Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị UBND tỉnh rà soát lại quy hoạch các cụm công nghiêp (CCN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, trong đó chú ý đến các điều kiện hình thành các cụm công nghiệp để đảm bảo tính khả thi, nhất là các điều kiện kết cấu hạ tầng bên ngoài CCN, điều kiện nguồn nhân lực, khả năng cung cấp nguyên liệu, thu hồi đất…
Kiến nghị rà soát lại quy hoạch các cụm công nghiệp ở Đồng Nai
Quy hoạch cụm công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai

Vị trí CCN nào không đủ điều kiện thì chuyển sang quy hoạch giai đoạn sau hoặc thay đổi mục tiêu quy hoạch. Đồng thời UBND tỉnh cũng cần có chính sách tháo gỡ khó khăn đối với các CCN làng nghề về thủ tục đầu tư và hỗ trợ kinh phí từ ngân sách cho các huyện để triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng các cụm làng nghề như CCN Đúc gang Tân An – Vĩnh Cửu, Cụm cơ sở ngành nghề gỗ thủ công mỹ nghệ xã Bình Minh – Trảng Bom.

Tính đến nay, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch phát triển 38 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích khoảng 1.995 ha. Nhưng đến nay vẫn còn lại trên 30 CCN trên địa bàn tỉnh mới thành lập quy hoạch chi tiết và đang thực hiện lập thủ tục bồi thường giao đất…

Nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này là do còn nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Riêng ở các CCN đã có nhà đầu tư nhưng tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN thời gian qua còn rất chậm do thiếu vốn…

Hiện 33 CCN với tổng diện tích 1.693 ha đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết, 28 CCN đã có nhà đầu tư hạ tầng với tổng diện tích 1.442 ha và 11 CCN có 90 dự án đang hoạt động sản xuất. Tổng diện tích đã cho thuê mới chỉ đạt 238 ha.

Tuy nhiên, qua khảo sát các khu cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Biên Hòa với 4 CCN, đến nay chỉ có CCN gốm Tân Hạnh đã cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng, 3 CCN còn lại chưa thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng, chưa có đơn vị đầu mối thực hiện kinh doanh, khai thác hạ tầng CCN và thực hiện công tác bảo vệ môi trường chung của cụm.

Ở Huyện Vĩnh Cửu có 8 CCN đang được quy hoạch theo mục tiêu hỗ trợ phát triển làng nghề. Tuy nhiên đến nay chưa có CCN nào hoàn tất phần hạ tầng do khó khăn về vốn, thiếu hụt nguồn kinh phí… Còn các huyện Thống Nhất với 3 CCN gồm CCN Hưng Lộc, CCN Quang Trung, CCN Gia Kiệm cũng nằm trong tình trạng chung: không thu hút được vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp. Do vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng CCN trên địa bàn huyện. Các CCN còn lại ở các huyện như Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc… cũng ở trong tình trạng bỏ hoang.

Trong phần kiến nghị của mình, các DN kinh doanh hạ tầng KCN Long Khánh, Dầu Giây, Định Quán đều cho biết, thu hút đầu tư ở những KCN này mấy năm qua rất chậm dù đơn vị kinh doanh hạ tầng rất chịu khó tìm đối tác, mời gọi, xin chủ trương ưu đãi về chính sách thuê đất… Nhiều nhận định cho rằng, trong bối cảnh chưa mấy sáng sủa này, nguy cơ “bỏ hoang” của những khu và CCN xa xôi ngày càng cao dù các DN đã bỏ vào hàng chục tỷ đồng tiền vốn mỗi nơi.

Theo Sở Công Thương, một trong những nguyên nhân chính làm cho việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh chưa được như kỳ vọng là do cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã khiến cho việc thu hút đầu tư bị giảm sút, nhiều CCN gặp khó khăn trong việc kêu gọi đều tư hạ tầng.

Trong đó xuất hiện nhiều trường hợp chủ đầu tư hạ tầng xin rút không thực hiện dự án đầu tư CCN do khó khăn về tài chính. Một số CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, chủ đầu tư đã lập thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng nhưng lại bị vướng trong thủ tục bồi thường giao đất./.
Theo Lê Hiền (Báo Tin Tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.