Dự án khu đô thị Sing Việt (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM) quy mô 300ha, đã “treo” suốt 12 năm. Hàng trăm hộ dân trong vùng quy hoạch dự án này có đất mà không được canh tác, có nhà nhưng không thể an cư.

Dự án hoành tráng, dân mù tịt thông tin


Tháng 12-1999, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty liên doanh Đô thị Sing Việt. Theo dự án, liên doanh này sẽ đầu tư xây dựng, kinh doanh một khu liên hợp thể thao (gồm: sân quần vợt, sân golf, sân tập, câu lạc bộ, trường đua ngựa - ô tô - mô tô, trường đua xe đạp, bể bơi, hồ lặn, trung tâm bowling, bi da Marinas…), bán thẻ hội viên các câu lạc bộ thể thao và thiết lập hệ thống kinh doanh vé số đặt cược đua ngựa trong và ngoài trường đua trên địa bàn TPHCM.


Ngoài ra, nơi đây sẽ được xây dựng thành một khu liên hợp du lịch, thương mại (nhà hàng, khách sạn, biệt thự, trung tâm thương mại) và các căn hộ chung cư dành cho người thu nhập trung bình - thấp. Vốn đầu tư của công ty liên doanh này là 120 triệu USD.


Thế nhưng từ khi có giấy chứng nhận đầu tư đến nay, dự án này án binh bất động, không có bất kỳ hoạt động đầu tư đáng kể nào. Cả khu đất rộng lớn hơn 300ha nằm trong vùng quy hoạch dự án - phần lớn là đất nông nghiệp - bị bỏ hoang hóa.


Năm 2007, phía Việt Nam đã rút khỏi liên doanh này, chỉ còn 4 công ty nước ngoài đầu tư vào dự án. Công ty liên doanh Đô thị Sing Việt chuyển thành Công ty TNHH Đô thị Sing Việt (Sing Viet City LTD), tiếp tục được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án này vào tháng 3-2008.


Khu đô thị Sing Việt: Chờ ngày khai tử?

Tấm bảng quy hoạch chi tiết khu đô thị Sing Việt không còn thấy chữ,
cỏ cây dại mọc đến đầu người. Ảnh: THANH VY

Tuy nhiên, UBND TPHCM yêu cầu chủ đầu tư thực hiện dự án phải đảm bảo tiến độ được giao. Cụ thể: trong năm 2008 thanh toán tiền đền bù giải tỏa, thiết kế và xây dựng 1.300 căn hộ; từ tháng 9-2008 xây dựng 3.000 căn hộ và trường học; từ tháng 7-2009 xây dựng sân golf và bệnh viện; từ tháng 9-2009 xây dựng 4.000 căn hộ và trung tâm thương mại; đến tháng 1-2011 xây dựng trường đua ngựa; từ tháng 5-2011 xây dựng 6.700 căn hộ, khách sạn, nhà hành chính.


Thế nhưng thực tế từ năm 2003 đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa thỏa thuận được giá đền bù và thu hồi xong phần đất xây dựng dự án. Mọi thủ tục liên quan đến bồi thường chỉ thông qua vài cán bộ địa phương, người dân hoàn toàn mù tịt thông tin về chủ đầu tư.


Ông Phạm Văn Bao, một người dân bị thu hồi đất, bức xúc: “Mức giá bồi thường chỉ 150.000 đồng/m2 đất nông nghiệp và 1,8 triệu đồng/m2 đất ở, quá thấp so với giá thị trường. Trước khi tiến hành thu hồi đất, không ai lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư, mà tự ý áp đặt, buộc chúng tôi phải thực hiện”.


Giá đền bù quá thấp là nguyên nhân khiến gần 100 hộ dân khiếu nại gay gắt. Bên cạnh đó, do năng lực tài chính yếu kém, chủ đầu tư không thể chi trả tiền đền bù để giải phóng mặt bằng, đã làm dự án “án binh bất động”.


Chính quyền bó tay?


Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết: “Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện đã nhiều lần nhắc nhở chủ đầu tư chuyển kinh phí đền bù để chi trả cho các hộ dân, nhưng họ vẫn phớt lờ.


Do các hộ dân trong vùng quy hoạch dự án phải chịu cảnh sống khốn đốn suốt nhiều năm và xét thấy năng lực của chủ đầu tư không đảm bảo triển khai dự án, UBND huyện Bình Chánh vừa kiến nghị UBND TP thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Công ty TNHH Đô thị Sing Việt, để giao cho nhà đầu tư khác tiếp tục thực hiện dự án”.


Được biết, đến nay chủ đầu tư dự án này chỉ mới chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 303 hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi (đạt 53%), còn 268 hộ có đất nông nghiệp và 100% hộ có đất ở chưa được bồi thường vì chủ đầu tư chưa có dự án tái định cư để bố trí, di dời.


Nếu tính theo tiến độ của giấy chứng nhận đầu tư, đến nay việc bồi thường đã chậm gần 3 năm. Trong khi đó, dù chưa triển khai dự án tái định cư nhưng trong quá trình chi trả tiền bồi thường, chủ đầu tư đã lập phiếu thu tạm giữ lại số tiền từ 500-800 triệu đồng của mỗi hộ để sau này cấn trừ vào đất nền tái định cư.


Hiện UBND TP đã có thông báo khẩn đến các cơ quan chức năng, chỉ đạo phối hợp kiểm tra, rà soát lại dự án khu đô thị Sing Việt để báo cáo và nêu ý kiến đề xuất lên UBND TP theo 2 hướng: Một là ngưng dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.


Hai là tiếp tục thực hiện dự án nhưng chủ đầu tư phải có cam kết cụ thể về tiến độ từng giai đoạn. Song, theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, căn cứ vào thời điểm phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng là tháng 1-2009, nếu đến tháng 1-2012 chủ đầu tư chưa hoàn tất bồi thường, mới có cơ sở để rút giấy chứng nhận đầu tư.


Luật sư NGUYỄN VĂN TRƯỜNG (Đoàn Luật sư TPHCM)


Người dân có thể kiện chủ đầu tư


Căn cứ Điều 68 Nghị định 108 hướng dẫn về Luật Đầu tư, nếu dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng sau 12 tháng chủ đầu tư không triển khai, hoặc dự án chậm tiến độ, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư có quyền tạm ngưng dự án và rút giấy phép.


Như vậy, với giấy chứng nhận đầu tư UBND TP cấp cho chủ đầu tư vào tháng 3-2008, đã có đủ cơ sở để tạm ngưng hoặc rút giấy phép theo quy định của pháp luật.


Nếu dự án này bị “khai tử”, ngoài việc ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, còn để lại nhiều hệ quả xấu. Vì với những hộ dân chưa nhận được tiền đền bù, dĩ nhiên có thể kiện chủ đầu tư đòi bồi thường thiệt hại vì nhiều năm mất thu nhập, thiệt hại về tinh thần.


Còn với những hộ đã nhận được phần tiền đền bù, sẽ phải có phương án giải quyết hợp lý để đảm bảo cho đôi bên. Tuy nhiên, khả năng người dân trả lại chủ đầu tư một phần tiền đã nhận sẽ rất thấp, vì đa số người dân nông thôn khi nhận được tiền đã tiêu xài hết.

Theo Minh Nhật (Sài gòn Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.