“Việc cấp phép xây dựng cho toàn bộ khu trung tâm hiện hữu 930 ha (gồm một phần các quận 1, 3, 4, Bình Thạnh) phải được thực hiện theo Quy chế Quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đô thị vừa được phê duyệt” - đó là yêu cầu của UBND TP.HCM. Vậy quy chế này giúp ích được gì cho người dân?
Cơ sở để cấp phép xây dựng
Phóng viên: Lâu nay người dân, chủ đầu tư thường thắc mắc: Tại sao hai khu đất nằm gần nhau nhưng chỉ tiêu về tầng cao, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng… lại khác nhau. Nhiều ý kiến còn cho hay không dễ tiếp cận với các thông tin quy hoạch. Vậy quy chế vừa ban hành có giải quyết được vấn đề trên không?
+ Ông Trương Trung Kiên, Trưởng phòng Quy hoạch khu trung tâm, Sở QH-KT TP.HCM: Quy chế Quản lý kiến trúc đô thị là cơ sở để giải quyết cấp phép xây dựng cho khu trung tâm hiện hữu 930 ha. Khi chưa có quy chế này, người dân và các chủ đầu tư thường hỏi cơ quan chức năng dựa vào đâu mà giải quyết tầng cao khác nhau. Chúng tôi trả lời như thế nào cũng khó thuyết phục được họ. Do đó, việc ban hành quy chế đã đem lại sự minh bạch rõ ràng trong thông tin quy hoạch, đặc biệt là cơ sở để giải quyết cấp phép xây dựng cho người dân, chủ đầu tư.
Với quy chế quản lý không gian kiến trúc mới thì sẽ không còn những tòa nhà cao thấp khác nhau gây mất mỹ quan như trước kia. Ảnh: HTD
Theo ông, quy chế này có làm hài lòng người dân hay không?
+ Quy chế quản lý kiến trúc đô thị là vấn đề hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam. Chúng tôi phải tự mò mẫm đường đi, vừa bàn vừa làm để góp ý phản biện cho đơn vị tư vấn là Nikken Sekkei. Nếu mức độ hài lòng chừng 90% cũng đã là chấp nhận được, vì thật sự sẽ rất khó đáp ứng nguyện vọng của tất cả mọi người.
Trong quá trình triển khai, nếu có phát sinh những bất cập thì chúng tôi sẽ tiếp tục chỉnh sửa để hoàn thiện. Đó là việc hết sức bình thường.
Ai cũng được quyền xem
Quy chế này đã thể hiện gần như từng thửa đất trong từng ô phố. Vậy có phải bây giờ người dân ngồi nhà vẫn biết được căn nhà mình đang ở, mảnh đất dự định mua sẽ được xây bao nhiêu tầng, hệ số sử dụng đất bao nhiêu, mật độ xây dựng, khoảng lùi… ra sao?
+ Đã có quy chế quản lý kiến trúc thì người dân không cần phải xin cung cấp thông tin quy hoạch mới biết khu đất của mình được phép xây dựng như thế nào. Với quy chế này, họ có thể tự tìm hiểu thông tin quy hoạch cho địa chỉ thửa đất, ô phố về tầng cao tối đa, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, khoảng lùi... Sau đó đối chiếu thêm các điều kiện được quy định tại chương về nguyên tắc chung như: diện tích, kích thước khu đất, lộ giới đường hẻm… để suy ra chỉ tiêu của công trình như tầng cao tối đa được phép xây dựng.
Mọi người dân, chủ đầu tư đều được quyền xem quy chế này?
+ Quy chế này được ban hành công khai, trước mắt sẽ in thành 16 quyển dày khoảng 500 trang có đóng dấu gửi cho các cơ quan chức năng triển khai thực hiện. Chúng tôi cũng dự định sẽ chuyển bảng quy chế thành file để đăng tải trên website của TP và Sở QH-KT. Tuy nhiên, xem thông tin trên file sẽ khó hơn bản giấy in.
Cũng có thể Sở sẽ in và bán bản quy chế này cho người dân có yêu cầu. Nhưng có lẽ không phải ai cũng cần có một quyển Quy chế Quản lý không gian kiến trúc đô thị. Chúng tôi sẽ tập trung đầu mối là các đơn vị tư vấn, các kiến trúc sư vì họ có chuyên môn nên sẽ truyền đạt lại chính xác thông tin cho chủ đầu tư.
Xin cảm ơn ông.
Không hồi tố với các dự án trước đây Các dự án đã được TP chấp thuận chỉ tiêu trước khi có quy hoạch 1/2.000 và quy chế này thì được thực hiện theo các chỉ tiêu đó khi cấp phép xây dựng. Nếu dự án có thay đổi thì áp dụng theo định hướng đã được chấp thuận hoặc quy hoạch 1/2.000 và quy chế để tạo sự đồng bộ với các công trình lân cận. Các trường hợp này đều phải thông qua Hội đồng QH-KT TP trước khi báo cáo TP. (Trích Quyết định 3457/2013 của UBND TP về duyệt Quy chế Quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị khu trung tâm hiện hữu 930 ha) Khu vực được xây cao nhất khu trung tâm 930 ha thuộc về 12 ô phố tại lõi trung tâm thuộc phân khu 1 với chiều cao tối đa tới 150-160 m. Ví dụ như ô phố Hồ Huấn Nghiệp - Đồng Khởi - Ngô Đức Kế có tầng cao tối đa 150 m. Trong khi đó, bảy ô phố thuộc phân khu 4 được xây thấp nhất. Ví dụ như ô phố Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu - Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu tầng cao tối đa 25 m. |