16/02/2015 9:19 PM
Giỏi công nghệ, đề cao sự sáng tạo, không mang khuôn mẫu của những doanh nhân thế hệ trước, họ tự tin thực hiện đam mê của những người sáng lập không gian sáng tạo ở Việt Nam mà ít phụ thuộc vào sự sắp đặt của bố mẹ, hay nguồn trợ giúp từ mối quan hệ thân quen.

1 Từ khu nhà cũ kỹ được Pháp xây dựng từ thế kỷ thứ 19 ít người lui tới tại 3A-3B Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM, chị Đỗ Thị Tuyết Mai đã xây dựng Station 3A trong Quần thể 3A - Không gian nghệ thuật đương đại ứng dụng. Đây là địa điểm để người dân tự do đến thưởng thức nghệ thuật và các sản phẩm sáng tạo. Đặc biệt, tại đây, giới trẻ sẽ có một không gian vui chơi giải trí, sáng tạo nghệ thuật, được gặp gỡ những người có cùng đam mê, sở thích...

Chị Mai xây dựng công trình này từ cảm hứng về những khu nghệ thuật đương đại trong trào lưu quốc tế như Soho ở New York (Mỹ), Khu 798 ở Bắc Kinh (Trung Quốc). 3 dãy nhà trên diện tích 2.000 m2 được sơn trắng mang những hình ảnh vui tươi, đậm chất nghệ thuật đường phố trên tường.

Bên trong khu nhà là các gallery, khu mua sắm, tiệm thời trang, quán cà phê... Chủ nhân của các cửa hàng là hoạ sỹ, nghệ sỹ, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim, nhà thiết kế hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Còn bên ngoài là không gian lý tưởng cho những người đam mê nghệ thuật đương đại, với những hoạt động định kỳ như chợ phiên nghệ thuật, chợ phiên đồ xưa, trình diễn nghệ thuật đường phố, trình diễn thời trang…

Trong khi đó, tại Hà Nội, nhóm các nhà đầu tư, sáng lập như KTS Trần Vũ Hải, Đoàn Kỳ Thanh đang gấp rút chuẩn bị những khâu cuối cùng để đưa X98 (tiền thân của Zone 9) hoạt động trở lại sau thời gian đóng cửa vì sự cố. X98 cách Zone 9 khoảng 300 m, rộng 10.000 m2, hứa hẹn sẽ thành không gian sáng tạo thực sự, không có những thứ gây điều tiếng như bar hay câu lạc bộ.

Chị Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần TID, chủ tòa nhà Dolphin Plaza (Mỹ Đình, Hà Nội) đã lấy toàn bộ tầng trệt của tòa nhà này làm không gian nghệ thuật Heritage Space. Chị muốn có một địa điểm để giới tri thức, nghệ sĩ, doanh nhân đến gặp gỡ, trao đổi những suy nghĩ, ý tưởng cởi mở nhưng đang gây tranh cãi…

2 Tạ Minh Trãi trở thành người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc tại một trong những ngôi trường thiết kế hàng đầu ở Pháp. Trở về Việt Nam năm 2008, anh gây ấn tượng bằng một bảng thành tích dày đặc, với rất nhiều vị trí trong các công ty thiết kế hàng đầu về xây dựng và phát triển thương hiệu trong và ngoài nước. Nhưng đằng sau bảng thành tích đó là một Tạ Minh Trãi luôn mong muốn cống hiến để phát triển khái niệm “tư duy thiết kế” tại Việt Nam.

“Tôi muốn xây dựng một không gian riêng để khuyến khích và phát triển các lĩnh vực liên quan đến thiết kế và sáng tạo, sau đó sẽ phát triển trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tôi kỳ vọng thế giới sẽ giang tay đón nhận những sản phẩm thiết kế sáng tạo do người Việt Nam làm ra”, Minh Trãi chia sẻ và cho biết, đây là một dự án rất tham vọng, nhưng anh muốn có cơ hội chứng minh năng lực, tìm ra những điểm cần điều chỉnh và luôn tìm lại được mình khi hiện thực hóa giấc mơ. Hiện Tạ Minh Trãi đã sáng lập Học viện Thiết kế ADC Academy ở TP.HCM và sắp đưa không gian sáng tạo này ra hoạt động tại X98 ở Hà Nội.

Tạ Minh Trãi là doanh nhân điển hình của thế hệ 8X làm không gian sáng tạo ở Việt Nam. Sống trong quá trình thay đổi của nền kinh tế, hội nhập văn hóa, những người trẻ làm không gian sáng tạo thường không mang khuôn mẫu của những doanh nhân thời trước. Họ không vận vest tối màu, giày tây, mang cặp màu đen, giao tiếp thận trọng…, mà vận đồ jean, áo thun hàng hiệu, khăn quàng cổ kiểu cách, giày thể thao, đầu đinh hoặc tóc dài buộc túm đuôi gà…

Đặc biệt, họ có cách nói chuyện kinh doanh rất thời thượng, giỏi công nghệ… Sự tự tin, niềm đam mê của họ trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người trẻ khác theo đuổi giấc mơ, nỗ lực thực hiện ý tưởng kinh doanh mà ít phụ thuộc vào sự sắp đặt của bố mẹ, hay nguồn trợ giúp từ mối thân quen.

3 Khảo sát và nghiên cứu về “Không gian sáng tạo” của nhà báo Trương Uyên Ly thực hiện theo đơn đặt hàng của Hội đồng Anh tại Việt Nam trong năm 2014 nhận định, các mô hình không gian sáng tạo ở Việt Nam đều mới mẻ nên chưa biết mô hình nào sẽ tồn tại và phát triển. Nhưng những người sáng lập đều chú tâm vào việc làm thế nào để giữ cho giấc mơ của họ được bền vững, độc lập, thoát khỏi các nguồn tài trợ.

Chị Đỗ Thị Tuyết Mai cho biết, sau 10 tháng hoạt động, Station 3A đã đạt được 60% ý đồ học hỏi từ các mô hình trên thế giới. Năm nay, Station 3A bước vào giai đoạn 2, ngoài việc phát triển mô hình đang có bằng nhiều hoạt động cộng đồng, lễ hội, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động sáng tạo, đi vào chiều sâu hơn.

“Station 3A muốn kích thích sự sáng tạo của mọi người. Mỗi người chỉ cần mạnh dạn áp dụng những mô hình tiên tiến đang có trên thế giới và thay đổi những tập quán đã thành nếp của mình thì sẽ có một sản phẩm mới sáng tạo. Chúng tôi không làm giống những gì các không gian sáng tạo khác có. 3A là trung tâm mua sắm, bán lẻ, khi kinh tế có phần đang khởi sắc, chúng tôi bán nó rất tốt”, chị Mai chia sẻ.

3A là điển hình cho mô hình không gian sáng tạo biết tính toán căn cơ để tồn tại bằng chính đồng tiền mình bỏ ra, không phụ thuộc vào tài trợ. Tại Việt Nam còn khoảng 40 không gian sáng tạo trẻ khác đang hoạt động trên khắp nước, trong đó những không gian sáng tạo thành lập từ những năm 2010 hầu hết đang tự lo về tài chính, nên những câu hỏi về tính bền vững vẫn còn nguyên.

Nằm giữa trung tâm Hà Nội (14 - Phan Huy Ích), Manzi tự hào là shop nghệ thuật duy nhất ở Hà Nội với những tác phẩm nguyên bản của các tên tuổi nổi bật trong nền nghệ thuật đương đại Việt Nam. Nhưng họ đang đấu tranh để tồn tại, vì chưa kiếm đủ lợi nhuận dù những người sáng lập đã cố gắng hết sức để có thu nhập từ một quán cà phê, một gallery nghệ thuật và một cửa hàng bán đồ lưu niệm.

Còn Saigon Outcast (quận 2, TP.HCM) đã kiếm đủ tiền từ bán đồ uống để chi trả cho nhân viên, nhưng lại chưa đủ để trả lương cho chính những người chủ. Mặc dù họ đã dốc hết tiền tiết kiệm của mình vào đây và muốn kiếm tiền trang trải cho cuộc sống từ dự án này, thay vì làm nhà sản xuất trò chơi video và tổ chức sự kiện như trước.

Trong khi đó, Tạ Minh Trãi, chủ ADC Academy muốn kết nối với các nhà đầu tư và doanh nhân để hỗ trợ cho học viên. Chi phí do học viên đóng chỉ đủ cho những khoản tiền điều hành ADC Academy trong 6 tháng, phần còn lại do các nhà sáng lập chi trả….

“Hãy khuyến khích cái mới, hãy để cho những bạn trẻ sáng tạo và ủng hộ họ. Chỉ cần thế thôi, còn những việc khác là của những người sáng tạo. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của công nghiệp sáng tạo, chính sự sáng tạo sẽ thay đổi toàn bộ các ngành công nghiệp khác. Tôi rất tin tưởng vào điều này”, chị Mai chia sẻ.

Anh Vũ (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.