sẽ tính sao?
Tôi cũng không biết phải tính sao nữa, chưa nghĩ đến điều đó.
Có dấu hiệu vi phạm Luật Tài nguyên nước
Ngày 20.3, trao đổi với PV Thanh Niên, một nhà khoa học thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, cho rằng UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho doanh nghiệp lấp sông Đồng Nai để xây dựng dự án là có dấu hiệu vi phạm luật Tài nguyên nước năm 2012. Cụ thể, điều 9 luật Tài nguyên nước quy định các hành vi bị nghiêm cấm có 10 khoản, trong đó khoản 4 quy định các hành vi bị cấm gồm: “đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây trái phép gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch”; Khoản 5 quy định các hành vi bị cấm gồm: “Khai thác trái phép cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa; khai thác khoáng sản, khoan, đào, xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, công trình và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa”.
Quang Duẩn
“Vấn đề nghiêm trọng” đối với nguồn nước sinh hoạt của TP.HCM
Ông Bùi Thanh Giang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), nhận định đây là vấn đề nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến dòng chảy, xói lở, các trạm bơm và nguồn nước sông. Sawaco đã trình những lo ngại này để lãnh đạo TP.HCM có ý kiến với chính quyền tỉnh Đồng Nai. Hiện nguồn nước sông Đồng Nai chiếm hơn 60% tổng công suất cấp nước cho hàng triệu người dân TP.HCM. Chưa kể trong tương lai gần khi 2 dự án Nhà máy nước Thủ Đức 4 (công suất 300.000 m3/ngày đêm) và 5 (công suất 500.000 m3/ngày đêm) hoàn thành thì chắc chắn nguồn nước sông Đồng Nai cung cấp cho TP.HCM sẽ tăng lên rất lớn.
Kỹ sư Trần Kim Thạch, Phó phòng Quản lý chất lượng nước Sawaco, cho biết: “Chúng tôi rất quan ngại về việc triển khai dự án này sẽ làm thay đổi dòng chảy của sông Đồng Nai, từ đó có thể dẫn đến việc thay đổi chất lượng nước trên sông. Để đảm bảo an toàn cấp nước cho TP.HCM, trong giai đoạn này, tổng công ty sẽ giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn nước từ sông Đồng Nai, đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng của thành phố thu thập các tài liệu liên quan đến dự án, từ đó đánh giá một cách chi tiết mức độ ảnh hưởng của dự án đến nguồn nước thô. Bên cạnh đó, tổng công ty rất mong muốn các nhà khoa học, các đơn vị chức năng có đánh giá chi tiết về ảnh hưởng của dự án đến hoạt động của lưu vực dòng sông Đồng Nai”.
Đình Mười
Đạo đức kinh doanh
Nhìn cách người dân VN tuyên bố tẩy chay sản phẩm của Vedan vì hành động hủy hoại môi trường năm 2008; Tập đoàn Sanlu của Trung Quốc phá sản, còn uy tín của Trung Quốc buộc phải ngoi lên từ vực thẳm do hành vi đưa sữa chứa melamin ra thị trường năm 2009, chúng ta hẳn đã hiểu vấn đề đạo đức kinh doanh quan trọng như thế nào với một doanh nghiệp, một quốc gia.
Trong dự án phát triển đô thị ven sông Đồng Nai rộng 8,4 ha, Công ty Toàn Thịnh Phát chắc chắn sẽ được hoan nghênh nếu như nó không được quy hoạch lấn sông Đồng Nai tới hơn 7,7 ha. Dự án lấn chiếm lòng sông, núp bóng cải tạo cảnh quan, phát triển đô thị là hành vi ăn cắp môi trường trắng trợn nhất, nó cũng đáng bị lên án không kém gì việc buôn bán đầu độc trẻ sơ sinh hay gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường.
Với dự án đô thị gần 4.000 tỉ đồng, Toàn Thịnh Phát hoàn toàn có thể “thắng” lớn về lợi nhuận, nhưng hành vi lấp sông này sẽ khiến hình ảnh của họ xấu đi trong mắt khách hàng và xã hội.
Cách đây gần 70 năm, Robert Wood Johnson, người khai sinh Công ty Johnson&Johnson đã đề xướng tôn chỉ hoạt động của công ty với các thứ tự trách nhiệm ưu tiên là: (1) khách hàng sử dụng sản phẩm, (2) nhân viên, (3) xã hội - cộng đồng, và cuối cùng mới là quyền lợi cổ đông. Điều này có nghĩa là không có ưu tiên hàng đầu cho lợi nhuận. Bởi vì "điều đó sẽ dễ đưa đến việc sử dụng mọi cách và bằng mọi giá chà đạp đạo đức kinh doanh".
Trong khi ở ta vẫn có nhiều người biện hộ rằng đạo đức cao nhất và duy nhất là đóng thuế cho nhà nước và nuôi sống nhân viên, sẵn sàng chà đạp lên lợi ích cộng đồng, hay nói cách khác là phản bội ngay chính khách hàng - người nuôi sống mình.
Toàn Thịnh Phát nói riêng, các doanh nghiệp VN nói chung cần có một tư duy mới về những “bổn phận” của mình trên nền đạo đức kinh doanh. VN rất cần có lực lượng hùng hậu các doanh nhân có “trí”, nhưng phải có “tâm”. Vì đạo đức kinh doanh không chỉ vì sự hưng vượng của doanh nghiệp mà còn vì sự hưng thịnh của quốc gia.
Nguyệt Hà
Đình Sơn (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.