Trung tuần tháng 9/2011 vừa qua, Bộ Xây dựng lại có tờ trình Chính phủ ban hành một số giải pháp nhằm quản lý thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Trong đó, kiểm soát chặt nguồn vốn được lưu tâm đặc biệt và xem như giải pháp hữu hiệu để “giải cứu” thị trường bất động sản đang “nguội lạnh”.

Kiểm soát chặt nguồn vốn “giải cứu” bất động sản

Nguồn vốn là yếu tố có ảnh hưởng và chi phối lớn nhất tới thị trường bất động sản


Nhiều yếu kém


Trong thời gian qua, dù đã có rất nhiều văn bản pháp luật về đất đai nói chung và bất động sản nói riêng được ban hành, song cho đến nay, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn phát triển thiếu minh bạch.


Đây chính là một trong những lý do quan trọng khiến thị trường trồi sụt và đóng băng. Tại tờ trình Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của thị trường bất động sản bộc lộ nhiều yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định. Giá nhà, đất vẫn đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị lớn.


Bên cạnh đó, hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện, nguồn vốn chủ yếu phụ thuộc hệ thống ngân hàng và huy động của người dân mà chưa có nguồn tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người dân muốn tạo lập nhà ở.


Công tác cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, thu thuế trong giao dịch bất động sản, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất... chưa đáp ứng được yêu cầu, làm giảm khả năng thanh khoản của thị trường cũng như của hệ thống ngân hàng.


Kiểm soát chặt nguồn vốn


Từ trước đến nay, vốn luôn là yếu tố có ảnh hưởng và chi phối lớn nhất tới thị trường bất động sản. Chính vì vậy, trong giai đoạn thắt chặt tín dụng cho vay bất động sản, Bộ Xây dựng đề xuất Ngân hàng phối hợp nghiên cứu, ban hành tiêu chí cho vay bất động sản để áp dụng trong hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước có thể chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên cho vay đối với những dự án bất động sản đáp ứng các yếu tố như: có khả năng thanh khoản cao; phục vụ đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp; đã xây xong phần thô đang hoàn thiện chờ đưa vào sử dụng và tăng tỷ trọng cho vay mua nhà để ở.


Bộ Xây dựng cũng cho biết, trước mắt, ngân hàng có thể hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới (trừ nhóm nhà ở xã hội), bất động sản cao cấp (căn hộ chung cư có giá trên 30 triệu/m2, hoặc diện tích trên 120m2, biệt thự, nhà liền kề); Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình cấp tín dụng, phát hiện và xử lý kịp thời các khoản nợ quá hạn, nợ xấu; Kiểm soát hiện tượng đầu tư nội bộ của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng vào bất động sản. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, các địa phương cần nhập cuộc để rà soát, kiểm tra những dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn, yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án đã khởi công.


Qua đó, có biện pháp bảo đảm khớp nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án đã triển khai. Nếu dự án không đáp ứng đủ điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu tối thiểu về dịch vụ đô thị... sẽ không được triển khai xây dựng. Chính quyền phải kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, đã giao đất nhưng không sử dụng quá thời gian quy định của pháp luật.


Bên cạnh giải pháp về tài chính, Bộ Xây dựng còn đưa ra một số giải pháp khác, trong đó có việc đề xuất tăng tỷ lệ chung cư. Đồng thời, đề xuất Chính phủ ban hành quy định và kiểm soát khi thỏa thuận đầu tư để có thêm nhiều loại cơ cấu căn hộ trong các dự án phát triển nhà ở.


Kể từ đầu năm 2011, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng. Bộ Xây dựng đã nhiều lần đề nghị Chính phủ cần thay đổi quan điểm phân loại bất động sản, đưa bất động sản ra khỏi nhóm phi sản xuất, cùng các giải pháp “giải cứu” cho thị trường. Đến nay, Bộ Xây dựng mới chính thức hoàn tất tờ trình gửi Thủ tướng các giải pháp giúp thị trường phát triển lành mạnh.

Theo Đức Nguyễn (GTVT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.