Cấp phép xây dựng và chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thực hiện quy hoạch là hai vấn đề được thảo luận tại cuộc họp ngày 17-1 giữa UBND TP.HCM với các sở, ngành.
Hình thành nhiều phố đi bộ
Theo quy hoạch, Khu trung tâm 930 ha chia làm năm phân khu. Tại phân khu 1 (khu lõi trung tâm thương mại tài chính), các công trình xung quanh những công trình kiến trúc có giá trị lịch sử như trụ sở UBND TP, Nhà hát TP và chợ Bến Thành “phải được kiểm soát nghiêm ngặt về tầng cao để có thể giữ gìn cảnh quan lịch sử”. Tuy nhiên, các khu vực gần nhà ga và công trường Mê Linh có thể được phép phát triển mật độ cao.
Về giao thông, phân khu 1 được bố trí thành khu vực dành cho người đi bộ. Đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ sẽ được chuyển đổi thành các phố buôn bán bộ hành. Vòng xoay trước chợ Bến Thành cũng được chuyển thành khu đi bộ. Ngoài ra, đường Đồng Khởi và một phần đường Huỳnh Thúc Kháng (đoạn giữa Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Hàm Nghi) cũng dành cho người đi bộ, chỉ cho phép ô tô, xe máy phục vụ các công trình thuộc tuyến ra vào.
Tầng cao công trình quanh những kiến trúc có giá trị lịch sử như trụ sở UBND TP, Nhà hát TP và chợ Bến Thành sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt để có thể giữ gìn cảnh quan. Ảnh: HTD
Công trình cao tầng dọc sông Sài Gòn
Phân khu 2 có chức năng khu trung tâm văn hóa-lịch sử, đa số là các khu đất xây dựng mật độ thấp, bao gồm công viên, trường ĐH, công trình văn hóa, hành chính, tôn giáo và bệnh viện. Trong khi đó, phân khu 3 (khu bờ tây sông Sài Gòn) là những công trình cao tầng, kết nối giữa khu trung tâm hiện hữu và Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Phân khu 4, gọi là khu thấp tầng, có những công trình lịch sử, nhiều nhà biệt thự từ thời Pháp thuộc. Chiều cao, mật độ xây dựng các công trình trong khu biệt thự sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Còn phân khu 5 phát triển công trình cao tầng ở các vị trí gần nhà ga Bến Thành, dọc đường Hàm Nghi, kênh Bến Nghé và đoạn nối dài của đường Nguyễn Thái Học sang quận 4 với chức năng văn phòng và thương mại. Các ô phố gần nhà ga Bến Thành sẽ có chiều cao tối đa hơn 200 m.
Phân khu 1: Phía bắc và phía đông giáp đường Tôn Đức Thắng, phía tây giáp đường Lê Lai và Lê Thánh Tôn, phía nam giáp đường Phạm Ngũ Lão và Hàm Nghi. Phân khu 2: Phía bắc giáp rạch Thị Nghè và đường Hoàng Sa, phía tây giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai, phía nam giáp đường Cống Quỳnh, phía đông giáp đường Lê Lai và Lê Thánh Tôn. Phân khu 3: Phía bắc giáp cầu Sài Gòn, phía tây giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng, phía nam giáp đường Nguyễn Tất Thành, kênh Tẻ, phía đông giáp sông Sài Gòn. Phân khu 4: Phía bắc giáp rạch Thị Nghè và đường Hoàng Sa, phía tây giáp đường Võ Thị Sáu, phía nam giáp đường Cách Mạng Tháng Tám, phía đông giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai. Phân khu 5: Phía bắc giáp đường Hàm Nghi và Phạm Ngũ Lão, phía tây giáp đường Nguyễn Thái Học và Cống Quỳnh, phía nam giáp đường Hoàng Diệu, phía đông giáp đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Tất Thành. Trong quá trình lập quy hoạch chi tiết 1/2.000 cho Khu trung tâm 930 ha, việc cung cấp thông tin quy hoạch cho các dự án phải tạm dừng. Nay điều này đã được tháo gỡ. Về phía người dân thì trước nay vẫn được cấp phép xây dựng bình thường. Tôi cho rằng cái được lớn nhất của việc phê duyệt quy hoạch khu trung tâm là mang lại sự minh bạch, rõ ràng và thuận lợi cho các chủ đầu tư lẫn người dân khi xin phép xây dựng. Ông QUÁCH HỒNG TUYẾN, |