26/12/2016 9:53 PM
Khu công nghệ cao Hòa Lạc được hình thành với mục tiêu phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sau nhiều năm hình thành với vị trí hấp dẫn bậc nhất Hà Nội và sự kỳ vọng rất cao của các cấp, khu công nghệ cao này mới chỉ lấp đầy 40% diện tích…

Nhiều kỳ vọng…

Có thể thấy, sau khoảng thời gian dài “nằm bất động” (từ năm 1998), một số thay đổi về cơ chế, chính sách khiến hoạt động thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã đạt được những kết quả ban đầu…

Hiện nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo và đang đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ, cũng như thu hút các dự án công nghệ cao. Một số trường đại học, trung tâm nghiên cứu của các trường đại học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang đầu tư tại đây.

Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết: “Điều kiện về cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư, hạ tầng xã hội tạ đây cơ bản đã được đáp ứng.

Theo kế hoạch, cuối năm 2018 đầu năm 2019, dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Khu công nghệ cao bằng nguồn vốn ODA được hoàn thành và đưa khu vực này phát triển đúng với tầm vóc của nó, trở thành thành phố thông minh với môi trường đầu tư thuận lợi nhất”.

Theo như báo cáo tiềm năng của Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nếu được đầu tư và phát triển theo đúng tiến độ, nơi đây là một thành tố quan trọng góp phần xây dựng và phát triển nền tảng kinh tế quốc gia, là tiền đề quan trọng để Việt Nam bắt đầu tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cuộc cách mạng của công nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D, công nghệ tự động thế hệ mới…

Trên cơ sở đó, Ban quản lý Khu công nghệ cao đã đưa ra các chế độ đãi ngộ doanh nghiệp được mời gọi với nhiều “ưu ái” như: Thuế thu nhập doanh nghiệp thì dự án đầu tư mới được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm; dự án đầu tư mới có quy mô lớn và công nghệ cao hoặc mới thuộc một số lĩnh vực cần đặc biệt thu hút đầu tư có thể được hưởng thuế suất 10% trong thời hạn 30 năm; Miễn thuế trong 4 năm đầu tiên kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Đồng thời, thuế nhập khẩu, xuất khẩu được miễn đối với hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của dự án đầu tư; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ; miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm kể từ ngày bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, còn có ưu đãi về giá thuê đất, thuê hạ tầng, miễn nộp tiền giải phóng mặt bằng…


Rất nhiều mô hình rất đẹp vẫn đang là… mô hình
Nhưng vẫn phải chờ!
Những định hướng phát triển nói chung của Khu công nghệ cao Hòa Lạc đều rất “đẹp” và hoành tráng, có thể hấp dẫn bất cứ nhà đầu tư nào “rót tiền” vào nơi đây. Tuy nhiên, giải pháp để thực hiện định hướng đó thì còn nhiều việc phải làm. Còn rất nhiều nút thắt trong kêu gọi đầu tư cần được Ban quản lý khu công nghệ cao này nhanh chóng tháo gỡ. Bởi một số nhà đầu tư đã tham gia đầu tư vào đây cho rằng họ đang chịu “thiệt đơn, thiệt kép”.

Đơn cử như Công ty TNHH Sản xuất dược phẩm Medlac Pharma Italia là một trong những đơn vị đặt chân đến Khu công nghệ cao Hòa Lạc từ những ngày đầu.

Chia sẻ với phóng viên Đầu tư Bất động sản, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, đại diện Công ty cho biết, nếu so với cách đây 10 năm, mọi việc đã tiến bộ hơn. Nhưng hiện tại, vẫn còn những khó khăn lớn về giao thông khi chưa có hệ thống giao thông công cộng để công nhân trong Khu công nghệ cao đi về, đường điện rất hay trồi sụt ảnh hưởng đến sản xuất, hệ thống phục vụ phụ trợ như nhà ở, các tiện ích thiết yếu cho cuộc sống cũng nằm rất xa. Thậm chí, những chuyện tưởng chừng rất nhỏ như việc người dân thường xuyên vào trong Khu công nghệ cao phơi lúa khoai và chăn thả bò, dê, gây mất an ninh trật tự...

“Nếu hệ thống hạ tầng ngành điện ở Khu công nghệ cao được tổ chức tốt hơn thì các đơn vị đầu tư vào đây sẽ yên tâm hơn. Bởi Công ty rất hay bị ‘mất tiền’ cho việc sụt áp, mất điện đột ngột, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất. Dây chuyền sản xuất của Medlac Pharma Italia là dây chuyền hiện đại, tự động hóa rất cao. Có lần đang sản xuất, đột nhiên bị sụt áp và mất điện khiến chúng tôi phải đổ bỏ cả mẻ thuốc đang làm với giá trị hơn 40.000 USD.

Mặc dù chịu thiệt hại nhưng chúng tôi không thể kiện nơi cung cấp điện hay Ban quản lý Khu công nghệ cao, mặc dù họ sai. Hoặc nhiều khi mất điện một cách đột ngột, hệ thống 1 phút sau mới khởi động lại và chỉ đảm bảo cơ bản chứ không tối ưu như sản xuất ban đầu. Tỷ lệ sụt điện tại Công ty khoảng 1 - 2 lần/tháng và mỗi lần chúng tôi đều gánh chịu thiệt hại”, bà Thủy cho hay.

Về các chế độ ưu đãi, chính sách kêu gọi đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, bà Lê Thị Bích Loan, Phó Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM phân tích: “Luật công nghệ cao rất chung chung, cứ đầu tư vào khu công nghệ cao là được hưởng ưu đãi cao nhất như: thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, các loại thuế khác… Điều này ngầm hiểu rằng khi vào đây, nhà đầu tư sẽ được ưu đãi cao nhất. Nhưng khi áp dụng thêm các luật chuyên ngành, những ưu đãi sẽ không được đề cập và như vậy nhà đầu tư sẽ không được hưởng”.

“Khi tuyên bố các chính sách thu hút đầu tư thì phải dựa trên những quy định đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành. Chứ khi ban quản lý ban hành các chính sách ưu đãi mà các luật khác không cho thì vô tình lời tuyên bố đó không thực tế”, bà Loan nói.

Bên cạnh đó, hiện nay, cơ chế Ban quản lý khu công nghệ cao bị bó buộc rất nhiều. Bản thân mỗi khu công nghệ cao có diện tích đến cả ngàn héc-ta, như một thành phố thu nhỏ với rất nhiều hoạt động phục vụ cho sản xuất và cuộc sống ở trong đó. Các yếu tố hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, về môi trường và phát triển bền vững… chẳng khác gì một quận, huyện.

Trong khi đó, thâm quyền xử lý của Ban quản lý trong việc bảo vệ an ninh trật tự, cấp phép lao động, quản môi trường… rất thấp. Chính vì vậy, cần phải có phân cấp mạnh hơn cho Ban quản lý Khu công nghệ cao.

Vấn đề hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội cho Khu công nghệ cao cũng cần được quan tâm hơn. Một khu công nghệ cao như Hòa Lạc không chỉ là mô hình khép kin toàn nhà máy, co sở nghiên cứu mà mỗi người làm việc tại đây cũng đều có nhu cầu ăn ở, vui chơi giải trí bên cạnh công việc…

“Một khu công nghệ cao phải là một khu công nghệ xanh với kết nối thuận tiện về hạ tầng giao thông và xã hội. Đồng thời, cần duy trì chặt chẽ sự kết nối doanh nghiệp - Nhà nước với viện, trường. Vì viện, trường là nơi nghiên cứu, sáng tạo, doanh nghiệp chính là biến những nghiên cứu đó thành sản phẩm ra thị trường còn Nhà nước tạo ra cơ chế, môi trường kinh doanh phải gắn kết 3 trong 1 trong khu công nghệ cao”, bà Loan nói.

Về định hướng sắp tới, ông Nguyễn Trung Quỳnh, Phó Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết: “Hiện nay, Khu công nghệ cao đã lấp đầy khoảng 40% diện tích, quan điểm của chúng tôi là chọn những nhà đầu tư tiềm năng về khoa học công nghệ và mạnh khả năng tài chính để đầu tư hoạt động hiệu quả.

Các quy trình phức tạp hơn so với khu công nghiệp thông thường, tuy nhiên để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, chúng tôi đã ban hành các thủ tục với mục tiêu ngắn gọn và các biểu mẫu, hồ sơ chi tiết để các nhà đầu tư xem xét một cách dễ dàng nhất. Dù vậy, mức độ thu hút đầu tư so với các khu công nghiệp có thể chậm hơn. Đồng thời, chúng tôi đang trình Chính phủ các cơ chế đặc thù, hấp dẫn hơn, minh bạch hơn, dễ tiếp cận hơn và có những hoạt động hỗ trợ trực tiếp những nhà đầu tư để thu hút doanh nghiệp”.

Bất động sản công nghiệp đang được đánh giá là “con gà đẻ trứng vàng” khi Việt Nam thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới, số đông nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam làm điểm đến. Do vậy, một khu công nghệ cao có vị trí rất thuận lợi và nhận được sự kỳ vọng cao của các cấp lại mới chỉ lấp đầy 40% sau nhiều năm thì quả là một nghịch lý. Hóa giải những bất cập đã tồn tại từ lâu này, có lẽ cần sự vào cuộc quyết liệt của rất nhiều bên, để những nhà đầu tư mới chọn Hòa Lạc và những nhà đầu tư đã vào đây trở thành “sứ giả” kêu gọi đầu tư cho khu công nghệ cao này.

Nhất Nam (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.