“Một trong những vướng mắc lớn nhất của công tác cấp giấy là chính sách về tiền sử dụng đất. Theo quy định, khi làm nghĩa vụ tài chính để cấp giấy chứng nhận, người dân phải đóng tiền sử dụng đất theo bảng giá đất của UBND TP ban hành hằng năm. Tuy nhiên, do tiền sử dụng đất quá cao nên người dân không có khả năng đóng và do đó cũng không có nhu cầu được cấp giấy dù được ghi nợ tiền sử dụng đất” - ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, phản ánh tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội về công tác cấp giấy tại TP.HCM, ngày 19-9.
Ách tắc do tiền sử dụng đất
Ông Nam nêu ví dụ: Người dân có ngôi nhà diện tích 100 m2, theo bảng giá đất quy định khu vực đó phải đóng 4 triệu đồng/m2 thì người dân đó phải đóng tiền sử dụng đất tới 400 triệu đồng mới được cấp giấy. “Phải bỏ ra một khoản tiền rất lớn để hợp thức hóa nhà ở trong khi cuộc sống còn nhiều khó khăn nên người dân không muốn hợp thức hóa là điều dễ hiểu” - ông Nam nói.
Sở TN&MT kiến nghị thay vì thu tiền sử dụng đất thì chỉ nên thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp khi cấp giấy chứng nhận. Ảnh: HTD
Theo ông Nam, các đối tượng mua nhà ở xã hội được tạo nhiều điều kiện như miễn tiền sử dụng đất, được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp. Trong khi đó, người dân tự tạo lập nhà ở thì lại phải đóng tiền sử dụng đất, tự lo xong nhà ở thì cũng biến thành “con nợ”. Do đó, Sở TN&MT kiến nghị thay vì thu tiền sử dụng đất thì chỉ nên thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Nhà nước sẽ thu đều hằng năm, phần vượt hạn mức sẽ thu cao hơn. Cách thu hằng năm này (thay vì thu tiền sử dụng đất một lần như hiện nay) cũng giảm bớt gánh nặng về tài chính cho dân.
Liên quan đến chính sách về tiền sử dụng đất, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP, cho rằng quy định như hiện nay là chưa sòng phẳng với người dân. Cụ thể là việc cho người dân ghi nợ trong năm năm, sau thời gian này dân phải nộp theo mức giá tại thời điểm đóng tiền. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người dân chỉ nợ số tiền rất ít so với tổng giá trị toàn bộ căn nhà nhưng vì khoản tiền nợ này mà họ bị “nhốt” luôn cả phần tài sản lớn vì không giao dịch được. “Phần tài sản này sau nhiều năm bị “giam” cũng không được tính lãi suất trong khi hết thời gian ghi nợ, dân phải đóng cao hơn. Như vậy là không sòng phẳng với dân” - ông Liên nói.
Người mua nhà vẫn phải chịu rủi ro
Một thông tin đáng lưu ý là tình trạng chủ đầu tư không chịu tách sổ cho khách hàng mua nhà trong các dự án phát triển nhà ở. Sở TN&MT báo cáo, theo quy định hiện hành thì chủ đầu tư không được phân lô bán nền mà phải xây dựng nhà ở để bán cho khách hàng. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư đã lách luật bằng cách làm hạ tầng, sau đó dùng hình thức hợp đồng góp vốn của dân để xây nhà nhưng thực chất là bán nền để người dân tự xây dựng. Sở TN&MT cho biết hiện không thể cấp giấy chủ quyền cho những trường hợp này.
Trên thực tế, những trường hợp này rất nhiều, tập trung tại các quận 2, 9, Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè… “Quyền sử dụng đất thì chủ đầu tư đứng tên, tiền thì dân đã nộp hết nhưng không được nhận giấy chủ quyền. Nếu đề xuất cấp giấy cho người dân đã xây nhà và sinh sống ổn định thì vô hình trung lại thừa nhận tình trạng phân lô bán nền” - Sở TN&MT nhận định. Theo Sở, hiện nay vẫn chưa có hướng ra cho những trường hợp này.