Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, khu vực I, II, III khu lấn biển mở rộng TP. Rạch Giá (Kiên Giang) rộng khoảng 300ha chỉ còn lại quỹ đất rất nhỏ để quy hoạch xây dựng công viên. Nhưng không hiểu vì đâu, một doanh nghiệp lại chiếm dụng được khu đất này để kinh doanh và cho thuê trong suốt thời gian dài. Không chỉ vậy, chính quyền TP. Rạch Giá còn đưa ra lý do “xã hội hóa công viên” để nơi này tiếp tục mọc lên hai quán nhậu.

Công viên Bãi Dương (phải) đã bị chiếm dụng làm quán nhậu.

Cho không, biếu không

Từ nhiều năm qua khu vực đường Tôn Đức Thắng (từ Chi Lăng- Lạc Hồng) là nơi sầm uất nhất của dự án lấn biển. Nhưng nhà dân thì ít mà nhà hàng, quán nhậu, quán cà phê, tụ điểm ca hát… thì nhiều. Người dân nói đùa nơi này là “phường đông quán” của TP. Rạch Giá. Sự việc sẽ trở nên bình thường nếu đây là mục tiêu phát triển của thành phố và việc xây dựng, sử dụng đất tại khu vực này đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Nhưng không ! Theo quy hoạch chi tiết 1/500 Khu lấn biển mở rộng TP. Rạch Giá, toàn bộ phần đất từ vỉa hè đường đến bờ kè biển khoảng 30 m chạy dọc suốt đường Tôn Đức Thắng dành vào việc xây dựng công viên, trồng cây xanh, nhằm tạo mỹ quan cho một đô thi mới nằm bên bờ biển.

Vậy, từ một nơi được quy hoạch xây dựng công viên, trồng cây xanh, thoáng một cái nhiều nhà, lều, hàng quán mọc lên... ăn chơi, ca hát, nhảy múa ỏm tỏi do đâu?

Được biết, đầu năm 2008, UBND TP. Rạch Giá đề nghị và được UBND tỉnh Kiên Giang đồng ý chủ trương để Công ty Cổ phần Du lịch Kiên Giang đầu tư khai thác khu vực này theo đúng như quy hoạch đã được phê duyệt.Ngày 29-5-2008, UBND TP. Rạch Giá giao công viên Lạc Hồng và Bãi Dương với diện tích 10,5ha cho Công ty cổ phần Du lịch Kiên Giang.

Mặc dù chưa thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định như lập quy hoạch chi tiết 1/500, đánh giá tác động môi trường, cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất..., nhưng tại công viên Lạc Hồng, Công ty Cổ phần Du lịch Kiên Giang lập tức xây dựng nhà hàng, quầy pha chế trên diện tích quy hoạch trồng cây xanh. Doanh nghiệp này cho san lấp mặt bằng, chặt đi một số cây xanh để xây ki-ốt, bãi để xe, tum lều, lối đi và cho 14 hộ thuê đất sử dụng vào một đích kinh doanh dịch vụ ăn uống, ca hát... ở khu vực công viên Bãi Dương.

Theo kết luận thanh tra của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Văn Thi, đơn vị (Công ty Cổ phần Du lịch Kiên Giang-PV) xây dựng công trình tại khu công viên Bãi Dương khi chưa được cấp thẩm quyền giao cấp, cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng, không nộp tiền thuê đất theo quy định. Đồng thời, đơn vị xây dựng nhà hàng Ocean View và công trình phụ ở công viên Lạc Hồng không có giấy phép; không nộp tiền thuê đất nhưng sử dụng 883m2 đất công viên cây xanh để xây dựng... là vi phạm các điều khoản của Luật đất đai năm 2003 và các quy định hiện hành.

Xã hội hóa... quán nhậu?

Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng, chưa thực hiện giao đất cho thuê đất tại công viên Bãi Dương và Lạc Hồng đối với Công ty Cổ phần Du lịch Kiên Giang. Đồng thời đề nghị doanh nghiệp này nghiêm túc thực hiện các nội dung kết luận thanh tra của Chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên doanh nghiệp này vẫn chưa nộp 1,2 tỷ đồng tiền thuê đất và chưa thực hiện việc tháo dỡ những công trình xây dựng trái phép.

Trả lời báo chí vì sao chưa xử lý doanh nghiệp này, Phó Chủ tịch UBND TP. Rạch Giá Nguyễn Văn Hôn than khó khi cho rằng doanh nghiệp này lỡ ký hợp đồng cho thuê dài hạn với các hộ kinh doanh. Mặt khác doanh nghiệp và các hộ kinh doanh đã đầu tư vào cơ sở nhiều tỷ đồng.

Chuyện xử lý một doanh nghiệp bất chấp các quy định, ngang nhiên chiếm dụng đất công viên nhiều năm qua chưa xử lý dứt điểm, thì mới đây nhiều cán bộ và nhân dân địa phương bức xúc khi thấy hai công trình kiên cố xây dựng theo kiểu nhà hàng tiếp tục mọc lên tại nơi quy hoạch công viên Bãi Dương (giai đoạn 2, đoạn Đống Đa).

Được biết, hai công trình này là của Doanh nghiệp tư nhân Năm Nhỏ (kinh doanh nhà hàng) đã được UBND TP. Rạch Giá cấp phép xây dựng, nhưng chưa đầy đủ các thủ tục theo quy định. Theo ông Nguyễn Văn Hôn, thì đây là mô hình xã hội hóa công viên mà thành phố Rạch Giá đang thực hiện thí điểm theo chủ trương của UBND tỉnh Kiên Giang.

Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp thì việc kêu gọi xã hội hóa trong các lĩnh vực trong đó có việc xây dựng công trình văn hóa, khu vui chơi giải trí phục vụ cho cộng đồng như công viên là chủ trương rất hợp lý. Tuy nhiên, trong trường hợp này lại là một vấn đề khác, một mục đích khác. Ai cũng hiểu, Doanh nghiệp tư nhân Năm Nhỏ xây dựng các công trình này nhằm mục đích kinh doanh nhà hàng, quán nhậu.

Theo Việt Tiến (Báo Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.