Lại điệp khúc… đổ đất lấp đầm
Đơn gửi đến Báo CAND, một số hộ dân sinh sống tại khu
vực đầm Hồng, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, đã nhiều năm nay, tình
trạng lấp hồ, lấn chiếm thậm chí là rao bán đất tại khu vực đầm Hồng
đoạn giáp ranh giữa các phường Khương Đình, Khương Trung (quận Thanh
Xuân) vẫn ngang nhiên diễn ra. Đặc biệt từ năm 2010 tới nay, tình trạng
vi phạm này diễn ra khá phổ biến.
Theo đơn phản ánh thì hiện có 2 nhóm đối tượng thực
hiện hành vi lấn chiếm trên gồm: tư nhân lấn đất xây nhà và số thành
phần bất hảo đứng ra thuê ôtô, xe thồ đổ phế thải san đất, thuê thợ xây
chia lô, xây nhà tạm để bán…
Sáng 3/8, nhóm PV Báo CAND đã tìm tới khu vực đầm Hồng
để ghi nhận thực tế. Con ngõ 93 Hoàng Văn Thái dẫn vào đầm Hồng nhầy
nhụa bùn đất, nhiều điểm mặt đường nhựa đã xuống cấp nghiêm trọng. Tại
trục đường chạy rìa đầm Hồng, chúng tôi không khỏi choáng trước tốc độ
đổ đất lấn chiếm diện tích đầm ở nơi đây. Những vệt bánh xe ôtô - hệ quả
của những chuyến xe đổ phế thải xuống lòng đầm vẫn còn nguyên dấu vết.
Phần diện tích của đầm Hồng, đầm Sen giờ đây đã bị thu
hẹp đáng kể. Tại các điểm đất thải lấp, hàng chục lán trại được dựng
vội vã lên. Đáng kể, tại nhiều điểm, số lán trại mọc lên ở nơi đây còn
được gia cố bởi hệ thống cửa sắt chắc chắn. Đường dây dẫn điện tự phát
theo đó cũng xuất hiện. Mặc dù chính quyền địa phương đã cho dựng tấm
biển "cấm đổ đất phế thải vào hồ", song ngay sát vách đó là hàng chục
mét vuông diện tích mặt đầm đã bị xâm lấn bởi đất, phế thải… Lấn chiếm
đất đầm, nhiều đối tượng còn ngang nhiên rao bán phần diện tích đất lấn
chiếm này.
|
Khu vực đầm Hồng đang bị “nuốt “dần. |
Liên quan đến thực trạng này, cách đây không lâu, trong vai những người có nhu cầu mua đất lấn chiếm ao hồ, chúng tôi cũng được hay, giá đất đầm lấn chiếm ở đây được một số đối tượng rao bán với mức 12 triệu đồng/m2. Chưa hết, một số "chủ đất đầm" còn chào hàng trên một số trang rao vặt với nội dung: một căn nhà cấp 4 tại khu vực ven đầm Hồng có giá 11,6 triệu đồng/m2…
Tình trạng lấn chiếm đầm Hồng, đầm Sen, đầm Sòi trên
địa bàn quận Thanh Xuân không chỉ là trường hợp cá biệt. Vấn nạn đổ phế
thải, "nuốt" ao, hồ đang là một thực tế nhức nhối trên địa bàn Hà Nội
dưới đủ mọi hình thức.
Dạo một vòng quanh các hồ, ao khu vực nội thành Hà Nội, chúng tôi nhận thấy tình trạng lấn chiếm, đổ chất rác thải xâm hại hồ ao diễn ra khá phổ biến. Đơn cử, như tại khu vực hồ Hào Nam (quận Đống Đa, Hà Nội). So với thời gian trước đây, đến nay, một phần diện tích hồ Hào Nam đã bị thu hẹp một cách đáng kể. Mặc dù đã có dự án cải tạo mặt hồ, tuy nhiên hiện tại một phần khá lớn diện tích hồ trước đây bị tình trạng phế thải tấn công nay đã biến thành điểm đỗ xe hoành tráng. Cũng lâm vào tình trạng tương tự hồ Rẻ Quạt ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, hồ Linh Quang ở quận Đống Đa… đang bị lấn chiếm không thương tiếc.
Nguyên nhân vẫn do sự thiếu kiên quyết
Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu và Cộng đồng
môi trường Trường Đại học Quốc gia Hà Nội thì hiện có khoảng 80% hành
lang bờ ao, hồ bị ô nhiễm và đang có nguy cơ bị lấn chiếm, tập kết phế
liệu và rác thải. Điều đáng chú ý là một số lớn các ao, hồ chưa được kè
đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ xe… đây là những
ao hồ nằm sâu trong các khu dân cư hoặc vị trí khuất. Diện tích các tấm
"lá phổi xanh" của thành phố đã và đang trở nên thu hẹp đáng kể.
Câu hỏi được đặt ra: Liệu chính quyền địa phương, lực
lượng chức năng có làm ngơ trước vi phạm? Để rồi khi "mất bò mới lo làm
chuồng"? Trở lại các vấn đền liên quan đến lấn chiếm khu vực đầm Hồng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tổng diện tích mặt
nước của khu vực đầm Hồng là gần 90 ngàn mét vuông còn đầm Sen là trên
26 ngàn mét vuông. Tuy nhiên, do tình trạng vi phạm đổ đất phế thải lấn
chiếm diễn ra, nên tại khu vực này phần diện tích mặt nước dần bị thu
hẹp. Người dân sinh sống ở địa phương không khỏi bức xúc.
Theo UBND quận Thanh Xuân thì tình trạng đổ đất, rác,
phế thải tại khu vực ven đầm Hồng đã tồn tại từ rất lâu. UBND phường
Khương Đình đã nhiều lần cho thu gom rác thải và phần diện tích này nằm
trong phần diện tích đã bàn giao cho Ban Quản lý dự án thoát nước. Còn
đối với khu vực đầm Sen, để chống tình trạng lấn chiếm diện tích mặt
đầm, chính quyền địa phương - UBND phường Khương Đình phối hợp với cơ
quan hữu quan cho dựng hệ thống tôn lợp để ngăn ngừa vi phạm tái diễn.
Cũng theo đơn vị này đối với phần diện tích mặt nước của các đầm bị lấp đất, UBND quận sẽ giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và duy tu các công trình đô thị quận, quản lý với diện tích hơn 5 ngàn mét vuông (đối với đầm Sen). Đồng thời, tới đây, UBND quận sẽ tiếp tục chỉ đạo Bao Quản lý dự án thoát nước Hà Nội, phối hợp với UBND phường Khương Đình, Công ty Nuôi trồng Thủy sản Duy Nhất, Trung tâm Phát triển quỹ đất và duy tu các công trình đô thị quận quản lý chặt chẽ các diện tích đất được giao tại địa bàn thực hiện dự án.
Như vậy, việc quản lý phần diện tích đất ao đầm bị lấn chiếm bằng cách giao cho các cơ quan chức năng chuyên trách như: Trung tâm Phát triển quỹ đất và duy tu các công trình đô thị ở trên thì liệu phần diện tích mặt nước - tấm "lá phổi xanh" này có được bồi hoàn lại như trước? Biện pháp này cũng chỉ là cách giải quyết vấn đề trước "sự đã rồi" mà không thể cứu được sự lấn chiếm ao, hồ đang diễn ra phổ biến… Thiếu đi sự kiên quyết xử lý vi phạm ngay từ đầu để đến khi ao, hồ bị lấn chiếm mới tiến hành thu hồi đất để xử lý thay vì trả lại nguyên trạng. Với cách giải quyết này thì vấn nạn lấn chiếm ao, hồ trên địa bàn Hà Nội sẽ còn tiếp diễn