Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ về tình hình kinh tế vừa qua, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia đã nhận định, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, biểu hiện qua các chỉ số vĩ mô vẫn chỉ dao động quanh mức thấp. Tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế vẫn ở mức yếu và chưa đủ để tạo thành xung lực giúp doanh nghiệp sớm khắc phục khó khăn, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong những năm tới.
Vì vậy, Ủy ban đề nghị cần nhanh chóng đẩy mạnh những biện pháp làm gia tăng tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế. Cụ thể hơn, đó là tăng cường hơn nữa những hỗ trợ nhằm giải quyết hàng tồn kho cho doanh nghiệp và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Theo cơ quan này, riêng đối với vấn đề tồn kho, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa lĩnh vực xây dựng bằng việc đẩy mạnh phát hành trái phiếu công trình , qua đó kích cầu kinh tế.
Xây dựng cần hồi phục để kích cầu nền kinh tế. (ảnh: Phạm Huyền)
Từ năm 2005 đến nay, lĩnh vực xây dựng có đóng góp tới 8-10% vào tổng sản lượng quốc nội hàng năm (GDP) và luôn duy trì được tốc độ tăng mạnh từ 10-12% năm. Tuy nhiên, năm 2012 đã là năm thứ 2 liên tiếp sản lượng và tăng trưởng của lĩnh vực này suy giảm.
Nếu như các năm trước, ngoại từ năm 2009, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực xây dựng thường từ 10-12% thì năm 2011, ngành xây dựng tăng trưởng âm 0,97%. 9 tháng đầu năm nay, tốc độ âm vẫn duy trì, tăng trưởng ngành xây dựng giảm sâu hơn là âm 3,43%. Chính vì thế, tỷ trọng đóng góp vào GDP trong 9 tháng qua của ngành này đã chỉ còn ở mức 7,61% thay vì các mức trên 8% trước đó.
Vì vậy, cần sớm có giải pháp cụ thể nhằm khôi phục lĩnh vực xây dựng, thông qua đó kích cung và cầu của nển kinh tế. Việc phát hành trái phiếu công trình có định hướng tập trung vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, gây tác động lan tỏa nhằm kích cầu để tăng trưởng kinh tế sớm có thể hồi phục.
Giải pháp này khá phù hợp với tình trạng suy giảm sản lượng những ngành sản xuất liên quan lĩnh vực xây dựng - bất động sản. Theo thống kê, 10 tháng năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011, sản lượng xi măng giảm 5,1%, thép tròn giảm 9,8%, thép thanh, thép góc giảm 5,2%, kính thủy tinh giảm 17,3%, gạch xây bằng đất nung giảm 4,9%; gạch lát ceramic giảm 3%;