Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hạn chế cho vay bồi thường giải phóng mặt bằng với các công trình nhà ở cao cấp, nhưng ưu tiên cho các dự án đã xây xong phần thô để công trình sớm đưa vào sử dụng.

Tờ trình Thủ tướng về một số giải pháp quản lý thị trường bất động sản lành mạnh vừa được hoàn tất. Trong đó Bộ Xây dựng thừa nhận thị trường bất động sản bên cạnh những mặt tích cực còn nhiều điểm hạn chế như phát triển thiếu lành mạnh và ổn định, giá vẫn cao, thiếu nhà ở có quy mô vừa và nhỏ cũng như loại hình cho thuê. Trong khi đó, nhà xã hội chậm triển khai, đô thị phát triển tự phát. Hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện, bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm.


Lại đề xuất giải pháp 'cứu' bất động sản
Giá nhà đất Hà Nội quá cao. Ảnh: Hoàng Lan

Để khắc phục điểm yếu của thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, cần kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực này. Bộ đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần ban hành tiêu chí cho vay bất động sản, ưu tiên các dự án có khả năng thanh khoản cao, dự án nhà thu nhập thấp và các công trình dự đã xây xong phần thô đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng.


Cơ quan này đề nghị, trước mắt hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các công trình cao cấp như dự án căn hộ chung cư có giá trên 30 triệu mỗi m2, hoặc diện tích trên 120 m2, biệt thự, nhà liền kề. Ngân hàng Nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời các khoản nợ quá hạn, nợ xấu ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng, đồng thời kiểm soát hiện tượng đầu tư nội bộ của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng vào bất động sản.


Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM cần tăng tỷ lệ nhà chung bảo đảm tỷ lệ căn hộ đạt trên 80%, hạn chế phát triển nhà ở cao cấp như biệt thự, liền kề. Căn hộ có diện tích từ 120 m2 trở lên tối đa không quá 20% trong tổng số đơn vị nhà ở thương mại xây dựng mới. Thu hồi giấy phép kinh doanh thậm chí tra cứu trách nhiệm hình sự các hành vi đầu cơ, găm giữ hàng, đưa tin thất thiệt về cung cầu, giá cả bất động sản, giao dịch ngầm nhằm thu lời bất chính.


Bộ Xây dựng kiến nghị cho phép các chủ đầu tư dự án đã bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước ngày 1/10/2009 được nộp tiền sử dụng đất theo bảng giá đất do địa phương ban hành tại thời điểm nộp tiền sử dụng đất. Tình hình huy động vốn tại các dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài cần được kiểm tra, tiếp tục thực hiện quy định về không cho phép chia lô bán nền. Ưu tiên phát triển nhà ở có diện tích trung bình từ 70 m2 đến 90 m2 và diện tích nhỏ dưới 70m2 có giá bán hợp lý.


Bất động sản dù đã được ngân hàng đưa ra khỏi nhóm khách hàng phi sản xuất song vẫn thuộc diện hạn chế cho vay. Nhiều tháng qua, các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản liên tục kêu bị thua lỗ, nguy cơ phá sản, dự án chết vì không thể tiếp cận vốn ngân hàng và đề nghị tháo gỡ.


Kể từ cuối tháng 4, đầu tháng 5, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng. Bộ Xây dựng đã nhiều lần đề nghị Chính phủ cần thay đổi quan điểm phân loại bất động sản, đưa địa ốc ra khỏi nhóm phi sản xuất, cùng các giải pháp "giải cứu" khó khăn cho thị trường. Đến nay, Bộ mới chính thức hoàn tất tờ trình gửi Thủ tướng các giải pháp giúp thị trường phát triển lành mạnh.


"Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ được lần lượt trình Chính phủ trong quý 3 và quý 4. Đề án nhà ở cho thuê, trong đó chú trọng phát triển nhà ở xã hội cũng được Bộ Xây dựng đề xuất nghiên cứu. Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu và trình Chính phủ trong quý 4 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nhằm hạn chế đầu cơ. Người nộp thuế được nộp thuế suất 2% trên giá trị bất động sản giao dịch. Trường hợp người nộp thuế chứng minh được thu nhập và chi phí thì được nộp với mức thuế suất 25% trên thu nhập.


Theo Hoàng Lan (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.