Ngày 19/11, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, những năm qua, vì mục đích phát triển kinh tế, quá nhiều đất đã bị thu hồi để xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch, sân golf... Sau đó dự án để đất hoang hóa, lãng phí trong khi nông dân không có đất để canh tác dẫn đến đời sống gặp khó khăn, gây bức xúc và là nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện về đất đai kéo dài.
Dẫn điều 23 Hiến pháp 1992, đại biểu Vinh cho rằng đất đai cũng là một tài sản hàng hóa nên không thể dùng biện pháp thu hồi mà chỉ sử dụng cơ chế trưng mua hoặc trưng dụng. "Dự thảo luật sửa đổi lần này nên quy định, Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng an ninh và phục vụ các dự án vì lợi ích công cộng. Trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế xã hội thì phải trưng mua, trưng dụng", ông Vinh nói.
Tán thành với ông Vinh, đại biểu Hà Thị Lan đề nghị thu hẹp phạm vi áp dụng của cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Khi áp dụng cơ chế này cần quan niệm người có đất là người dân và nhà đầu tư đều được hưởng lợi từ dự án. Như vậy, cần cân đối hài hòa giữa ba bên, gồm Nhà nước, nhà đầu tư và người dân có đất bị thu hồi.
Đại biểu này còn đề xuất bổ sung quy định điều tra, thăm dò ý kiến người dân trong khu vực dự kiến thu hồi đất trước khi ra quyết định thu hồi. Thời gian thông báo cho người có đất bị thu hồi cũng phải dài hơn so với quy định trong dự thảo.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh và nhiều đại biểu khác đề nghị thu hẹp phạm vi áp dụng của cơ chế Nhà nước thu hồi đát. Ảnh: TTXVN.
Phân tích dưới góc độ chính sách, đại biểu Nguyễn Thị Hải cho rằng, không cần thiết quy định quyền thu hồi đất bắt buộc để phục vụ mục đích kinh tế. Nếu vẫn thực hiện cơ chế này, lợi ích của việc chuyển đổi đất sẽ chuyển qua nhà đầu tư; gia tăng nguy cơ tham nhũng và thông đồng giữa các nhà đầu tư và quan chức nhà nước. Ngoài ra, nó còn gây bất mãn trong những người bị thu hồi đất, dẫn đến bất ổn xã hội, khiếu kiện, khiếu nại.
"Tôi đề nghị cơ chế thu hồi đất nên giới hạn ở các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Quy định như thế sẽ làm cho Luật Đất đai phù hợp với Hiến pháp 1992 và thông lệ quốc tế", bà Hải nói.
Nhiều đại biểu góp ý thêm, Nhà nước chỉ thu hồi đất khi thực sự cần thiết, cần đến đâu thu hồi đến đó để tránh lãng phí. Thẩm quyền thu hồi đất thì nên quy định thuộc về UBND cấp tỉnh chứ không nên giao cho cá nhân chủ tịch tỉnh.
Về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng, đây là điểm mấu chốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai ngày một gia tăng. Việc sửa đổi luật cần sửa đổi các quy định liên quan tới vấn đề này khi nhà nước thu hồi đất.
"Điều mà người dân quan tâm nhất là cuộc sống của họ ra sao khi đất bị thu hồi thì dự thảo lại chưa tính đến. Đừng biến nông dân thành bần cùng hóa, đang có nhà thành không có nhà sau khi bị thu hồi đất", ông Vinh nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng dự luật làm rõ lợi ích của người dân đến đâu trong vấn đề bồi thường tái định cư. Việc bồi thường phải đảm bảo nguyên tắc cuộc sống của người dân có đất bị thu hồi phải ít nhất bằng hoặc tốt hơn khi chưa thu hồi đất.
"Luật sửa đổi lần này phải quy định nghiêm, nếu chưa có nhà ở tái định cư hoặc chưa giao nền tái định cư có thời gian cho người dân xây dựng nhà ở thì không được thu hồi đất, tránh tình trạng thời gian qua đất thì muốn thu hồi liền hoặc chỗ ở tái định cư thì hẹn hoài, không bố trí tái định cư là vì lý do không có quỹ đất, không có quỹ nhà ở, từ đó gây bức xúc trong nhân dân", đại biểu Huỳnh Văn Tiếp nói.
Đối với vấn đề giá đất, một số đại biểu đề nghị thống nhất mức giá bồi thường giữa các địa phương, không nên quy định phần hỗ trợ vì dễ xảy ra khiếu kiện. Giá đất bồi thường cho người có đất bị thu hồi phải theo đúng mục đích sử dụng tại thời điểm thu hồi, trên cơ sở có tính đến công sức đầu tư của người sử dụng đất nhưng không tính phần giá trị tăng thêm do quy hoạch của Nhà nước. Việc thu hồi vì mục đích quốc phòng - an ninh, lợi ích quốc gia thì bồi thường theo giá đất do Nhà nước quy định. Còn trường hợp thu hồi vì mục đích kinh tế kinh tế thì phải áp dụng giá thỏa thuận với dân.
Giá đất do Nhà nước xác định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, nhiều đại biểu yêu cầu "thế nào là giá đất phù hợp với thị trường" thì phải làm rõ trong luật.
Nêu quan điểm về nguyên tắc này, đại biểu Lê Trọng Sang cho rằng, giá thị trường đối với đất bị thu hồi cần có sự phân biệt giữa giá thị trường khi không hoặc chưa thu hồi (chưa có dự án, giá thị trường trong điều kiện bình thường) so với giá thị trường khi đã có dự án, có chủ trương, có quy hoạch, kế hoạch thu hồi. "Giá thị trường để làm một trong những căn cứ cho việc bồi thường khi thu hồi đất chính là giá thị trường trong điều kiện bình thường", ông Sang nói.
Cũng tại phiên thảo luận, một số đại biểu đề nghị nên chấp nhận hình thức sở hữu tư nhân đối với một số loại đất như đất ở. Do dự thảo luật mới quy định về quyền của Nhà nước với tư cách là người đại diện chủ sở hữu toàn dân, chưa quy định nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là người được nhân dân giao quyền đại diện và cũng là một chủ thể sử dụng đất, chưa quy định quyền của chủ sở hữu toàn dân là nhân dân nên cần tiếp tục làm rõ chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý Nhà nước. Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu từ đó cần quy định rõ trách nhiệm quyền hạn của Quốc hội, của Chính phủ, các bộ ngành, các cơ quan tại địa phương và sự phối hợp giữa các cơ quan này.
Theo đại biểu Thân Đức Nam, so với mục đích sửa đổi thì nội dung dự kiến sửa đổi còn "khoảng cách rất lớn". Ông Nam đề nghị tổ chức lấy ý kiến rộng rãi người dân để hoàn thiện dự thảo. "Nội dung có thể cụ thể được thì cụ thể luôn và không chờ Chính phủ quy định. Có thể nâng Luật đất đai lên Bộ Luật đất đai như Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự và có thể thông qua trong năm 2013", ông Nam nói.
Với hơn 50 ý kiến của phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý . "Dự luật này rất quan trọng và nhân dân rất quan tâm. Tiếp sau kỳ họp này thì Thường vụ Quốc hội sẽ làm nhiều việc để làm sao lấy ý kiến được rộng rãi nhân dân, các nhà quản lý, nhà khoa học", bà Ngân nói.