Giảm thủ tục và công bằng
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoRea đánh giá, kể từ khi có quy định về thu tiền SDĐ sát giá thị trường, thì không chỉ các dự án (DA) BĐS của doanh nghiệp (DN) mà hàng ngàn hộ gia đình cũng không thể hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với phần đất ở ngoài hạn mức. Thực tế, rất nhiều DA nhà ở bị ách tắc vì số tiền SDĐ đội lên quá cao, từ vài chục tỉ đến hàng trăm tỉ đồng. Có DA khi thuê đơn vị thẩm định thì mỗi đơn vị đưa ra một giá khác nhau, mà cái giá nào cũng vượt quá sức chịu đựng của DN. Theo ông Châu, tiền SDĐ cũng phải xem như một sắc thuế, nếu giao công ty tư nhân thẩm định giá thì rất khó kiểm soát.
Thông tin thị trường nhà đất chưa đầy đủ, minh bạch nên khó xác định giá đất sát giá thị trường - Ảnh: D.Đ.M
Việc định giá đất sát giá thị trường là một công việc khó khăn và phức tạp
Ông Phạm Đình Cường -Cục trưởng Cục Quản lý công sản |
Mua đất 2 lần
HoRea kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét thêm
phương án thu tiền SDĐ các DA BĐS trên cơ sở ấn định tỷ lệ (%) trên giá trị
quyền SDĐ của dự án theo mục đích đầu tư. Tỷ lệ này có thể từ 10 - 20% để tránh
cơ chế xin - cho và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Sau khi nộp tiền SDĐ, nếu
DN có lợi nhuận sẽ vẫn phải nộp thêm thuế thu nhập DN. Đồng thời, kiến nghị
chấp nhận phương thức cho khấu trừ toàn bộ chi phí bồi thường giải phóng mặt
bằng thực tế do DN bỏ ra, theo nguyên tắc không khấu trừ vượt quá số tiền SDĐ
phải nộp; số tiền chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng vượt quá số tiền SDĐ
phải nộp (nếu có) được tính vào chi phí đầu tư của DA. Theo Bộ Tài chính, Chính phủ đã có cơ chế cho phép các DA
nhà ở và hạ tầng khu công nghiệp được chậm nộp tiền SDĐ nhưng xem chừng TP.HCM
“quên mất” cơ chế này.
Ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thủ Đức
House, cho rằng quy định nộp tiền SDĐ theo giá thị trường là hợp lý. Tuy
nhiên, khác với các nước chỉ đóng thuế đất, đánh tỷ lệ phần trăm trên
tổng giá trị tài sản nên rất công bằng, thì ở VN yêu cầu đóng một lần
100% theo giá thị trường. Quy định phải nộp ngay trong vòng 3 tháng một
số tiền SDĐ khổng lồ đã gây khó khăn cho DN. Chưa kể, thực tế ở TP.HCM
mua đất nông nghiệp ở vùng ven cũng rất đắt tiền, cả mấy triệu/m2, như
Q.2 lên đến cả chục triệu. Tuy nhiên, những khoản khấu trừ thực tế này
không được áp dụng, mà chỉ khấu trừ theo bảng giá đất vài trăm ngàn/m2.
Như vậy, DN thỏa thuận mua đất của dân sát giá thị trường, sau đó lại
nộp cho Nhà nước sát giá thị trường đồng nghĩa với phải mua đất 2 lần.
Đồng quan điểm trên, theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, quy định thuế nên trên cơ sở tính đúng, hợp lý, tránh tình trạng lạm thu và tận thu. Nên chia làm 2 loại thuế: đối với đất sở hữu nhà nước thì nhà nước được quyền thu 100% để chuyển quyền SDĐ cho DN. Còn đối với đất DN mua lại của dân thì bản chất đây là đất của DN đầu tư, nhà nước chỉ cấp sổ đỏ thì chỉ nên thu thuế chuyển mục đích SDĐ, với giá chỉ khoảng 10 - 20% giá thị trường. Nếu cào bằng thu 100% giá thị trường trong mọi trường hợp, DN sẽ chỉ trông chờ vào nguồn đất “sạch” vốn rất hạn chế từ nhà nước, mà không dám chủ động đầu tư các DA BĐS.
Ông Nguyễn Quốc Chiến - Trưởng ban Vật giá Sở Tài chính TP.HCM nhận xét, vấn đề là bảng giá đất hiện nay không sát giá thị trường. Trong khi chênh lệch địa tô do những chính sách quy hoạch, đầu tư hạ tầng phải thuộc về nhà nước. DN bán nhà đất theo giá thị trường nên khi áp dụng thu tiền SDĐ theo bảng giá đất thì không công bằng. Ông Chiến cho rằng quy định thu tiền SDĐ sát giá thị trường không ảnh hưởng đến những DA nhà nước giao đất, chỉ vướng đối với các DN trước đây thương lượng đền bù với dân.