Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) rộng trên 28.000ha, mới chỉ cho thuê 360ha. Ảnh: Cao Hùng
KCN bỏ hoang, vẫn quy hoạch… mở thêm
Tháng 7.2014, UBND tỉnh BP đã buộc phải thu hồi giấy phép đầu tư KCN Sài Gòn - BP (454ha), do bị bỏ hoang từ năm 2008 đến nay. Trước đó, hàng loạt KCN khác ở tỉnh BP cũng đang trong cảnh hoang hóa, bỏ thì thương, mà vương thì… vô cùng lãng phí.
KCN Minh Hưng 3, dù đã đầu tư khoảng 190 tỉ đồng cho cơ sở hạ tầng, nhưng thu hút đầu tư hiện vẫn èo uột. Tại KCN An Phước Hưng, mới trồng vài hàng cây xanh… Còn KCN Sài Gòn - BP, chủ đầu tư đã… tháo chạy. Dù Chính phủ cho phép bổ sung quy mô diện tích để KCN tỉnh BP phát triển, thế nhưng thực tế không như mong đợi: 8 KCN ở BP được bổ sung diện tích, thì tỉ lệ lấp đầy chỉ đạt… 6% (trong khi quy định đạt 60% mới xin quy hoạch bổ sung). Hiện nay, với 8 KCN được Thủ tướng chấp thuận quy hoạch với diện tích 5.244ha, cộng Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư 28.364ha; gần đây, tỉnh BP tiếp tục giao và bổ sung cho Cty Becamex IDC 5.639ha; như vậy, tổng diện tích đất đai của BP dành cho KCN đã “tròm trèm”… 40.000ha.
Thế nhưng, việc lấp kín diện tích đất KCN rộng lớn trên không đơn giản. Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh BP tháng 9.2014, 8 KCN với tổng diện tích 5.244ha, mới lấp kín được … 506,1ha (tỉ lệ 9,68%). Riêng khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư (28.364ha), mới cho thuê được 389ha (tỉ lệ 1,37%). Như vậy, đại đa số diện tích KCN - khu kinh tế còn lại của BP… để trống, hoang hóa và lãng phí. Dù vậy, tháng 10.2014, tỉnh BP tiếp tục triển khai KCN khác … “khủng” hơn, táo bạo hơn - dự án khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp Đồng Phú, có diện tích trên 14.500ha. Dự án này, trải rộng 5 xã, gây đảo lộn cuộc sống của hàng ngàn hộ dân… Ông Dung Quý Đông - ngụ xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú - cho rằng: “Hoàn toàn hoang tưởng, khi BP tiếp tục thu hồi hàng chục ngàn hécta đất của dân cho dự án KCN “khủng” trên. Người dân sẽ bần cùng hóa”.
Ông Nguyễn Văn Trăm - Chủ tịch UBND tỉnh BP - cho rằng: “Dự án khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp Đồng Phú là chủ trương, ước mơ của lãnh đạo chính quyền và nhân dân tỉnh BP, nhằm phát triển BP thành một tỉnh công nghiệp. Người dân không thấy được rằng, 1ha đất nông nghiệp hiện chỉ khoảng 400 triệu đồng, nhưng khi dự án hình thành, chỉ 1 lô đất bồi thường cho người dân đã trị giá 1 tỉ đồng”. Phản bác ý kiến trên, ông Trần Văn Minh - ngụ xã Tân Lập, huyện Đồng Phú - bức xúc nói: “Tôi không cần lô đất 1 tỉ đồng… trong tương lai ấy, cái chúng tôi cần bây giờ là chỉ 1ha đất nông nghiệp trị giá 400 triệu đồng, cả nhà tôi không bị đói, có việc làm, có đất sản xuất… là no ấm, hạnh phúc rồi”.
Hãy phát triển KCN một cách… thông minh!
Lấy mốc từ năm 1991, khi 2 KCN Bình Đường và Sóng Thần 1 ra đời đầu tiên ở tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương), đến nay đã tròn 24 năm, VN đã có 283 KCN, khu chế xuất, với tổng diện tích 76.000ha, thuộc 58 tỉnh - thành. Ngoài ra, còn có hàng ngàn cụm công nghiệp do các địa phương làm chủ quản. Các KCN đã huy động sức mạnh tổng hợp của nhiều thành phần kinh tế, thu hút trên 7.000 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đầu tư cho tới thời điểm hiện nay vào khoảng 60 tỉ USD; giải quyết việc làm cho khoảng 1,5 triệu người. Sự phát triển KCN đã tạo đà cho cả nền kinh tế đất nước phát triển theo hướng “công nghiệp hóa”.
Tuy nhiên, khác với các quốc gia khác vốn có một nền công nghiệp có sẵn lâu đời, thì một đất nước vốn thuần túy là nền kinh tế nông nghiệp hàng ngàn năm như VN, không dễ gì “công nghiệp hóa” trong một sớm một chiều. Thay vì phát triển KCN theo một lộ trình có quy hoạch khoa học, không vội vàng; thì thực tế cho thấy, sau những KCN đầu tiên hình thành ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, một khoảng thời gian khá dài, nhiều tỉnh - thành ở mọi miền đất nước đã đua nhau đầu tư các KCN… bất chấp hiệu quả. Việc này gây hệ lụy, hàng ngàn hécta đất KCN bị quy hoạch “treo”, hoang hóa, gây lãng phí… Và tệ hại hơn, hàng trăm ngàn hộ dân không có đất sản xuất, đời sống khó khăn trăm bề, tranh chấp đất đai bùng nổ…