-
Bỏ hoang
Đà Nẵng hiện có 6 KCN chiếm diện tích gần 1.200 ha. Theo thống kê của Ban Quản lý các KCN và KCX Đà Nẵng, diện tích đất cho thuê mới chỉ dừng lại ở 576,5 ha, số còn lại vẫn đang chờ dự án.
KCN Liên Chiểu là điển hình việc chậm thu hút các dự án. Được thành lập từ năm 1998, trên diện tích hơn 373ha với tổng vốn đầu tư gần 37 triệu USD. 14 năm thành lập, đã 3 lần thay đổi chủ đầu tư và điều chỉnh về diện tích xuống còn gần 300ha nhưng vẫn còn hơn 100ha đất thương phẩm chưa khai thác. Đại diện một số KKT cho rằng, mặt bằng chưa khai thác rồi cũng sẽ đầy nhưng nếu nói lãng phí thì không thể bằng các KKT.
Người lao động không mặn mà trước nhu cầu tuyển dụng tại KCN Hòa Khánh, Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Hùng |
KKT Nhơn Hội (Bình Định) tổng diện tích 1.325ha, là KKT trọng điểm của miền Trung. Ngoài vốn đầu tư 900 tỷ đồng tái định cư và xây đường dẫn vào khu kinh tế chi từ ngân sách, 1.167 tỷ đồng còn lại do các đơn vị kinh doanh hạ tầng đầu tư để san ủi mặt bằng.
Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, đến nay KKT này vẫn mênh mông… cát. Hiện tại, 35 dự án đăng ký đầu tư chỉ mới chiếm khoảng 10% diện tích của toàn KKT, còn nếu tính diện tích các dự án đã được xây dựng thì chưa đến 1% tổng diện tích.
Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó ban Quản lý KKT Bình Định, với đà này, 100 năm nữa chưa lấp đầy KKT Nhơn Hội. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng ì ạch này, như chậm giải phóng mặt bằng và giao đất, xây dựng hệ thống nước sạch quá tốn kém… Nhưng lý do chính, theo ông Toàn, là các nhà đầu tư đều bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế nên đành “trùm mền” dự án.
Việc dự án “treo” gây lãng phí đất đã đành nhưng công tác quản lý đất đai tại KKT Dung Quất lại bộc lộ nhiều bất cập nên cũng gây không ít lãng phí. Những năm qua, đơn vị này đã cấp 273 chứng chỉ quy hoạch cho 228 dự án dài và ngắn hạn với tổng diện tích gần 2.500ha. Trong đó có 49 chứng chỉ cấp cho 49 dự án với diện tích hơn 580ha mà các nhà đầu tư không triển khai đầu tư theo quy định, nhiều diện tích bị “treo”.
Thực tế này giải thích vì sao những hộ dân nhường đất xây dựng KKT Dung Quất trở nên bức xúc, nhất là khi biết ruộng đất của mình bị bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng mục đích khi nhường đất cho dự án.
Ông Đào Minh Hường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, thẳng thắn nói: “Khảo sát của ngành nông nghiệp cho thấy, nhiều diện tích ở KKT Dung Quất đang để cho cỏ mọc từ nhiều năm qua”.
TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH đơn vị TPHCM, cho rằng: “Đứng trên quan điểm phát triển vùng, các địa phương miền Trung cần rà soát lại quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh. Việc miễn tiền thuê đất vĩnh viễn hoặc trong 10-15 năm đã không có gì thúc ép các nhà đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng và thu hút các doanh nghiệp lấp đầy diện tích đất được giao. Chính sách ưu đãi tối đa về thuế và đất đai nhưng không kèm theo điều kiện ràng buộc đối với nhà đầu tư đã trở thành “con dao 2 lưỡi” khiến nhiều địa phương rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong thu hút đầu tư”.
-
Dân chịu thiệt
Sau gần 7 năm triển khai thực hiện, dự án khu dân cư Tây An Hà - Quảng Phú, phường An Phú (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đến nay vẫn dang dở. 100 hộ dân nhường đất cho các dự án trong KKT mở Chu Lai được bố trí tái định cư nhưng 29 trong số đó chưa được bố trí TĐC và chưa thỏa thuận xong phương án đền bù. Do vậy, từ nhiều năm nay, các hộ dân phải sống trong những căn nhà xuống cấp, tạm bợ.
Điều khiến họ lo lắng hơn cả là với số tiền đền bù đã được nhận, khi được bố trí tái định cư sẽ không có đủ tiền để xây nhà vì giá cả vật liệu đã tăng hơn rất nhiều so với trước. Ông Đỗ Thành (57 tuổi) nói: Khi nhường đất cho dự án, được hứa là cấp đất, tiền, tạo công ăn việc làm nhưng thời gian càng trôi qua dân càng thấy kham khổ.
Cạnh đó, Khu tái định cư Đồng Rướng thuộc thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận (KKT Dung Quất) nơi đang có 48 hộ nông dân phải rời bỏ đồng đất quê mình về đây sinh sống.
Ông Nguyễn Văn Xuân (59 tuổi) than thở: “Gia đình tôi bị thu hồi hơn 9.000m² đất nông nghiệp. Đất giao một lần, còn tiền đền bù không được nhận trọn gói mà phải nhận thành nhiều đợt. Ban đầu, giá đền bù chỉ 5.100 đồng/m². Từ năm 1997 đến nay, tôi đã nhận 6 lần tiền, giá đền bù tăng lên mức cao nhất nhưng cũng chỉ đạt 89.000 đồng/m². Gia đình tôi từ trước đến nay chỉ làm nông nghiệp, không còn ruộng để làm nên phải mua gạo về ăn".
Theo kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi, để thực hiện các dự án tại KKT Dung Quất, có hơn 11.000 hộ dân đã bị thu hồi hơn 3.000ha đất. Có 17 khu tái định cư cho khoảng 2.000 hộ dân bị di dời, giải tỏa được xây dựng nhưng trong đó có tới 14 khu tái định cư kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thậm chí có một số khu đã xuống cấp nghiêm trọng. Còn trong số 12.000 lao động tại các doanh nghiệp trong KKT Dung Quất chỉ có 394 người bị thu hồi đất được tạo việc làm.
Tình trạng trên cũng rơi vào KKT Nhơn Hội. Khi xây dựng KKT này, có 6.803 hộ với 37.129 nhân khẩu, sinh sống bằng các ngành nghề: nông, lâm, ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ, được bố trí tái định cư đến các địa điểm mới. Đến nay, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm kê, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng cho trên 27 dự án và công trình tại KKT Nhơn Hội, đã giải phóng mặt bằng 1.935ha trong 5.000 ha cần giải phóng mặt bằng nhưng mới có gần 300 hộ gia đình được bố trí tái định cư tại Nhơn Phước.
Ông Nguyễn Đình Sô, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn), cho biết: Khó khăn lớn đặt ra đối với đời sống người dân tại khu tái định cư là công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người dân; nhiều hộ đến nơi ở mới nhưng không có việc làm ổn định, cuộc sống khó khăn. Ngay tại địa phương, chưa có mô hình sản xuất nào khả thi để nhân rộng nhằm tăng thu nhập cho người dân.