TP HCM được xem là địa phương dẫn đầu cả nước về những công trình, dự án lớn. Tuy nhiên, điều đó cũng tỷ lệ thuận với việc địa phương luôn xếp “ngôi đầu bảng” về những công trình chậm tiến độ, gây lãng phí tiền tỷ. Chỉ tính riêng trong năm 2010, TP HCM đã có tới gần 60 công trình chậm tiến độ. Loạt bài này sẽ đề cập tới một loạt những công trình dự án lớn gây lãng phí.

Khu đô thị treo gần 20 năm


Bán đảo Thanh Đa (Q. Bình Thạnh - TP HCM) là một trong những khu “đất vàng” tại TP HCM. Thế nhưng sau gần 20 năm, kể từ khi UBND TP HCM có chủ trương xây dựng khu “đất vàng” với diện tích 410 ha này thành khu đô thị mới, khu vui chơi giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng hiện đại, đến nay dự án vẫn chưa thấy nhúc nhích trong khi đất vàng bị lãng phí, cuộc sống của nhiều DN, người dân ở đây bị xáo trộn.


Khổ vì dự án “treo”


Ai cũng biết là dự án này được quy hoạch từ lâu để trở thành một khu đô thị hiện đại nhưng khi đặt chân tới đây không khỏi “ngỡ ngàng” trước cảnh “im lìm”. Bởi vì hầu như không có gì thay đổi so với vài năm về trước, nhà cửa, đường xá khu này vẫn lụp xụp, lầy lội, cũ nát và chỉ cần một trận thủy triều nhỏ là những con đường bì bõm nước. Nhiều hộ gia đình muốn bán đất để tìm chỗ khác an cư cũng khó vì vướng quy hoạch.


Còn ông Phạm Văn Hồng, chủ cửa hàng VLXD Thanh Hồng, đường Thanh Đa cho hay, “vì vướng quy hoạch nên cửa hàng của tôi muốn mở rộng, xây mới cửa hàng cũng quá khó. Trường hợp nhà kho bị xuống cấp nghiêm trọng, nếu xin phép cấp phường thì phường cũng cho sửa sang xây lại nhưng với điều kiện kèm theo là tường chỉ được xây cao tối đa 2m, từ cao trên 2m không còn thuộc thẩm quyền của phường nữa”.


“Không phải chỉ mới 19 năm nay đâu mà từ lúc sau giải phóng tôi đã nghe bàn chuyện quy hoạch, phát triển khu đô thị Thanh Đa, nhưng tới giờ vẫn chưa thấy nhúc nhích gì. Hàng ngàn hộ dân sống trong vùng quy hoạch treo này vẫn đang dài cổ chờ đợi dự án được triển khai mà không biết tới bao giờ”. Ông Hồng tâm sự.


Tới thời điểm hiện nay, có thể khẳng định, bán đảo Thanh Đa là khu dân cư bị “treo” lâu nhất tại TP HCM - lên tới 19 năm. Đã có thời gian, chính quyền phường buông chuyện xử phạt vi phạt theo kiểu “giương cao đánh khẽ” để mặc người dân tự sửa chữa nhà cửa, nhưng một thời gian, quận lại cấm trở lại. Một số DN có cơ sở tại đây nóng lòng muốn bán đất hoặc sang lại cửa hàng tìm chỗ kinh doanh mới nhưng nghẹt nỗi vướng quy hoạch treo nên đất đai tại đây không không được sang nhượng và cũng không ai dám mua.


Quan điểm xuất phát


GS TS Hồ Đức Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế phát triển TP HCM cho rằng: Chưa có dự án khu đô thị nào lại bị “treo” quá lâu như Thanh Đa. Cứ với tiến độ này, chắc chắn trong vài năm nữa, ngay cả chuyện bàn giao mặt bằng cũng khó thực hiện chứ đừng nói là sẽ có thể triển khai xây dựng theo đúng thiết kế quy hoạch.


Còn theo ông Đặng Văn Khoa, Đại biểu HĐND TP HCM, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai dự án bán đảo Thanh Đa là do TP đặt Thanh Đa chưa đúng tầm và thiếu nhất quán trong chủ trương đầu tư cũng như chính sách quy hoạch.


Nhận định của ông Khoa không phải không có cơ sở khi mà ngay từ năm 1992, dự án quy hoạch bán đảo Thanh Đa - Bình Quới đã được UBND TP HCM quy hoạch thành khu đô thị, khu văn hóa, thể thao, nghỉ dưỡng. Nhưng vì những lý do, cả chủ quan lẫn khách quan, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”, nên tới năm 2004, tức là sau 12 năm, để xóa quy hoạch “treo” thành phố đã ban hành quyết định thu hồi, tạm giao đất cho Tcty Xây dựng Sài gòn làm chủ đầu tư dự án.


Ngày13/11/2006, Sở Tài nguyên Môi trường TP và UBND Q.Bình Thạnh đã có văn bản số 9814, với nhận định TCtyXây dựng Sài Gòn “không đủ năng lực đầu tư dự án, không có quỹ nhà tái định cư”, đồng thời kiến nghị UBND TP HCM thu hồi quyết định tạm giao đất cho đơn vị này trong khi văn bản giao đất trên vẫn còn hiệu lực.


Để tránh nguy cơ bị thu hồi dự án, chủ đầu tư đã tìm kiếm một số đối tác để cùng hợp tác đầu tư, khai thác. Cuối cùng bốn Cty: Cty CP Hoàng Anh Gia Lai, Sacomreal, Sacombank, Cty CP Đầu tư Địa ốc Vạn Phúc đã cam kết góp vốn cùng TCty Xây dựng Sài Gòn thực hiện dự án. Theo đó, TCty Xây dựng Sài Gòn sẽ góp 10%, bốn cổ đông còn lại chiếm 90% trong tổng số vốn dự tính ban đầu là 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 7/8/2007, Văn phòng HĐND và UBND TP HCM đã ra thông báo số 545/ TB- VP về việc đã có chủ trương đấu thầu dự án khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa mà không đề cập gì tới chủ đầu tư cũ là TCty Xây dựng Sài Gòn.


Rồi sau một thời gian “hâm nóng”, người dân sống ở khu vực này lại thất vọng, tiếp tục chờ trong sự im lặng, không thấy rục rịch gì từ phía chủ đầu tư. Đã hơn 4 năm, kể từ 2007, dự án này dường như đang bị lãng quên, mọi thứ dường như không có gì thay đổi, bởi dù có muốn thay đổi cũng bị bó do nhiều yếu tố.


Như vậy, sau gần 20 năm, kể từ khi thành phố có chủ trương quy hoạch bán đảo Thanh Đa thành khu đô thị hiện đại kết hợp với phát triển các loại hình, dịch vụ du lịch với sự tham gia của nhiều chủ đầu tư. Song đến nay, khu “đất vàng” tuyệt đẹp của TP HCM vẫn chưa thành dáng thành hình. Liệu bao giờ dự án bán đảo này mới thực sự chuyển động để chấm dứt chuỗi ngày khốn khổ của DN, người dân đóng trên địa bàn và “đất vàng” được khai thác, sử dụng một cách hiệu quả vẫn là một câu hỏi?

Theo Nguyễn Thành (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.