Cùng với việc đề nghị sửa đổi chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính liên tục trong việc thực hiện chính sách này khi hết thời hạn thực hiện thí điểm Nghị quyết số 19/2008/QH12 vào cuối năm 2013, Bộ Xây dựng đã đề xuất các phương án kiểm soát chặt chẽ, hạn chế việc hình thành những “khu phố ngoại.”
Mở rộng đối tượng
Sau khoảng 5 năm thực hiện Nghị quyết 19/2008/QH12 của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cả nước có 126 người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đây là con số thấp so với một số nước trong khu vực, chứng tỏ chưa thu hút được nhiều số lượng cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua nhà ở.
Qua khảo sát cho thấy, một số trường hợp cá nhân nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp có nhu cầu về nhà ở nhưng lại được các đơn vị này xây dựng, bố trí khu nhà chuyên gia hoặc cấp tiền để họ tự thuê nhà ở. Bên cạnh đó, giá cả nhà ở tại Việt Nam trong thời gian qua tương đối cao, nên nhiều trường hợp đã chọn phương án thuê nhà ở thay vì mua nhà ở tại Việt Nam nhằm giảm chi phí. Nhiều trường hợp có nhu cầu nhưng do thời hạn làm việc dưới 1 năm nên không đủ điều kiện để sở hữu nhà ở tại Việt Nam .
Tại một số địa phương, nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động với đông đảo đội ngũ chuyên gia nước ngoài đang làm việc như: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai... nhưng lại không có nhà chung cư thương mại phù hợp và đáp ứng các yêu cầu trong sinh hoạt của người nước ngoài; nơi có nhà chung cư thương mại thì lại xa nơi làm việc, không thuận tiện cho việc đi lại của người nước ngoài khiến họ phải lựa chọn phương án thuê nhà ở để thuận tiện cho đi lại, làm việc.
Quy định tại Nghị quyết 19 của Quốc hội chỉ cho phép 5 đối tượng người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong khi trên thực tế vẫn còn nhiều đối tượng người nước ngoài khác cũng có nhu cầu này. Cụ thể như người nước ngoài làm việc tại các chi nhánh, văn phòng đại diện nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; người nước ngoài làm việc dưới 1 năm hoặc làm việc tại các doanh nghiệp nhưng không giữ chức danh quản lý hay người nước ngoài vào Việt Nam học tập, nghiên cứu - giảng dạy cho các cơ sở giáo dục tư nhân...
Mặt khác, quy định cũng hạn chế quyền được lựa chọn mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài, chỉ cho phép họ mua và sở hữu căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại chứ không được mua và sở hữu nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự hoặc nhà liền kề). Trong khi nhiều người có nhu cầu mua và sở hữu nhà ở riêng lẻ để thuận tiện trong công tác, học tập và làm việc.
Theo quy định, họ chỉ được sử dụng nhà ở vào mục đích để ở, không được cho thuê, không được góp vốn, không được kinh doanh như cá nhân trong nước. Trong khi đó, nhiều trường hợp phải di chuyển do làm việc tại nhiều nơi khác nhau thì lại không được cho thuê hoặc kinh doanh nhà ở đã mua khi họ tạm thời không có nhu cầu sử dụng.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung thêm đối tượng người nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Về tổ chức gồm: Quỹ đầu tư nước ngoài; các ngân hàng nước ngoài, chi nhánh - văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (trừ các tổ chức ngoại giao, các tổ chức phi Chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam ). Nhóm đối tượng cá nhân thì nên cho phép tất cả các đối tượng được cấp visa vào Việt Nam từ 3 tháng trở lên được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, chỉ trừ những người đang làm việc tại các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam.
Ngăn ngừa hình thành “khu phố ngoại”
Chính sách cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam còn vấp phải luồng ý kiến lo ngại việc hình thành nên các “khu phố ngoại” như thực tế đã xảy ra ở một số nước. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng khẳng định sẽ có những quy định cụ thể để ngăn ngừa tình trạng này.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ (bao gồm cả nhà biệt thự và nhà liền kề) với quy định cụ thể về diện tích, loại dự án. Mức giá cũng sẽ do Chính phủ quy định cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Số lượng và loại nhà ở mà đối tượng này được phép mua và sở hữu chủ yếu là các bất động sản trung và cao cấp nên sẽ không tác động xấu đến giá của phân khúc nhà ở dành cho các đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất 2 phương án về khối lượng sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài. Cụ thể là với cá nhân sẽ không hạn chế về số lượng còn đối với tổ chức thì căn cứ vào số lượng người nước ngoài đang làm việc cho tổ chức đó mà cho phép sở hữu nhiều căn hộ chung cư hoặc nhà ở riêng lẻ theo nhu cầu. Phương án khác được tính đến là mội cá nhân nước ngoài chỉ được phép sở hữu không quá 2 căn hộ, nhà ở riêng lẻ.
Thời hạn sở hữu dành cho cá nhân được đề xuất là trong 50 năm và được gia hạn tiếp thêm 1 lần 50 năm hoặc không quá 70 năm và không được gia hạn thêm. Theo Bộ Xây dựng, chỉ hạn chế việc mua và sở hữu nhà ở tại khu vực biên giới, các khu vực cấm hoặc hạn chế người nước ngoài cư trú, đi lại. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế và điều kiện của địa phương trong từng thời kỳ để quy định cụ thể từng khu vực cho phép bán nhà cho người nước ngoài.
Cùng đó, người nước ngoài được bán, tặng cho nhà ở thuộc sở hữu của mình sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu về nhà ở. Trường hợp bán nhà ở trước thời hạn 12 tháng thì phải nộp thuế thu nhập gấp 2 lần so với mức thuế thu nhập phải nộp theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được vay tiền của các tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở tại Việt Nam .
Bộ Xây dựng cũng khẳng định quan điểm chỉ nên cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài mua không quá 30% số lượng căn hộ trong 1 tòa nhà chung cư thương mại của dự án để hạn chế trường hợp hình thành các “khu phố ngoại” dẫn đến khó khăn, phức tạp trong việc quản lý địa bàn. Nếu là nhà ở riêng lẻ thì trên 1 đơn vị hành chính tương đương cấp phường không cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và sở hữu quá 250 căn nhà. Chiếu theo quy định hiện hành thì 1 phường trung bình có 2,5 vạn dân cư trú, sinh sống và việc cho phép mua không quá 250 căn nhà (tương đương không quá 10% số lượng dân của 1 phường) cũng sẽ tạo điều kiện cho công tác quản lý đô thị đỡ phức tạp hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, việc đề xuất sửa đổi chính sách được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế, tồn tại, góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam mua nhà ở nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, làm tăng tính thanh khoản cho thị trường; đồng thời khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đây cũng là yếu tố tạo ra sự cạnh tranh với các nước khác trong khu vực khi so sánh chính sách về sở hữu nhà ở của các tổ chức, cá nhân nước ngoài ở Việt Nam.