"Nếu Quốc hội và các cơ quan chức năng không quyết đoán trong quy hoạch thì câu chuyện đất sân golf, resort sẽ còn kéo theo nhiều điều phức tạp" - Vấn đề được nêu tại Hội thảo lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) đến năm 2020 và kế hoạch SDĐ 5 năm 2011 – 2015 do Ủy ban kinh tế của Quốc hội tổ chức hôm qua - 27/9.

Lãng phí đất


Tại Hội thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông báo các kết quả về công tác tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ 10 năm qua, trong đó có một số chỉ tiêu còn chưa đạt đến mức Quốc hội phê duyệt trong Quy hoạch, kế hoạch SDĐ 2001 – 2010, như đất lâm nghiệp (đạt 96,5%), đất ở tại nông thôn (đạt gần 60%), đất khai thác khoáng sản (đạt 66,67%), đất cơ sở y tế (85,7%)…


Nếu như chỉ tiêu đất ở nông thôn đạt thấp được lý giải là do các địa phương còn chưa thực hiện "đến nơi" việc xác định để công nhận diện tích đất vườn ao trên cùng thửa đất có nhà trong các khu dân cư theo quy định của Luật Đất đai, thì chỉ tiêu đất khai thác khoáng sản đạt thấp lại được đánh giá là "điều may mắn" trong bối cảnh quản lý khai thác khoáng sản nhiều bất cập như hiện nay.


Bên cạnh đó, có nhiều lĩnh vực SDĐ tăng "chóng mặt" so với chỉ tiêu được Quốc hội phê duyệt. Đất ở tại đô thị đạt 134 nghìn ha, vượt 20,72% so với chỉ tiêu được duyệt, dù góp phần đáp ứng nhu cầu đất ở, nhà ở cho người dân đô thị nhưng có lúc đi trước nhu cầu thực tế, sử dụng nhiều vào đất lúa, tồn tại tình trạng nhà bỏ hoang, khu đô thị bỏ hoang. Tương tự, đất khu, cụm công nghiệp đạt 100% chỉ tiêu Quốc hội duyệt, cả nước hiện có 267 khu công nghiệp (KCN), với tổng diện tích 72 nghìn ha.


Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy bình quân chỉ gần 46%. Trong số 177 KCN đã đi vào hoạt động, chỉ có 43 khu đạt tỷ lệ lấp đầy 100%. 650 cụm công nghiệp với 28 nghìn ha chỉ mới có 44% diện tích đất được thuê. "Tỷ lệ lấp đầy không cao của các KCN là một điều đáng xem xét" - TS. Đặng Hùng Võ bình luận. Theo ông Võ, quy hoạch sân golf, resort ở Việt Nam có thực tế là nhà đầu tư tìm mọi cách thuyết trình để xin được nhiều đất cho dự án, sau đó tìm cách "xoay xở" để xử lý. "Nếu Quốc hội và các cơ quan chức năng không quyết đoán trong quy hoạch thì câu chuyện đất sân golf, resort sẽ còn kéo theo nhiều điều phức tạp" - ông Võ góp ý.


Lãng phí đất, hậu họa khó lường

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet


Luật Đất đai luôn bị tụt hậu


TS. Trần Đình Thiên – chuyên gia kinh tế đề nghị phải xem xét cơ sở của quy hoạch đất đai: Căn cứ trên chiến lược phát triển kinh tế hay chiến lược CNH – HĐH?. "Giờ chúng ta quy hoạch KCN theo hướng dùng nhiều vốn, nhiều đất nhưng lại ít sử dụng lao động, điều đó dẫn đến bi kịch nông dân không biết phải làm gì khi đất đã bị lấy cho KCN. Quy hoạch như thế có hợp lý hay không?"- ông Thiên nói.


Theo ông Thiên, vấn đề SDĐ của KCN không phải là lấp đầy đất, mà là hiệu quả của việc SDĐ mang lại. "Không thể lấp đầy KCN bằng công nghệ thấp", ông Thiên quả quyết. Trước tình trạng "1 tháng xuất hiện 1 khu đô thị trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế», ông Thiên cũng nhận định, Việt Nam đang không quy hoạch được không gian đất (ngầm, trên cao), mà «làm kiểu cày đất trên mặt bằng".


Quy hoạch SDĐ đến năm 2020 và kế hoạch SDĐ 5 năm 2011 – 2015 được đưa ra lấy ý kiến vào thời điểm Luật Đất đai cũng đang chuẩn bị được sửa đổi. Tình trạng này tương tự như xây dựng quy hoạch giai đoạn 2001 – 2010. Quy hoạch được phê duyệt rồi thì Luật Đất đai mới ban hành, rồi luật lại tuân thủ và góp phần thực hiện quy hoạch.


"Lẽ ra phải đi trước đón đầu thì Luật Đất đai toàn theo sau thực tế, lạc hậu. Lần nào cũng vậy, cứ phê duyệt xong rồi, Luật Đất đai mới ban hành. Khi có luật, thế nào cũng loạn cả lên do sự tranh cãi giữa việc tuân thủ văn bản này làm theo văn bản kia", một đại biểu nhận định.


TS. Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn: "Có 24 kịch bản liên quan đến việc giảm đất lúa (còn từ 3 triệu ha đến 3,8 triệu ha), thì theo kịch bản nào, an ninh lương thực luôn được đảm bảo. Chúng ta cần cẩn trọng khi xem xét việc chuyển đất lúa sang mục đích khác, nhưng khuyến khích chuyển sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn…”

Ông Lê Quốc Dung – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XII: “Khi quy hoạch đất lúa, phải xét an ninh lương thực cho cả hàng trăm năm chứ không phải chỉ 5 hay 10 năm…”

Theo Hoàng Thủy (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.